Người dân Thạnh Lộc Quận 12 trước giờ phong tỏa toàn phường: ‘15 ngày dài, nhưng xứng đáng’

30/05/2021 22:41 GMT+7

Trước thời điểm cùng với Quận Gò Vấp bị phong tỏa, nhiều người dân P.Thạnh Lộc (Q.12) cho biết mình hồi hộp không biết 15 ngày tới sẽ như thế nào. Tuy nhiên, nhiều người nói họ sẽ tuân thủ tốt quy định của chính quyền để sớm vượt qua đợt dịch Covid-19 này.

Từ 0 giờ ngày 31.5, TP.HCM phong tỏa P.Thạnh Lộc (Q.12), Q.Gò Vấp theo Chỉ thị 16 trong vòng 15 ngày. Trong khi đó, toàn TP.HCM sẽ thực hiện giãn cách xã hội. Lãnh đạo UBND Q.12 cho biết người dân ở P.Thạnh Lộc sẽ không được đi ra khỏi địa bàn phường trong thời gian này.

Dân Gò Vấp bối rối sau khi quận bị phong tỏa, giãn cách xã hội vì Covid-19

“Ở trong nhà trước cho quen”

Theo ghi nhận của Thanh Niên chiều tối 30.5, dù chưa đến thời điểm phong tỏa nhưng nhiều tuyến đường ở P.Thạnh Lộc (Q.12) như Hà Huy Giáp, Quốc lộ 1, đường Thạnh Lộc 18,... trở nên vắng vẻ khác ngày thường, ít phương tiện qua lại.
Hầu hết, hàng quán và nhà dân đều trong trạng thái “đóng cửa then cài”, chỉ còn một vài cửa tiệm bán hàng hóa thiết yếu còn mở cửa. Một số người đi làm về muộn lỉnh kỉnh thực phẩm, đồ dùng thiết yếu trên xe, tranh thủ chạy về nhà.
Gần 20 giờ, chị Vũ Thị Ngọc Dung (27 tuổi) được chồng chở về nhà với vài thùng mì và những túi thịt, rau củ quả được chất đầy trên xe. Chị nói hôm nay hai vợ chồng đi làm về muộn, nên giờ mới ghé một cửa hàng tiện lợi ở P.Thạnh Xuân gần nhà để mua đồ dự trữ cho 15 ngày tới.

Đường Hà Huy Giáp (P.Thạnh Lộc, Q.12) thường ngày đông đúc, tối 30.5 vắng xe

ẢNH: CAO AN BIÊN

Theo nhiều người dân, Quốc lộ 1 đoạn qua P.Thạnh Lộc cũng vắng vẻ hơn thường ngày. ẢNH: CAO AN BIÊN
“Hồi trưa tôi hay tin thì hết hồn, mới gọi cho chồng, nhưng mà hai vợ chồng thì đều có có việc hết nên giờ mới mua nè. Tưởng là hết đồ rồi, nhưng cũng may là mua được một ít. Vài ngày nữa hai vợ chồng ở nhà làm việc luôn, chứ đâu có ra ngoài được nữa nên mua nhiều nhiều một tí để đỡ phải đi chợ nhiều lần”, chỉ vào túi đồ chị Dung nói thêm: “Nhiêu đây chắc đủ ăn cả tuần đó, những ngày tới chắc dài lắm đây”.

TP.HCM kêu gọi người dân bình tĩnh thực hiện giãn cách xã hội chống Covid-19

Trong khi đó, bà Hường (57 tuổi) tâm sự khi biết được cả phường mình ở bị phong tỏa, bà có chút bất ngờ. Những ngày qua, thường xuyên theo dõi tin tức trên mạng xã hội bà nói chỉ mới mình chỉ mới thấy những con hẻm có người nhiễm Covid-19 bị phong tỏa, không nghĩ là sẽ phong tỏa cả phường, cả quận như vậy. Bà nói từ chiều, mình liên tục nhìn vào đồng hồ xem mấy giờ rồi, còn bao lâu thì mới chính thức phong tỏa.
“Nhưng tôi nghĩ đó là điều cần làm trong thời điểm này, để kiểm soát được dịch bệnh lây lan. 15 ngày, chắc là dài đó nhưng nếu việc chúng tôi ai ở nhà nấy mà hỗ trợ TP. dập tắt được dịch thì cũng xứng đáng chứ không có gì. Cứ coi như một kỳ nghỉ vậy, thời gian sẽ qua nhanh hơn nhiều”, bà Hường lạc quan.
Chỉ vào nhà lúc nào cũng khép cửa hờ, bà nói từ khi dịch mới bùng phát trở lại bà đã hạn chế ra khỏi nhà nếu không có việc cần thiết cũng như dặn con cháu phải đeo thật kỹ khẩu trang khi ra đường. “Mấy ngày nay tôi có đi đâu đâu, ở trước trong nhà như vậy nên cũng quen rồi. Cách ly 15 ngày cũng không làm khó được tôi đâu, chán thì coi TV, dọn dẹp nhà. Mong ai nấy đều bình an…”, bà tâm sự.

