Người dát vàng lên tranh đương đại

19/10/2020 20:55 GMT+7

Không chỉ được biết đến với sở thích đưa vàng lên tranh, họa sĩ Bùi Thanh Tâm còn đắm đuối với việc đưa những vàng son của tranh dân gian Việt Nam vào những tác phẩm đương đại của mình.

Triển lãm Không có gì ở đằng sau - Nothing behind (diễn ra từ ngày 21 - 26.10 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam) là triển lãm cá nhân thứ 6 và là triển lãm thứ 3 ở trong nước của họa sĩ Bùi Thanh Tâm như càng khẳng định đam mê khó từ bỏ này của anh.

Hơn 20 tác phẩm trong triển lãm chia thành 3 mảng chủ đề: Chiến tranh - Tình yêu - Đức tin, được Bùi Thanh Tâm đưa vào các dòng tranh dân gian Kim Hoàng, Đông Hồ, Hàng Trống và tranh thờ.

Những chất liệu truyền thống sử dụng được làm bằng đôi bàn tay của các nghệ nhân, ngay cả với chất liệu vàng. Nhiều tác phẩm được dát vàng ta với lượng lớn.

Theo lý giải của họa sĩ, chất liệu vàng không chỉ mang hiệu ứng về màu sắc, mà còn thể hiện sự quyền quý, linh thiêng. Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với anh.

Bui-Thanh-Tam

Tác phẩm Chiến tranh I, II, III được làm với chất liệu vàng lá, bạc lá, tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống, Kim Hoàng trên toan 

Ảnh NSCC

Giữ lại những giá trị đang dần mất đi

Bắt đầu từ khi nào anh có ý định thực hiện bộ tranh Không có gì đằng sau với việc đưa vào nhiều dòng tranh dân gian Việt Nam?

Họa sĩ Bùi Thanh Tâm: Trong quá trình làm bộ tranh cho triển lãm cá nhân đầu tiên là Nàng Monalisa (2010), tôi đã bắt đầu suy nghĩ nhiều đến việc sử dụng chất liệu nghệ thuật dân gian, truyền thống.

Những bộ tranh tiếp theo là Những kẻ điên, Thiên đường bỏ ta đi, tôi đều sử dụng chất liệu tranh truyền thống nhưng vẫn chưa cảm thấy thỏa mãn.

Nghệ sĩ luôn muốn đạt đến đỉnh cao nhất mà mình theo đuổi. Bởi vậy, sau triển lãm Thiên đường bỏ ta đi (2017), tôi muốn tạo nên một sự đột phá về nghệ thuật thực hành, ý niệm dựa trên văn hóa truyền thống. Và Không có gì đằng sau được nhen nhóm từ đó. Nhưng đến giờ phút này, tôi vẫn chưa thấy thỏa hết mong muốn của mình!

Vì sao nghệ thuật dân gian lại hấp dẫn anh đến vậy?

Ngay từ đầu trong những bước thực hành làm một nghệ sĩ, tôi đã được tiếp cận với nghệ thuật hội họa dân gian. Chẳng hạn, trong những lần đi vẽ ký họa tại những ngôi làng, đình, đền, chùa cổ, mình nhìn thấy được thần thái, tay nghề của nghệ nhân Việt xưa.

Bui-Thanh-Tam

Tác phẩm Xứ An Nam I, II, III được làm với chất liệu vàng lá, bạc lá, tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống, Kim Hoàng trên toan

Ảnh NSCC

Nhiều nghệ sĩ đương đại hiện nay, trong đó có những người đã thành danh, hay thậm chí cả những bậc thầy như Picasso hay Van Gogh đã tìm đến nghệ thuật dân gian.

Chẳng hạn, Picasso học nhiều từ nghệ thuật thổ dân, còn Van Gogh lại học từ tranh khắc Nhật Bản… Trong khoảng thời gian gần đây, khi các nghệ sĩ vùng miền hoạt động mạnh mẽ, ý niệm trở về nguồn cội luôn được đề cao.

Những nhà sưu tầm, những bảo tàng cũng quan tâm hơn đến những vùng đất mà nghệ thuật chưa có nhiều phát triển, hoặc là những vùng đất mà văn hóa vẫn còn nhiều bí ẩn với thế giới. Cái đích cao nhất mà họ tìm đến là cái mới, mà cái mới cao nhất so với các phần thế giới đã được biết là văn hóa bản địa của từng khu vực, từng đất nước.

Nhiều nghệ sĩ quan tâm đến điều này. Còn tôi nghĩ rằng mình phù hợp với con đường đó. Hơn hết, tôi muốn giữ lại nhiều giá trị nghệ thuật truyền thống đẹp đẽ của người Việt đang dần mất đi và đang bị văn hóa của nước ngoài, của nền công nghệ mới thay thế.

