Người dân TP.HCM gia tăng mua thực phẩm

21/08/2021 06:09 GMT+7

Người dân TP.HCM lại rồng rắn xếp hàng đi mua thực phẩm sau khi TP thông báo sẽ giãn cách xã hội 'ai ở đâu ở yên đó'.

Hôm qua (20.8), người dân tại TP.HCM lại rồng rắn xếp hàng đi mua thực phẩm sau khi TP thông báo sẽ triển khai các giải pháp tăng cường, đảm bảo thực hiện quy định về giãn cách xã hội “ai ở đâu ở yên đó” để hướng đến mục tiêu kiểm soát dịch bệnh vào giữa tháng 9.

Rau củ siêu thị “cháy hàng” trước ngày TP.HCM tăng cường giãn cách chống Covid-19

Tăng mua từ rau, cá, sữa đến thuốc...

Trưa hôm qua, hàng người chờ trước cửa siêu thị Lotte Mart Nguyễn Hữu Thọ (Q.7, TP.HCM) xếp thành 2 hàng dài với trên 100 người. Chị Ngọc, một người đang xếp hàng, cho hay theo lịch đi chợ 5 - 6 ngày/lần như tháng qua, 2 ngày nữa chị mới đi mua hàng. Thế nhưng, hôm qua chị cũng phải ra xếp hàng chờ mua luôn vì sợ những ngày tới càng khó được ra đường. Dù lượng khách đông hơn nhiều so với cuối tuần qua, nhưng chị Ngọc vẫn kiên nhẫn đứng chờ để vào được trong vì siêu thị đầy đủ hàng hóa, giá lại ổn định, có thể mua nhiều tích trữ cho cả nhà sử dụng ít nhất lên được 10 ngày tới.
Giá nhiều hàng hóa có nơi giảm, nơi đứng ở mức cao

Giá nhiều hàng hóa có nơi giảm, nơi đứng ở mức cao

Theo khảo sát của người viết, không chỉ tại siêu thị Lotte Mart Nguyễn Hữu Thọ, mà hầu hết cửa hàng thực phẩm, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn Q.7 như siêu thị GO! Nguyễn Thị Thập, các cửa hàng Bách Hóa Xanh, Co.opmart, Co.opFood, Satrafoods, Vinmart, Circle K... đến các cửa hàng trái cây, cửa hàng sữa cũng đều có lượng khách chờ đông hơn những ngày vừa qua rất nhiều.
Chẳng hạn trước cửa hàng Bách Hóa Xanh trên đường số 17, P.Tân Quy (Q.7), những ngày trước thường mỗi lúc chỉ có khoảng 3 - 4 khách xếp hàng chờ đến lượt, thì trưa hôm qua có đến hơn 10 người. Tại cửa hàng trái cây 130 trên đường Nguyễn Thị Thập (Q.7), số khách mua hàng cũng nối đuôi nhau. Một nhân viên bán hàng tại đây cho hay từ sáng sớm đến giữa trưa, ai cũng đuối vì khách quá đông.
Hay trước khu vực chợ Tân Mỹ, các cửa hàng gạo, cửa hàng thực phẩm KingFood và một số cửa hàng tạp hóa nhỏ, lượng khách xếp hàng chờ mua cũng dài dằng dặc. Thậm chí có cửa hàng bách hóa thông báo ngưng bán trực tiếp vì chỉ soạn hàng giao cho khách đã đặt trước.
Tình trạng trên cũng diễn ra ở các quận khác. Chị Hoa (Q.Tân Phú) cho hay chị muốn mua thêm một số thực phẩm để dự trữ thì cũng phải xếp hàng, chờ tính tiền tại một cửa hàng gần nhà tổng cộng hơn 2 giờ nhưng nhiều sản phẩm cũng đã hết, chỉ mua được một số thứ, còn trái cây thì đã trống kệ... Chị cũng vội vàng đặt thêm 6 thùng sữa cho con gái nhỏ.

Covid-19 sáng 21.8: 323.268 ca nhiễm, 132.815 ca khỏi | Quân đội mang thực phẩm đến tận nhà ở TP.HCM

