Ở bản PrinC (xã A Dơi, H.Hướng Hóa, Quảng Trị), Hồ Mơ như vị thủ lĩnh tinh thần của đồng bào Pa Kô. Có người bảo nói về cuộc đời của ông phải hết một cuốn sách mới đủ, trong đó sẽ có rất nhiều chương như bản sử thi hào hùng về tinh thần vươn lên không cam chịu đói nghèo, về tấm lòng nhân ái, bao dung…
Như rất nhiều người già khác ở miền tây Quảng Trị, già Mơ không nhớ được năm sinh của mình, chỉ biết lọt lòng và lớn lên trong thời chiến tranh. Khi cao đủ để trèo lên lưng con bò mẹ, ông đã tình nguyện nhập ngũ chiến đấu, bảo vệ quê hương. Vào năm 1969, bom đạn chiến tranh khiến ông mất đi chân phải. Sau thời gian điều trị ở miền Bắc, ông trở về quê hương A Dơi…
|
Xóa bỏ “phát, đốt, cốt, trỉa”
Những năm 80 của thế kỷ trước, trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước, đời sống kinh tế của đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa còn nhiều thiếu thốn. Anh thương binh Hồ Mơ chỉ còn một chân nhưng sau đó còn mất luôn vợ, lâm cảnh gà trống nuôi con từ khi đứa bé mới 7 tuổi. Nhưng không để nghịch cảnh dập vùi, Hồ Mơ đã dùng đôi tay khai hoang đất trống đồi trọc trồng ngô sắn, cải tạo những mảnh đất gần khe suối để làm ruộng lúa nước, đào đắp ao hồ để nuôi cá nước ngọt.
Nhưng có vẻ như người thương binh này không muốn hưởng thụ một mình. Đi đâu, gặp ai ông cũng động viên bà con hãy thay đổi nhận thức, xóa bỏ tập tục canh tác “phát, đốt, cốt, trỉa” đã tồn tại từ bao đời nay để áp dụng cách làm ăn mới trong trồng trọt và chăn nuôi. “Có rất nhiều hộ gia đình được tôi cho hạt lúa, củ khoai, thậm chí là con giống để khởi nghiệp. Dân bản với nhau cả, tiếc gì! Biết đâu sẽ có lúc tôi cũng cần đến họ”, già Mơ nói. Ấy vậy mà chưa khi nào Hồ Mơ nhờ vả ai, người ta chỉ thấy ông vui vẻ giúp hết người này đến người khác thoát cảnh đói nghèo, thậm chí làm giàu.
Vốn tính ôm đồm, già Mơ cứ thích vơ hết việc vào mình. Hằng ngày, thấy cảnh bà con đi nương rẫy vất vả, đặc biệt trẻ em đi học phải băng rừng lội suối, ông không do dự bán đi một ít trâu, bò để thuê nhân công cùng ông chặt cây, đào đắp đường. Suốt nhiều tháng ròng rã như thế, cuối cùng con đường nối bản PrinC với khe Xa Lau dài hơn 6 km cũng thành hình.
“Đường Hồ Mơ”, như cách dân bản PrinC vẫn quen gọi, là kết quả thấm đẫm bao mồ hôi, công sức và của cải gia đình ông. Từ ngày có con đường, bà con lên nương rẫy thuận cái chân hơn, tư thương cũng vào đến tận nương rẫy để thu mua sản phẩm. Giờ đây, con đường từ bản PrinC đến cánh rừng Xa Lau không còn hoang vắng như hơn 20 năm về trước. Hai bên đường, người dân cũng khai hoang và trồng bạt ngàn bời lời, cao su, sắn cao sản.
