Người dân vẫn giao dịch bitcoin nhưng cơ sở pháp lý chưa có

06/01/2025 14:44 GMT+7

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị làm rõ phạm vi quy định về tài sản số, tài sản ảo và tài sản mã hóa như bitcoin vì không thể quy định 'quá sâu' trong luật cũng không thể 'né tránh' khi rõ ràng thực tiễn đã có.

Sáng 6.1, tiếp tục phiên họp 41, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật Công nghiệp công nghệ số. Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường Quốc hội Lê Quang Huy nêu, quá trình thảo luận có ý kiến ý kiến khác nhau liên quan việc quy định tài sản số tại dự thảo luật.

Người dân vẫn giao dịch bitcoin nhưng cơ sở pháp lý chưa có- Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường báo cáo tại phiên họp

ẢNH: GIA HÂN

Thường trực Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường, sau khi làm việc với các cơ quan chuyên môn, thấy rằng tài sản số là vấn đề mới, phức tạp, phát triển, thay đổi nhanh chóng. Hiện nay trên thế giới cũng chưa có khung pháp lý quy định đầy đủ về vấn đề này và vẫn còn có quan điểm khác nhau.

Do đó, cơ quan thẩm tra thống nhất quy định khung về vấn đề này; đồng thời giao Chính phủ quy định phân loại, thẩm quyền, nội dung quản lý tài sản số, cung ứng dịch vụ tài sản số phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh thống nhất với cơ quan thẩm tra, cho rằng tài sản số là vấn đề mới, thay đổi rất nhanh và quốc tế chưa có quy định thống nhất nên việc giao Chính phủ quy định cụ thể là hợp lý.

Như đồng bitcoin (tiền ảo), theo ông Thanh, trước đây Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tư pháp sớm có cơ sở pháp lý để quản lý nhưng tới nay vẫn chưa có. Ông đề cơ quan soạn thảo, thẩm tra làm rõ phạm vi quy định vì không thể quy định "quá sâu" trong luật cũng không thể "né tránh" khi rõ ràng thực tiễn đã có chuyện này rồi.

"Người dân chúng ta cũng sử dụng đồng bitcoin trong các giao dịch, thậm chí giao dịch quốc tế. Có thể mua đồng bitcoin ở trong nước rồi ra nước ngoài đổi ra các đồng tiền khác", ông Thanh nêu.

Người dân vẫn giao dịch bitcoin nhưng cơ sở pháp lý chưa có- Ảnh 2.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh

ẢNH: GIA HÂN

Thứ trưởng Bộ TT-TT Bùi Hoàng Phương cho biết, khoảng 6 - 7 năm trước, Chính phủ giao cho Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, trong đó Bộ Tư pháp xây dựng cơ sở pháp lý để quản lý tiền ảo như bitcoin, song "vẫn chưa ra".

Vừa rồi, khi xây dựng luật Công nghiệp công nghệ số, Bộ TT-TT tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, nhận thấy đây là vấn đề mới, quan trọng, cần hành lang, khuôn khổ pháp lý nên đã đề xuất đưa vào dự thảo luật này để quy định.

Vào tháng 4.2018, Chính phủ ban hành Chỉ thị số 10 về tăng cường quản lý các hoạt động liên quan tới bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác, đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng không được thực hiện thanh toán tiền ảo. Bộ Tài chính chỉ đạo các công ty chứng khoán không thực hiện các hoạt động phát hành, giao dịch, môi giới giao dịch liên quan tiền ảo trái pháp luật.

Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan khẩn trương đề xuất, hoàn thiện khung khổ pháp lý về quản lý, xử lý đối với tiền ảo, tài sản ảo.

Dự thảo luật Công nghiệp công nghệ số trình Quốc hội quy định tài sản số là tài sản theo quy định tại bộ luật Dân sự, được thể hiện dưới dạng dữ liệu số, được tạo ra, phát hành, lưu trữ, chuyển giao và xác thực bởi công nghệ số trên môi trường điện tử.

Dự thảo luật cũng quy định, tài sản ảo là một loại tài sản số được giao dịch hoặc chuyển giao và có thể được dùng cho mục đích thanh toán hoặc đầu tư. Tài sản ảo không bao gồm chứng khoán, các dạng số của tiền pháp định và tài sản tài chính khác theo quy định pháp luật.

Trong khi đó, tài sản mã hóa được dự luật quy định là một loại tài sản số được tạo ra, phát hành, lưu trữ, chuyển giao và xác thực bằng công nghệ chuỗi khối, công nghệ sổ cái phân tán hoặc công nghệ số khác tương tự.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.