Lừa để... bán hàng đa cấp?
PGS-TS Huỳnh Văn Sơn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, chỉ ra rất nhiều vấn đề bất cập trong việc dạy kỹ năng mềm hiện nay. Ông nói: “Người dạy đang có vấn đề, họ xem lớp học là show biểu diễn, một hành động để quảng bá bản thân. Đây là suy nghĩ đáng sợ, lẽ ra họ đến lớp phải với mục tiêu phát hiện người học đang thiếu kỹ năng gì để rèn luyện cho họ. Thực tế rất nhiều sinh viên bị lừa với chiêu lấy kỹ năng mềm để xin dữ liệu cá nhân, lấy kỹ năng mềm nói chuyện miễn phí để bán hàng đa cấp”.
tin liên quan
Đừng để kỹ năng mềm là điểm yếu khi xin việcÔng Sơn nhấn mạnh có những giảng viên nghĩ môn này học để cho vui mà không quan tâm đến chuẩn. Vì vậy có những người bỏ dạy các học phần chuyên môn về kinh tế - chuyên ngành mình được đào tạo để chuyển sang dạy kỹ năng mềm. Có trường ĐH mở bộ môn kỹ năng mềm nhưng không hề có trưởng bộ môn chuyên môn sâu về lĩnh vực này.
Có những người thiếu kỹ năng mềm nhưng trở thành một chuyên gia lĩnh vực này. “Trong khi bộ kỹ năng mềm của Bộ LĐ-TB-XH chỉ có 5 - 10 kỹ năng nhưng có giảng viên đi dạy cả 10 kỹ năng”, ông Sơn nói.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Trang Nhung, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cũng cho rằng có nhiều vấn đề trong việc dạy học kỹ năng hiện nay. Theo thạc sĩ Nhung, các lớp kỹ năng mềm hiện có số lượng từ 200 - 500 người. “Bản chất của môn học này là tác động nhận thức, thay đổi thái độ và hình thành hành vi mới. Để làm được, người học phải thực hành nhiều trên lớp và trong môi trường đa dạng bên ngoài. Nhưng số lượng người học quá lớn, thời gian giảng dạy quá ít nên có những đối tác mời dạy chỉ “cưỡi ngựa xem hoa” để người học vui và có phản hồi tốt về thầy cô là được”, thạc sĩ Nhung cho hay.
Theo thạc sĩ Nhung, có nhiều giảng viên kiêm nhiệm, có người 7 giờ vào dạy nhưng 6 giờ mới soạn giáo án. Cũng vì vậy mà chương trình giảng dạy kỹ năng mềm đôi khi được thiết kế theo cảm quan của một vài người.
Chương trình dạy bị cắt vô tội vạ
Tiến sĩ Bùi Hồng Quân, Học viện Cán bộ TP.HCM, và cộng sự đã công bố kết quả khảo sát từ giảng viên các ĐH ở TP.HCM về nguyên nhân gây ra hạn chế trong rèn luyện kỹ năng mềm. Những yếu tố hạn chế từ phía các trường được chỉ ra gồm: thiếu giảng viên chuyên sâu, chưa xem kỹ năng mềm là tiêu chí đánh giá người học, không chú trọng xem kỹ năng mềm là hoạt động dài hạn, không trang bị chuyên biệt cho sinh viên.
Không chỉ người dạy, chương trình đào tạo kỹ năng mềm hiện cũng còn nhiều bất cập. Theo PGS-TS Huỳnh Văn Sơn, chương trình kỹ năng mềm hay giáo dục kỹ năng mềm còn thả nổi ngay từ khâu biên soạn, thẩm định dẫn đến việc sinh viên chưa hài lòng về những gì được đào tạo bồi dưỡng khi bước vào thực tiễn. “Điều nổi bật là các kỹ năng mềm bị cắt ra một cách vô tội vạ, từ 10 tiết cho một kỹ năng chuyển thành một giờ, chuyển thành một buổi với 5 kỹ năng mềm khác nhau”, ông Sơn nhấn mạnh.
Cần chuẩn hóa đội ngũ
Theo thạc sĩ Nhung, một lớp học kỹ năng mềm chỉ nên có từ 25 - 30 sinh viên mới có sự tương tác tốt hơn. Thời lượng cũng cần thiết kế phù hợp vì nếu dạy trong 1 - 2 tiếng đồng hồ chỉ vui thôi chứ không giải quyết được gì.
“Nếu kỹ năng mềm trở thành môn học bắt buộc thì người dạy cần được đào tạo bài bản, chuẩn hóa về đội ngũ và chương trình”, bà Nhung kiến nghị.
Thạc sĩ Trần Chí Vĩnh Long, giảng viên Khoa Tâm lý học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết Bộ GD-ĐT Malaysia đưa ra 7 loại kỹ năng bắt buộc các trường ĐH phải giảng dạy cho sinh viên. Trong đó 3 kỹ năng sinh viên phải có gồm: giao tiếp, tư duy phản biện và giải quyết vấn đề và làm việc nhóm. Trong khi ở VN, chương trình kỹ năng mềm không bắt buộc với hầu hết các trường, sinh viên có thể né tránh tham gia. Việc tham gia kỹ năng mềm chỉ có giá trị cộng điểm rèn luyện.
Bình luận (0)