Phát huy lợi thế về đất đai, thổ nhưỡng, hiện nay nhiều xã vùng đồi ở Yên Thành (Nghệ An) như Minh Thành, Đồng Thành, Kim Thành… đã có hàng trăm hộ trồng cam với diện tích trên 100 ha, lợi nhuận mỗi vụ thu về hàng chục tỉ đồng.
Những cây cam trĩu quả chờ ngày thu hoạch |
Yên Thành là vùng đất nửa trung du miền núi, nửa đồng bằng ở xứ Nghệ. Không chỉ là vùng đất nổi tiếng về “gạo trắng nước trong” của dải đất miền Trung, ngày nay Yên Thành còn nổi tiếng hơn với thương hiệu cam. Đây là đặc sản mới được khai phá trong 10 năm qua với hương vị đặc biệt mà thiên nhiên ưu đãi cho vùng đất này.
Từ năm 2007 đến nay, cây cam trên đất Yên Thành đã có sự phát triển mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao và được xếp là giống cây trồng chủ lực
|
Khi nói về cam Yên Thành, sẽ là thiếu sót nếu như không nói đến công của ông Trịnh Xuân Giáo (49 tuổi), chủ trang trại cam Thiên Sơn ở xã Đồng Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.
Vào năm 2001, tình cờ được người bạn mời ăn thử quả cam trồng ở xã Minh Thành, huyện Yên Thành, ông ngỡ ngàng trước hương vị thơm ngon, độ đậm đà tan chảy của từng múi cam, không hề thua kém quả cam Xã Đoài trứ danh bấy lâu nay. Sau đó ông Giáo âm thầm tìm hiểu và thử trồng loại cam này với nhiều chất đất trong vùng. Năm 2004, ông đã tìm được mảnh đất ưng ý ở xóm Đồng Trung, xã Đồng Thành, huyện Yên Thành với diện tích 16 ha và phát triển trồng cam.
Hiện nay phong trào trồng cam không chỉ phát triển mạnh ở các xã Minh Thành và Đồng Thành mà lan rộng ra nhiều xã trong huyện như Lý Thành, Mã Thành, Xuân Thành. Nhưng theo ông Giáo, sản lượng cam của Yên Thành đang rất hạn chế so với nhu cầu thị trường
|
Qua gần 2 năm khai phá và cải tạo đất từ một khu rừng bạch đàn, ông Giáo kết hợp với ông Nguyễn Hữu Bình, là một người có kinh nghiệm trồng cam trên 35 năm về làm kỹ thuật. Thời gian đầu để bớt khó khăn về vốn, ông Giáo mời thêm một người bạn nữa cùng tham gia là ông Phạm Công Hải. Sự hợp tác được ba ông thỏa thuận là: ông Giáo có 16 ha đất, ông Hải đầu tư công sức, ông Bình chịu trách nhiệm về kỹ thuật đã khởi đầu cho những vụ cam ngon ngọt từ đất Yên Thành.
Từ mô hình trang trại cam ông Bình và ông Giáo, phát huy lợi thế về đất đai, thổ nhưỡng, hiện nay nhiều xã vùng đồi ở Yên Thành như: Minh Thành, Đồng Thành, Kim Thành… đã có hàng trăm hộ trồng cam, với diện tích trên 100 ha. Toàn huyện có gần 200 ha tính cả trồng phân tán.
Nhờ cam Yên Thanh, nhiều người dân ở đây đã đổi đời
|
Nhờ đúc rút kinh nghiệm và chú trọng áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật nên chất lượng cam Yên Thành ngày càng được khẳng định, cho hiệu quả kinh tế cao. Cam Yên Thành có đặc điểm vỏ mỏng, thơm, vị ngọt đậm đà, lại là trái cây tốt cho sức khỏe. Bình quân mỗi ha đạt từ 14-15 tấn quả, giá bán từ 50.000 - 80.000 đồng/kg, dịp Tết Nguyên đán vừa qua giá bán hơn 100.000 đồng/kg, được thương lái đến thu mua tận vườn.
Hiện nay sản phẩm cam của trang trại ông Giáo không đủ cung cấp cho thị trường, hàng năm thu về trên 10 tỉ đồng tiền lãi, được rất nhiều các đoàn từ các tỉnh về tham quan chia sẻ kinh nghiệm. Nhờ “quả ngọt” từ cam, người dân đã chuyển đổi từ mô hình trồng cây sắn, ngô, khoai, lúa sang trồng cam để mang lại lợi ích kinh tế, thoát nghèo.
Bí ẩn cam Xã Đoài
Hiếm có loại trái cây nào có đặc tính đặc biệt và kỳ lạ như cam Xã Đoài. Hương vị ngọt dịu, thơm, ăn xong trên môi còn dính chút mật như mật ong khiến cam Xã Đoài 'quyến rũ' được bất cứ người nào từng may mắn được thưởng thức.
Ông Giáo cho biết năm nay và những năm tiếp theo sẽ có cuộc cạnh tranh ngầm giữa thương hiệu các sản phẩm cam trên địa bàn Nghệ An và giữa các chủ trang trại với nhau. Đó là tín hiệu đáng mừng để sản phẩm cam Yên Thành được khẳng định về chất lượng, tạo được vị trí của mình trên thương trường.
Trong khóe mắt của người nông dân gần 50 tuổi sáng lên ánh nhìn đầy hi vọng về một tương lai tươi sáng của bà con nơi đây. “Chắc chắn một ngày không xa, người dân quê tôi sẽ nhanh chóng thoát nghèo và trở thành những tỉ phú trên chính ruộng lúa của mình bằng cây cam Yên Thành”, ông Giáo hi vọng.
Bình luận (0)