Theo ghi nhận của Thanh Niên, 10 giờ ngày 22.1, nhiều người đã đến chùa Diệu Pháp thả cá sau khi cúng ông Táo. Ngoài cá chép đỏ, nhiều người còn phóng sanh, cá trê, cá lóc, chim…
Trước khi thả cá, không ít người thắp nhang cầu nguyện để gia đình, người thân có nhiều may mắn, bình an và mạnh khỏe. Dù có cơ quan chức năng túc trực ở bến chùa Diệu Pháp, tình trạng cá bị chích điện sau khi thả không còn diễn ra nhưng một số người vẫn thuê thuyền ra tận giữa sông để thả.
Chị Phương Tú (37 tuổi, ở Q.Bình Thạnh) thả cá chép, cá rô và cá trê trong ngày 23 tháng chạp. Trước khi thả cá nhà chị đã cúng mâm đồ ngọt bao gồm bông vạn thọ, dưa hấu, kẹo thèo lèo… Đây là năm đầu tiên chị mang cá đến chùa Diệu Pháp để thả, những năm trước thả ở các kênh gần nhà.
"Năm nay có lực lượng chức năng ở đây nên cá được bơi thoải mái, nếu tình trạng người thả người vớt diễn ra thì cũng không hay lắm. Sáng nay tôi mua cá hết 150.000 đồng, không trả giá vì mang đến chùa thả, người bán nói bao nhiêu sẽ mua bấy nhiêu", chị Tú chia sẻ.
Bà Trần Sâm (64 tuổi, ở Q.Tân Bình) chia sẻ, cúng ông Táo là phong tục cổ truyền của người dân Việt Nam. Ngày 23 tháng chạp thường cúng ông Táo về trời, muốn xin các vị thần linh phù hộ cho gia chủ được bình an, tai qua nạn khỏi, đi đến nơi về đến chốn.
Cúng đưa ông Táo về trời: Ý nghĩa sâu xa của ‘ông Táo’
"Sáng nay, tôi mua cá với giá 20.000 đồng/cá lớn, cá nhỏ khoảng 15.000 đồng, tôi mua 3 con về để thả. Năm nào tôi cũng đến chùa Diệu Pháp để thả vì yên tâm, sạch sẽ, trang nghiêm, tâm mình cũng được thanh thản. Nhìn thấy cá bơi tôi có cảm giác ông Táo về trời để phù hộ cho gia đình được hạnh phúc", bà Sâm bày tỏ.
Bà Cao Thị Mỹ Linh (50 tuổi, ở Q.Bình Thạnh) cho biết: "Mâm cúng ông Táo đặt lên bàn thờ của gia đình tôi có kẹo thèo lèo, vàng mã, trái cây… Cúng ông Táo nhất định phải có cá chép để gia đình được bình an nên sáng nay tôi đến chùa thả cá phóng sanh. Năm nào tôi cũng cúng ngày 23 tháng chạp, mong cho gia đình luôn được vui vẻ, mọi thứ đều thuận lợi".
Bình luận (0)