Để thế giới công nhận không phải điều dễ

Anh muốn đưa yếu tố nghệ thuật dân gian vào cũng nhằm để thu hút người chơi tranh nước ngoài?

Có những dòng tranh dân gian của Việt Nam bị thất truyền, nhiều nhà nghiên cứu đã phải sang tận Pháp mượn lại những bản in để về phục chế lại một dòng tranh đã mất.

Những nước trong khu vực như Hàn Quốc, Nhật Bản… cũng có dòng tranh dân gian và được biết đến nhiều hơn. Tôi muốn mang đến sự khẳng định dòng tranh dân gian vẫn tồn tại ở Việt Nam, chứ không phải đã mất hoàn toàn, hơn nữa, dòng tranh dân gian của mình có sự khác biệt, độc đáo riêng.

Đúng là một phần tôi muốn là để giới chơi tranh nước ngoài biết đến. Nếu làm được việc quảng bá văn hóa dân tộc ra nước ngoài thì là thành công. Nhưng một nghệ sĩ Việt có thể đưa quốc hồn quốc túy ra nước ngoài và được thế giới công nhận thì không phải là điều dễ và còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa.

Vẫn khai thác chất liệu dân gian trong tác phẩm, nhưng sau một thập kỷ anh thấy tư duy sáng tác của mình đã thay đổi thế nào?

Trước đây, tôi khai thác đề tài một cách trực diện vào yếu tố hình khối ngồn ngộn, va đập thị giác mạnh, ngôn ngữ hiện đại. Đến giai đoạn này, tôi muốn phát triển về chiều sâu nội tâm hơn. Trước kia, tôi muốn mang đến một chút thâm thúy, một chút giễu nhại, một chút phê bình. Còn bây giờ, tôi đi sâu vào yếu tố thực hành nghệ thuật.

Tác phẩm khi hoàn thành vẫn phải kích thích thị giác, gây hiệu ứng cho người xem, nhưng tôi đưa nhiều ý niệm vào tác phẩm hơn, người xem phải đào nhiều hơn về chiều sâu bên trong. Tên triển lãm là Không có gì ở đằng sau, nhưng người xem vẫn phải đi đào cái ở phía trước cái mà người ta nhìn thấy! (cười)

Nhiều tác phẩm trong triển lãm lần này của anh đã có chủ. Anh có thể tiết lộ, những nhà sưu tầm lần này là từ nước ngoài hay trong nước?

Những tác phẩm trong bộ sưu tập trước được bán cho nhà sưu tập nước ngoài nhiều hơn trong nước. Còn với bộ này tôi khá kỹ càng trong việc “cất” ý tưởng của mình trước khi công bố với thế giới bên ngoài.

Bởi vậy, những nhà sưu tập ở nước ngoài hầu như chưa biết đến. Những tác phẩm đã bán lần này chủ yếu là người Việt mua.

Và anh có dự định “khiêng” tranh ra thế giới như những lần trước?

Nếu không có ảnh hưởng của dịch Covid-19, những tác phẩm này đã được mang đi giới thiệu rồi, nhưng tất cả kế hoạch đã bị hủy bỏ.

Tôi hy vọng sẽ được giới thiệu tới công chúng nước ngoài trong thời gian sớm nhất.


Tiếp cận truyền thống theo cách đương đại

"Tâm sử dụng kỹ thuật thếp vàng trên tranh Hàng Trống vào những tác phẩm này. Thực ra, hiện tại tranh Hàng Trống chỉ dùng nhũ thôi, nhưng Tâm làm đúng theo kiểu truyền thống và phải đặt hàng riêng. Đây cũng là điều nên cần tạo thành trào lưu để mọi người quay lại chất liệu truyền thống hơn là sử dụng chất hóa học, công nghiệp.

Không thể kể hết ra biết bao nhiêu bức tranh mà Tâm đã đặt các nghệ nhân, tính ra tiền cũng phải đến cả trăm triệu, trong khi một bức có giá vài chục nghìn thôi, là thấy số lượng tranh nhiều như thế nào. Nhưng những tác phẩm của Tâm là tiếp cận truyền thống theo đương đại, cái truyền thống đã được nâng lên một tầm mới",  bà Thu Hòa, Giám đốc Bảo tàng Gốm Việt, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian nói.

Họa sĩ Bùi Thanh Tâm là một trong những họa sĩ đương đại Việt Nam đang được thế giới chú ý. Tranh của anh đã được triển lãm tại nhiều quốc gia như Mỹ, Hà Lan, Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia… Nhiều tác phẩm của anh đang nằm trong bộ sưu tập của nhiều người chơi tranh ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.