Hồ sơ bị "ngâm"
Chị Thanh Hòa nhà ở phường Hiệp Bình Phước, TP.Thủ Đức, cho biết chị bán 2 miếng đất ở quận Thủ Đức cũ và đã nộp hồ sơ tính thuế từ trước Tết Nguyên đán nhưng đến nay vẫn chưa xong, lí do là giá chuyển nhượng trong hợp đồng thấp hơn giá thị trường. Cơ quan thuế yêu cầu chị kê khai, chị đã làm lại phụ lục hợp đồng theo hướng điều chỉnh giá mua bán tăng lên và làm biên bản cam kết bán đúng giá theo hướng dẫn của ngành thuế. Thế nhưng đến nay hồ sơ chuyển nhượng 2 miếng đất của chị mấy tháng trời vẫn chưa xong.
Hồ sơ tắc nghẽn tại TP.Thủ Đức khiến người dân bức xúc |
ĐÌNH SƠN |
Ông Xuân Sơn ở phường Cát Lái (TP.Thủ Đức) cũng than quá mệt mỏi khi đi làm hồ sơ mua bán nhà đất từ ngày 28.12.2021 mà đến nay vẫn chưa xong, trong đó lâu nhất là khâu xác định thuế chuyển nhượng bất động sản. Cụ thể ông mua một căn nhà ở phường Cát Lái. Khi nộp hồ sơ vào hệ thống một cửa của TP.Thủ Đức có ấn định rõ ngày 13.1.2022 sẽ trả kết quả, tức nhận được sổ hồng mới cập nhật tên ông. Tuy nhiên đến ngày 16.3 mới có thông báo đóng thuế. Đóng xong chờ cả tháng rồi chưa ra sổ hồng. “Thuế muốn đóng nhanh phải qua cò, chi phí khoảng 25 triệu đồng. Nhưng mình không qua cò nên chậm và đến nay vẫn chưa nhận được sổ hồng”, ông Xuân Sơn bức xúc.
Bà P, một người chuyên dịch vụ hồ sơ nhà đất khu vực TP.Thủ Đức nhận xét, làm hồ sơ nhà đất, nhất là đóng thuế chuyển nhượng bất động sản ở TP.Thủ Đức hiện quá chậm. Có hồ sơ ngâm 7 tháng chưa ra được thuế.
Có trễ hẹn nhưng "lót tay" thì phải chờ kiểm tra
Trước những bức xúc của người dân, chúng tôi đã làm việc với lãnh đạo Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP.Thủ Đức, một lãnh đạo nơi đây lý giải rằng việc hồ sơ của người dân chậm là có nhưng không trễ quá nhiều. Nguyên nhân là do dịch Covid-19 làm Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP.Thủ Đức bị ảnh hưởng, có khi chỉ còn một nửa nhân sự vì bị F0.
Chưa kể hiện nay để giải quyết hồ sơ cho người dân khi đi làm thủ tục về nhà đất, các phó giám đốc của Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP.Thủ Đức được chia về 3 khu vực ngồi tiếp nhận và ký hồ sơ là quận Thủ Đức cũ, quận 2 cũ và quận 9 cũ. Sau đó mới tập hợp về Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP.Thủ Đức để giám đốc ký. Điều này khiến việc lưu chuyển văn bản giữa các nơi cũng mất thời gian.
Riêng tình trạng nhân viên nhận “lót tay” mới giải quyết hồ sơ nhanh, vị lãnh đạo này cho biết sẽ rà soát lại, nếu đúng sẽ xử lý nghiêm cán bộ cấp dưới.
Luật sư Trần Minh Cường cho rằng, kê khai và nộp thuế theo giá trị mua bán thực tế là trách nhiệm của các bên theo quy định pháp luật. Khái niệm "giá thị trường" hiện rất mơ hồ và không chính xác vì thị trường luôn biến động. Hơn nữa giá rao bán và giá khớp mua bán khác nhau, người mua và người bán giá nào sẽ không bao giờ có con số chính xác, kể cả giao dịch qua ngân hàng. Việc một số nơi cào bằng các trường hợp mua bán thực tế như cắt lỗ (thấp hơn giá mua) hay ủy quyền theo pháp luật dân sự nhưng vẫn bị đóng thuế 2 lần như "chuyển nhượng giả cách" là không phù hợp thực tế và quy định của pháp luật.
“Để giải quyết tận gốc vấn đề này cần phải có sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ từ nhiều cơ quan chức năng (văn phòng công chứng, ngân hàng, các bên mua bán, cơ quan thuế, cơ quan công an, các cơ quan quản lý nhà nước về đất đai...) trong đó việc xây dựng, hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan, tuyên truyền pháp luật và xử lý vi phạm là những vấn đề cần được quan tâm" luật sư Cường nói.
Theo đại đa số người dân, từ ngày sáp nhập 3 quận thành TP.Thủ Đức, các thủ tục hành chính tại đây được xử lý khá chậm chạp so với trước |
ĐÌNH SƠN |
Luật sư Hoàng Thu, Đoàn luật sư TP.HCM, cho rằng từng địa phương phải sớm có được bảng tính thuế để người dân chỉ phải thực hiện theo. Bởi, đã là giá thị trường thì có người bán đắt có người bán rẻ không ai bán giống ai. Kê khai thuế theo giá thực tế thì rất khó khăn cho cả người dân đến cơ quan nhà nước, lại dễ nảy sinh tiêu cực. Bộ luật Dân sự quy định: hợp đồng mua bán tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bán chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua và bên mua trả tiền cho bên bán. Nội dung hợp đồng mua bán là sự thỏa thuận của các bên kể cả giá trị hợp đồng. Đã là sự thỏa thuận giữa các bên thì giá trị chuyển nhượng có thể cao hoặc thấp hơn giá thị trường là điều bình thường, thuận mua vừa bán. Chưa kể hoạt động chuyển nhượng bất động sản phải đóng 2% thuế trên giá trị chuyển nhượng. Như vậy việc ngành thuế cứ vin vào việc giá khai trong hợp đồng mua bán thấp hơn giá thị trường và trả hồ sơ về là không phù hợp quy định, thậm chí vi phạm luật.
“Hiện nay chưa có nghị định, thông tư thậm chí luật nào quy định người dân phải bán bất động sản của mình theo một mức giá cố định nào và việc mua bán vẫn là theo bộ luật Dân sự. Việc ngành thuế buộc người dân nộp thuế theo giá thị trường là áp đặt, chủ quan duy ý chí. Nếu ngành thuế vẫn làm khó cho người dân về việc này thì người dân có quyền khởi kiện hành vi hành chính này ra tòa án để giải quyết theo quy định của pháp luật”, luật sư Hoàng Thu nói.
Bình luận (0)