Trao đổi với Thanh Niên, bác sĩ Calvin Q Trịnh cho biết sáng 10.3, ông đã từ Mỹ về đến sân bay Tân Sơn Nhất. Theo vị bác sĩ này, ông đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin và trên passport của ông có đính kèm thẻ tiêm chủng CDC trước khi về nước.
“Sẽ tuân thủ tốt quy định cách ly”
Theo lời kể của ông Calvin Q Trịnh, tương tự như ở Việt Nam, chính phủ Mỹ sẽ xác định những đối tượng nào sẽ được tiêm vắc xin trước, đối tượng nào được tiêm vắc xin sau rồi chia thành từng giai đoạn khác nhau để tiêm chủng. Người dân khi đã xác định được mình thuộc đối tượng nào sẽ tiến hành đăng ký tại trung tâm y tế, các bệnh viện, phòng khám có chức năng tiêm vắc xin.
Sau đó, người đăng ký sẽ được sàn lọc xem có đủ điều kiện để tiêm hay không. Khi đã đáp ứng được các điều kiện, người dân sẽ nhận được thông báo thông qua điện thoại hoặc email để hẹn thời gian địa điểm tiêm vắc xin.
“Có 2 hình thức check in tiêm chủng là check in online trong vòng 24 tiếng trước thời điểm tiêm hoặc check in trực tiếp tại điểm tiêm phòng. Cả 2 hình thức đều xác nhận tiểu sử bệnh tật và tình trạng sức khỏe hiện tại của cá nhân trước tiến hành tiêm. Từ 26 đến 36 ngày sau mũi tiêm đầu tiên, chính phủ sẽ liên hệ với người dân để tiêm mũi thứ 2”, bác sĩ này thông tin thêm.
Ông không giấu được niềm vui khi kể lại: “Khi nhận được thông tin mình được sẽ được tiêm vắc xin, tôi thấy thực sự vui. Tôi được tiêm chủng tại một trung tâm y tế ở Texas. Lúc đó, tôi không quá lo lắng vì tôi đã được thông báo về mức độ an toàn của của vắc xin, tôi cũng không phải trả bất kỳ chi phí nào”.
|
Calvin Q Trịnh nhớ lại, trong lúc tiêm mũi đầu tiên, ông hoàn toàn không cảm thấy đau đớn. Sau đó, ông có cảm giác ớn lạnh, sốt nhẹ và ngày hôm sau thì vùng chích và cánh tay đau ê ẩm. Hiện tượng trên kéo dài trong 2 ngày. Ông kể thêm: “Tôi thấy ở mũi thứ 2 cũng tương tự, nhưng có một số người khác phản ứng mạnh hơn mũi đầu tiên. Tác dụng phụ phổ biến vẫn là cảm giác ớn lạnh, đau và sốt nhẹ, các tác dụng phụ này nếu gây khó chịu và có thể điều trị bằng tylenol hay paracetamol".
Hiện tại, Việt Nam chưa có cơ chế riêng cho công dân có “hộ chiếu vắc xin” nên bác sĩ này vẫn phải cách ly theo đúng quy định. Ngay sau khi nhập cảnh, ông đã được cách ly tại một khách sạn ở Q.3 (TP.HCM).
“Tôi nghĩ rằng, việc mình được tiêm vắc xin là một sự đảm bảo. Sau khi xét nghiệm vẫn có kết quả âm tính, tôi mong mình sẽ được kết thúc cách ly hoặc tự cách ly tại nhà. Tuy nhiên dù có như thế nào, tôi vẫn sẽ chấp hành tốt các quy định về cách ly của nhà nước”, bác sĩ này nói.
“Tri ân các bác sĩ tuyến đầu bằng một bài thể dục vận động đặc thù”
|
Trong lần về Việt Nam lần này, ông Calvin Q Trịnh dự định sẽ liên hệ công tác tại một số bệnh viện ở Việt Nam. Ông cho biết, dù ở Mỹ nhưng lúc nào ông cũng theo dõi tình hình dịch bệnh tại quê nhà và thực sự khâm phục, quý mến tinh thần chống dịch của đất nước, nhất là các bác sĩ tuyến đầu.
Tốt nghiệp thạc sĩ tại Mỹ, Chuyên khoa Y học thể thao và Phục hồi chức năng sau sinh, trong thời gian cách ly ông Calvin Q Trịnh đã dùng những kiến thức và kinh nghiệm của mình viết một bài tập thể dục vận động đặc thù dành cho những người ở tuyến đầu chống dịch. Ông bộc bạch: “Tôi đang viết một bài tập thể dục dành riêng cho các y bác sĩ, bộ đội, quân nhân đang thực hiện các công tác chống dịch. Bài tập gồm những động tác phù hợp với đặc thù công việc của họ, để họ có thể lấy lại sức và tinh thần thoải mái khi làm việc liên tục và áp lực cao”.
Bác sĩ này mong muốn bài tập này sẽ được thực hiện trên nền nhạc rap để có sức lan tỏa hơn. Ông hy vọng mình có thể kết nối với một nhóm nhạc tại Việt Nam để thực hiện ý tưởng này.
Bình luận (0)