Theo ghi nhận của Thanh Niên, 9 giờ sáng 2.2, nhiều người đã đến chùa Diệu Pháp thả cá sau khi cúng ông Công ông Táo. Ngoài cá chép đỏ, nhiều người còn phóng sanh cá trê, cá lóc, chim…
Trước khi phóng sanh, mọi người thắp nhang cầu nguyện bản thân, gia đình có nhiều may mắn, niềm vui. Do có cơ quan chức năng túc trực ở bến chùa Diệu Pháp nên tình trạng cá bị chích điện sau khi thả không còn diễn ra như những năm trước đó.
Có tàu kiểm ngư ngăn chặn chích điện, người dân yên tâm thả cá phóng sinh ngày ông Táo
Chị Trần Thị Bảo Châu (ở Q.12) dậy sớm chuẩn bị mâm cúng đặt lên bàn thờ sau đó di chuyển qua chùa Diệu Pháp để thả 3 con cá chép. Đây cũng là thói quen của gia đình suốt nhiều năm nay.
"Nhiều người thả với số lượng nhiều hơn nhưng tất cả chỉ mong gia đình có sự bình an, ấm áp trong năm mới. Ngày 23 tháng chạp tôi đến chùa thả cá đến ngày mùng 1, mùng 2 tết nếu rảnh tôi sẽ đi chùa thắp nhang tiếp", chị Châu chia sẻ.
Khoảng 8 giờ sáng, bà Lê Thị Thoa (56 tuổi) đã đến một khu chợ truyền thống trên địa bàn Q.Bình Thạnh mua 3 con cá chép về để cúng ông Công ông Táo. Theo quan niệm của bà, ngày 23 tháng chạp cá chép sẽ hóa rồng đưa ông Táo về trời để bẩm báo những điều tốt đẹp trong năm qua của gia đình. Người phụ nữ mua 3 con cá chép với giá 40.000 đồng.
"Tôi mua cá chép một cách ngẫu nhiên, không chọn lựa vì con nào có duyên sẽ mua về để phóng sanh. Hằng năm, tôi đều đến chùa Diệu Pháp để thả, năm nay cũng không phải là ngoại lệ. Tôi thấy việc thả cá là việc làm mang nhiều ý nghĩa. 23 tháng chạp là ngày mọi người thả cá, chim bay về trời nên tôi nghĩ cũng không ai nỡ chích điện để bắt lại", bà Thoa bày tỏ.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thảo (68 tuổi) mua cá trứng, lươn, cá chép con với giá 1 triệu đồng để thả phóng sanh.
"Tôi thấy việc có công an giữ trật tự ở chùa trong ngày mọi người cùng nhau đi thả cá rất an toàn, không phải lo lắng việc cá bị bắt lại sau khi thả. Một năm trải qua có vui buồn nhưng theo suy nghĩ tâm linh của bản thân, việc thả phóng sanh sẽ xua tan mọi vướng bận, có thêm phước lành", bà Thảo cho biết.
Trước đó, Chi cục thủy sản TP.HCM cũng có văn bản gửi Công an Q.Bình Thạnh, Công an TP.Thủ Đức, UBND P.13, Q.Bình Thạnh, UBND P.Long Bình, TP.Thủ Đức, Phòng CSGT đường thủy TP đề nghị các đơn vị cử cán bộ tham gia tuần tra, kiểm tra, kiểm soát bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn sông Sài Gòn (khu vực chùa Diệu Pháp) và sông Đồng Nai (khu vực chùa Hội Sơn) nằm ngăn chặn tình trạng sử dụng điện bắt cá trong ngày cúng ông Công ông Táo.
Bánh cúng hình rồng, cá chép đắt khách ngày cúng ông Táo: Chủ tiệm quyết bán xuyên tết
Bình luận (0)