Không chỉ thương người, Hồ Mơ còn thương cả… những cánh rừng đang ngày càng cạn kiệt vì bị đốt để làm rẫy. Hồ Mơ dùng uy tín của mình để vận động dân bản xóa bỏ nạn chặt phá rừng, chuyển đổi canh tác, vừa làm đơn gửi đến các cấp, các ngành chức năng để xin được giữ gìn những khu rừng đang còn sót lại và trồng rừng mới. Ông vừa bảo vệ những mầm xanh vừa nhú lên từ những gốc cây cổ thụ do lâm tặc chặt phá, vừa tìm cây giống quý như sến, táu... về trồng xen kẽ. Gần 30 ha rừng đầu nguồn khe Xa Lau đã được hồi sinh dưới bàn tay chăm sóc của Hồ Mơ. Niềm tin của dân bản cũng ngày càng lớn lên theo năm tháng như cây rừng khe Xa Lau. Hồ Xi, một cư dân PrinC vừa bước qua tuổi tứ tuần, nói chắc nịch: “Cứ Hồ Mơ nói là chúng tôi nghe”.
|
“Gà trống” nuôi con người dưng
Ở nơi thâm sâu như bản PrinC, những đứa con trong gia đình đủ đầy cha mẹ còn chưa chắc có ăn ngày 3 bữa, huống trẻ mồ côi, không nơi nương tựa. Từng lâm cảnh “gà trống nuôi con”, Hồ Mơ hiểu hơn ai hết những thiệt thòi mà trẻ mồ côi phải gánh chịu. Ngoài thiếu cái ăn cái mặc, chúng còn thiếu cả tình yêu thương.
Trái tim nhạy cảm của một người cha đã thúc giục ông lựa chọn điều đúng đắn. Bà con ở bản PrinC rất cảm phục khi chứng kiến Hồ Mơ lần lượt đưa trẻ mồ côi về nhà nuôi, cả thảy 11 đứa. Dù kinh tế khá, nhưng vì đông miệng ăn nên Hồ Mơ phải làm nhiều hơn, mệt nhọc hơn để lo cho các con. Sức ì của tuổi tác không ngăn được ngọn lửa thương yêu đang chảy trong ông. Những đứa con nuôi cứ thế khôn lớn từ bóng mát chở che ấy.
“Nếu không có cha Mơ, tôi không biết lúc này mình còn sống hay không, chứ chưa dám nghĩ là vẫn khỏe mạnh và có gia đình như bây giờ”, Hồ Xin, một trong những đứa con nuôi, nói đầy biết ơn.
Hồ Mơ nhận cả những đứa trẻ ở Lào mang về nuôi. Dân bản PrinC vẫn nhớ chuyện, ngót chục năm trước, trong một lần đem hàng hóa sang trao đổi tại bản Tả Hun (Lào), ông phát hiện 2 đứa trẻ sơ sinh mình lở loét, khát sữa đang khóc không ra tiếng bị bỏ rơi trong cái thúng đầu suối. Tất tả đi tìm dân bản nhưng chẳng còn ai ở lại (vì trước đó bản Tả Hun xảy ra dịch bệnh, dân làng bỏ bản đi hết), ông vội vứt bỏ gùi hàng, mang 2 đứa trẻ vượt suối, băng rừng về nhà mình tìm cách cứu chữa. Vốn có kinh nghiệm trong thời kỳ đi bộ đội, ông vào rừng tìm lá thuốc... Bây giờ, 2 đứa trẻ đau ốm ngày xưa đã trưởng thành, được ăn học đàng hoàng và làm nhà riêng, thỉnh thoảng được bố nuôi dẫn sang phía biên giới bên kia để thăm lại quê hương bản quán.
“Người Lào hay người Việt cũng là người, lại uống chung một dòng nước, sao không thương nhau?”, Hồ Mơ nói. Dòng suy tư đầy tình nghĩa ấy đã khơi gợi trong ông nhiều việc nghĩa khác. Ông luôn sẵn lòng giúp đỡ người dân nước bạn Lào ở các bản phía bên kia đường biên. Những lúc người dân nước bạn bị thiên tai, mất mùa, ông đều tìm cách hỗ trợ khi thì con gà, con lợn hay những gùi lúa. Hồ Mơ chính là sợi dây kết nối để 2 bản kết nghĩa thâm giao, để chung tay xây dựng biên giới bình yên.
Bản làng PrinC giờ đây thanh bình và nụ cười đã rạng rỡ trên gương mặt người dân. Hằng đêm, bên bếp lửa hồng trong ngôi nhà sàn, những người già bản PrinC vẫn thường kể cho con cháu nghe về chuyện ông Hồ Mơ, người con ưu tú của đồng bào dân tộc Pa Kô.
Bình luận (0)