Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 2, tiền gửi của nhóm khách hàng dân cư tại các ngân hàng đã tăng thêm 314.000 tỉ đồng, tương ứng mức tăng 5,36% so với cuối năm 2022, lên gần 6,18 triệu tỉ đồng. Trong khi đó, tiền gửi của nhóm khách hàng tổ chức kinh tế lại giảm hơn 338.000 tỉ đồng, tương ứng lượng tiền gửi đi xuống 5,68% trong 2 tháng đầu năm, còn 5,615 triệu tỉ đồng. Như vậy, lượng tiền gửi của cá nhân tăng vượt tổ chức kinh tế sau nhiều năm trở lại đây.
Tổng phương tiện thanh toán (chưa loại trừ các khoản phát hành giấy tờ có giá do các tổ chức tín dụng khác trong nước mua) tăng 46.000 tỉ đồng, tương ứng 0,32% so với cuối năm 2022, lên hơn 14,272 triệu tỉ đồng. Tỷ trọng tiền mặt lưu thông trên tổng phương tiện thanh toán sụt giảm vào cuối tháng 2 còn 9,47% thay vì mức 10,6% cuối tháng 1.
Lý giải cho tốc độ tăng tiền gửi cá nhân cao hơn vào 2 tháng đầu năm 2023 đến từ mặt bằng lãi suất huy động tiết kiệm đạt mức cao. Nhiều ngân hàng huy động lãi suất ở mức 8 - 9%/năm, có nơi lên 10 - 11%/năm. Trong khi đó, đây cũng là thời điểm các doanh nghiệp chi trả tiền lương, thưởng Tết Nguyên đán cho người lao động nên lượng tiền gửi từ phía tổ chức kinh tế cũng giảm đi. Hơn nữa, thời điểm này, lãi suất cho vay, đặc biệt cho vay doanh nghiệp cũng đã tăng lên khá cao, từ 11 - 15%/năm nên nhiều doanh nghiệp sử dụng nguồn tiền đang có cho các hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, kênh bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp… trầm lắng cũng khiến tiền gửi doanh nghiệp sụt giảm hơn những năm trước
Bình luận (0)