Có nơi tăng 3 - 4 lần

Giá thực phẩm tại nhiều siêu thị, cửa hàng lớn vẫn bình ổn, không có biến động. Thậm chí một số loại rau, trái cây giảm nhẹ so với đầu tháng 7 như rau thơm, hành lá, thì là giảm từ 100.000 đồng/kg xuống còn 60.000 - 70.000 đồng/kg; cam sành từ 40.000 đồng/kg nay có nơi chỉ bán 100.000 đồng/3 kg hay 35.000 đồng/kg; các loại rau cải, rau muống cũng hạ nhiệt xuống còn 25.000 - 30.000 đồng/kg thay vì 40.000 - 45.000 đồng/kg như hơn một tháng trước. Dù vậy, nhiều hàng hóa vẫn đang đứng ở mức cao như tôm sú vẫn 300.000 đồng/kg, dưa hấu đỏ vẫn 25.000 đồng/kg hoặc có nơi hạ nhiệt, có nơi vẫn cao chót vót.
Chị Thao (ngụ TP.Thủ Đức) cho hay khu phố chị mua thịt heo tươi ngon như bắp giò chỉ 140.000 đồng/kg, các loại rau củ quả đồng giá 25.000 đồng/kg. Nhưng tại Q.7, chị An kể sau khi không thể xếp hàng vào các siêu thị lớn, chị chuyển sang mua hàng ở một số người bán cá nhân thì giá vẫn cao như rau cải xanh, cải thìa vẫn 30.000 đồng/kg, bưởi da xanh 60.000 đồng/kg hay thịt gà ta vẫn 220.000 đồng/kg, thịt heo đùi, nạc dăm cũng 210.000 đồng/kg...
Ghi nhận chung từ các hệ thống bán lẻ lớn tại TP.HCM cho thấy lượng khách hàng mua sắm tăng mạnh trong hôm qua. Cụ thể, 6 điểm bán hàng bình ổn “Thực phẩm chia sẻ” của hệ thống Di Động Việt với 3 tấn rau, củ chỉ đến trưa 20.8 đã hết sạch hàng trong khi những ngày trước vẫn bán suốt ngày và nhiều sản phẩm vẫn còn dư trong ngày.
Đại diện hệ thống siêu thị AEON cũng cho biết sáng qua, lượng khách hàng tại 2 siêu thị AEON Tân Phú và AEON Bình Tân tăng đột biến từ 2 - 3 lần so với các ngày trước đó. Khách hàng chủ yếu mua thực phẩm tươi sống như các loại thịt, cá, trứng, rau củ quả cùng nhiều mặt hàng lương thực khô như mì, miến, bún… Ngoài ra, đơn hàng đối với các nhóm thực phẩm đông lạnh, sữa cũng tăng mạnh. Từ đó phát sinh tình trạng thiếu hàng cục bộ trong một số thời điểm, và khách hàng xếp hàng dài để chờ thanh toán. Ngay lập tức, AEON VN đã thực hiện giới hạn số lượng khách, sắp xếp khu vực ngồi chờ, phân luồng cửa ra, vào để đảm bảo giãn cách, tuân thủ các quy định về phòng dịch Covid-19. Đồng thời, từ phía siêu thị cũng liên tục bổ sung hàng hóa lên kệ.
Đại diện AEON VN cũng dự kiến trước thông tin TP tăng cường các biện pháp giãn cách, lượng khách hàng và nhu cầu mua sắm sẽ tiếp tục tăng cao trong 2 ngày cuối tuần. Tuy nhiên, các siêu thị AEON đã có phương án tăng thêm trữ lượng nhập hàng và nguồn dự trữ, sẽ luôn cố gắng để đảm bảo phục vụ đầy đủ nhu cầu của người dân.
Tương tự, hệ thống SaigonCo.op (đơn vị sở hữu các hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opFood...) cũng cho biết lượng khách hàng ở một số nơi trong ngày hôm qua tăng đột biến gấp 3 - 4 lần như tại Co.opmart Cống Quỳnh, Co.opmart Q.9. Nhưng cũng có nhiều cửa hàng lượng khách vẫn bình thường như Co.opmart Nguyễn Đình Chiểu (Q.3), Co.opmart Rạch Miễu (Q.Phú Nhuận)... Ước tính toàn hệ thống siêu thị thuộc SaigonCo.op, khách hàng tăng khoảng gấp 2 lần những ngày trước.

Người mắc Covid-19 sống chung với người nhà có bệnh nền cần làm gì | BÁC SĨ ƠI số 8

Cần thông tin sớm cho người dân an tâm

Theo các chuyên gia kinh tế, sau gần 2 tháng thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, người dân TP.HCM cũng đã quen với việc xếp hàng, đi mua thực phẩm theo ngày nên không còn tình trạng hoảng loạn như lúc đầu thực hiện. Dù vậy, tâm lý mua rau, thịt, cá để tích trữ trong những ngày sắp tới khi bị hạn chế ra đường để phòng chống dịch bệnh là chuyện dễ hiểu.
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển phân tích về phía các hệ thống siêu thị, cửa hàng bán lẻ, nhu cầu tăng đột biến gấp 3 - 4 lần trong thời gian ngắn khiến họ bị quá tải là bình thường. Thậm chí ngay ở các nước có hệ thống phân phối rộng khắp, vận hành hiện đại như Mỹ cũng rơi vào tình cảnh bối rối khi người dân đổ xô mua hàng khi có khủng hoảng vì thiên tai hay thời kỳ đầu lúc dịch Covid-19 diễn ra.
Tuy nhiên, khi TP thông báo từ ngày 23.8 sẽ tăng cường các giải pháp để kiểm soát dịch bệnh hơn nữa, cũng có thể người dân sẽ vẫn được mua hàng thực phẩm nhưng với tần suất thưa hơn hiện nay, chẳng hạn chỉ được đi chợ 1 tuần/lần thay vì đi 2 - 3 lần như nhiều nơi đã phát phiếu vài tuần qua. Bên cạnh đó, nếu thật sự quyết liệt hơn theo phương án để “ai ở đâu ở yên đó” thì kể cả việc giao hàng (shipper) cũng bị hạn chế, TP cần có phương án đảm bảo cung cấp thực phẩm cho từng hộ gia đình như đã thực hiện cung cấp cho các khu vực bị cách ly thời gian vừa qua và thông tin sớm để người dân yên tâm.
“Tôi cho rằng TP sẽ có phương án cụ thể hơn trong tuần tới khi quyết tâm siết chặt việc thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16. Người dân dù có tâm lý tích trữ hàng hóa là bình thường vì mỗi gia đình sẽ có thói quen, sở thích ăn uống khác nhau cũng như tùy thuộc vào tình hình tài chính nhưng không nên quá lo lắng”, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển chia sẻ.
Số lượng người dân tới xếp hàng mua sắm đông tại các siêu thị và cửa hàng trong hôm qua. Các cửa hàng vẫn triển khai phân luồng, hướng dẫn người dân đảm bảo giãn cách. Về hàng hóa, hệ thống đã chuẩn bị phương án tăng cường 300% các mặt hàng thịt, rau xanh, thực phẩm thiết yếu nên khách hàng bình tĩnh, tuân thủ các quy định phòng chống dịch khi tham gia mua sắm.
Ông Nguyễn Tô Kiều Trinh (Giám đốc vận hành VinMart Miền Nam)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.