Người đi hành hương - Truyện ngắn của Đào Thị Thanh Tuyền

.

"Anh chị em hãy chúc bình an cho nhau" - vị tư tế chắp tay hướng về cộng đoàn trong nghi thức chúc bình an. Những người tham dự Thánh lễ cúi chào hai người hai bên với ý nghĩa trao cho nhau bình an, sự hiệp thông và tình bác ái.

Trâm quay sang Hương cúi chào rồi cô quay ra sau bởi bên trái cô là bức tường. Một dãy ghế trống, đến hàng cuối cùng có đôi vợ chồng, là Trâm đoán vậy bởi họ đứng sát cạnh nhau. Người vợ cúi chào Trâm cùng nụ cười. Trâm nhìn sang người chồng, cái gật đầu nhẹ vừa đủ cho Trâm "đứng hình" trong vài giây, cô nhận ra ngay Hoàng. Có lẽ, mà không, chắc chắn Hoàng không biết là Trâm bởi cô mang khẩu trang gần như trùm kín mặt.

Mười năm, hai mươi năm hay nhiều hơn nữa dù sống cùng thành phố nếu không muốn tìm nhau, người ta khó thể gặp lại mặc cho bây giờ phương tiện thông tin liên lạc nhoay nhoáy vài ngón tay bấm. Mà, có lý do gì để tìm nhau khi mỗi người một cuộc đời khác?

***

"Người đi hành hương buồn đời viển vông

Còn ai nhớ mong, còn ai nhớ mong" (*)

Đoàn hành hương vừa sít trên hai chiếc xe ca, loại 50 chỗ. Mọi người chỉ biết nhau theo nhóm nhỏ lâu nay thường đi chung. Nghỉ hai năm dịch Covid, ông Châu mới mở lại tour này do yêu cầu từ khách hàng thân thiết lâu nay. Sau thời gian tránh dịch, ai cũng muốn đi đâu đó mà hành hương là lý do rất chính đáng. Được sống qua những ngày thành phố căng thẳng vì Covid là ơn phước rồi.

Ban đầu, khi Hương điện thoại rủ rê, Trâm từ chối vì cô đang trong giai đoạn quyết định của liệu trình chữa nám da mặt. Mấy năm nay, Trâm đau khổ vì làn da ngày càng xấu. Cô đi nhiều bác sĩ, bệnh viện. Ai mách bác sĩ nào hay, cô cũng tìm đến nhưng rồi đâu vào đấy không khá hơn được. Hiện cô đang chữa trị ở phòng khám một bác sĩ tư nổi tiếng trong thành phố với hy vọng gặp thầy, hạp thuốc. Đã qua ba tháng điều trị, làn da cô cải thiện rất nhiều, kèm lời khuyên của bác sĩ phải kiêng nắng tối đa khiến cô gần như trói chân trong nhà, chỉ ra ngoài vào sáng sớm hay chiều tối. Vậy mà cuối cùng cô cũng xiêu lòng gật đầu khi Hương mang đến cho cô một loại khẩu trang chỉ chừa đúng đôi mắt.

Người đi hành hương - Truyện ngắn của Đào Thị Thanh Tuyền - Ảnh 1.

Minh họa: Tuấn Anh

Lúc xuống xe vào tiệm ăn sáng, Hương cẩn thận lấy áo khoác che mặt bạn, tránh ánh nắng chiếu vào. Hương nói: "Phục vụ hết sức rồi đấy nhé". Trâm nhìn ra ngoài trời, còn sớm mà nắng hè đã chói chang. Cô không sợ việc chữa da bất thành như những lần trước mà cô ớn nghe lời mắng mỏ của bác sĩ nhiều hơn.