Ngã Tư Ga đìu hiu.

ẢNH: CAO AN BIÊN

Những nỗi lo…

Nhiều người bán hàng quán ở P.Thạnh Lộc cho biết những ngày qua việc kinh doanh của mình ế ẩm chưa từng thấy. Từ khi hay tin phường phong tỏa trong 15 ngày, nhiều người nói mình chủ động nghỉ bán cho đến khi hết phong tỏa.
Bà Trương Thị Tươi (56 tuổi, quê Nam Định) tâm sự mình bán cháo lòng ở đường Thạnh Lộc 18 hơn 5 năm, hiếm khi nào ế ẩm như những ngày vừa qua. “Nghe con tôi thông báo phong tỏa, lúc đó tôi quyết định bán nốt hôm nay rồi nghỉ luôn, chờ một thời gian coi sao”, bà thuật lại.

Khu dân cư trên đường TL19 (P.Thạnh Lộc) nhà ai cũng “cửa chốt then cài” trước thời điểm phong tỏa.

ẢNH: CAO AN BIÊN

Chỉ vào đống má heo còn chất đầy trên tủ, bà nói từ khi có tin phong tỏa người ta ra đường mua thực phẩm về dự trữ nhiều nhưng hàng của bà vẫn không bán được. “Thấy người ta mua, tôi cũng tranh thủ mua gạo luôn để phòng hờ cho chắc, dự là chiều đi chợ gần đây mua thêm tí rau thì nghe người ta bảo hết rồi, chắc để lát bán xong rồi kiếm mua chỗ khác coi sao. Còn đống má heo ế này chắc về bỏ vô ngăn đông tủ lạnh dùng từ từ cho mấy ngày tới”, bà Tươi than.
Bà nói dù hàng cháo là thu nhập chính của gia đình, nhưng bà vẫn quyết định nghỉ bán vì lo cho sức khỏe của mình và những người trong nhà. “Thời gian này, chắc là phải xài tiết kiệm lại để còn đóng tiền trọ. Dù có khó khăn, có thể ăn một bữa cơm thôi cũng được nhưng tôi vẫn sẽ thực hiện tốt việc ở trong nhà để phối hợp với chính quyền kiểm soát dịch bệnh”, bà quyết tâm. Nói xong, bà dọn dẹp, thu xếp lại hàng quán chuẩn bị lát nữa đóng cửa sớm.

Tối 30.5: TP.HCM phát hiện 14 ca dương tính Covid-19 mới, nhiều F2 thành F0

Buổi tối, ông Hoàng Văn Tải (54 tuổi) chạy xe ôm phía trước Bến xe Ngã Tư Ga úp chiếc nón lên mặt, tranh thủ chợp mắt trong lúc chờ khách. Ông nói mình thấy lo lắng khi biết còn vài giờ nữa nơi mình ở sẽ phải phong tỏa. Nhìn vào bến xe, ông tâm sự những ngày qua bến vắng “kinh khủng”, nên ông cũng không chạy được bao nhiêu.
“Vậy mà giờ ở đây còn phải cách ly, tôi không biết phải làm sao đây, không biết có chạy xe được không nữa. Mà nếu có chạy được đi, thì cũng không có khách, thì cũng không chạy ra khỏi P.Thạnh Lộc được, nên chắc mai nghỉ quá”, ông lo lắng.

Bà Trương Thị Tươi (56 tuổi, quê Nam Định) cho biết mình từ mai sẽ nghỉ bán, ở nhà phòng dịch

ẢNH: CAO AN BIÊN

Từ chiều, ông Tải cho biết mình đã mua 3 thùng mì dự trữ trong nhà để dùng khi cần trong những ngày tới. Ông nói hy vọng lớn nhất của mình lúc này là dịch bệnh sớm được kiểm soát để ông có thể tiếp tục “cày cuốc kiếm cơm”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.