Tuy nhiên, khi xe đến chân núi, nhìn qua khung kính, nắng tươi giòn nhảy múa trên những tàng cây xanh dày, bóng mát phủ tràn con đường dẫn xuống hồ, hai bên rực hoa xanh đỏ vàng tím khiến Trâm không còn e ngại nữa, kiểu như đã chơi rồi thì bất chấp hết. Cô còn rủ Hương đi bộ lên núi, điểm đến chính của chuyến hành hương vì có tượng Đức Mẹ mới khánh thành. Hương cản: "Cơm trưa xong có xe đưa mọi người lên núi. Nắng này nếu gắng lên ấy có mà toi!".

Cách làm tour của ông Châu gần như có một không hai. Dù tour ngắn hay dài ngày, ông đều tổ chức ăn uống theo kiểu gia đình. Có đội hậu cần đi theo với đầy đủ nguyên liệu và dụng cụ nấu ăn cho cả đoàn. Nếu đến nơi nào không có điều kiện nấu nướng, ông Châu sẽ đặt nhà hàng nơi ấy làm giúp với những đồ mang theo. Trâm đã đi tour của ông Châu vài lần nên cô biết, khách quen thích tour ít tiền nhưng chất lượng cao, do đó không cách gì khác hơn là gia đình ông phải "lấy công làm lời".

Ví dụ như tour năm ngày chẳng hạn, hai ngày đầu tiên gia đình đảm đương khâu ăn uống cho khách bằng cách mang theo thức ăn như kiểu picnic. Xe khởi hành từ chiều, thay vì ăn tối ở một nhà hàng nào đó thì tổ chức ăn trên xe, vừa tiết kiệm thời gian lại giảm chi phí. Bây giờ những dụng cụ mang theo như thùng đá, thùng giữ nóng, vật dụng ăn uống rất tiện nghi. Cơm chiều có thể là cơm chiên hay cơm trắng, cá chiên, rau xào, canh... Sáng hôm sau, có cà phê cho khách nam hay nước chanh dây cho khách nữ.

Họ chuẩn bị chi tiết và chuyên nghiệp đến mức, sang ngày thứ hai, vẫn còn cá thịt ướp sẵn mang theo và rau được tuyển chọn kỹ lưỡng. Đến nơi nào đó, dự trù ăn ở đâu, xe sẽ ngừng mười phút cho khách vệ sinh, giải lao. Nhà xe đưa nguyên liệu vào quán thuê nấu (thêm món) cho khách bữa trưa. Sau đó đưa khách đến các điểm tham quan, khi về lại quán là có đầy đủ các thức ăn được chế biến từ nguyên liệu "cây nhà lá vườn". Việc ăn uống kiểu này khiến khách quen đi với nhau thân thiết như người nhà.

Trong lúc đội hậu cần chiên xào nấu nướng ở nhà bếp thì mọi người tham dự Thánh lễ mà ông Châu đã đăng ký trước với cha xứ. Ngồi trong nhà thờ, nhìn lên cung Thánh, dòng suy tưởng của Trâm miên man nhớ lần đầu tiên cô đến nơi này. Khi ấy nhà thờ mới vừa xây xong, những hàng ghế trong giáo đường còn thơm nồng nàn mùi gỗ thông.

Nhớ lại cái ngày Trâm háo hức rủ Hoàng đến đây vì cô nghe bảo từ trên nhìn xuống hồ dưới chân núi rất đẹp. Tuy nhiên, cô chỉ nhận được cái lắc đầu: "Anh bận lắm, không đi được". Thật sự, lúc ấy Trâm không thấy buồn khi Hoàng từ chối đi cùng, cô quen đi một mình, tự do hơn.

Vợ chồng không hợp tính nhau, Trâm thích đi du lịch, còn Hoàng chỉ ưng ngồi nhà với cái máy vi tính, cây đàn hay cuốn sách. Trâm thích chụp hình, cô kỹ lưỡng, cẩn thận, chi tiết trong từng bức ảnh thì Hoàng qua loa đại khái, miễn có hình là được. Trâm chưa bao giờ hài lòng tấm hình nào Hoàng chụp cho mình, mà kêu chụp lại thì Hoàng tỏ vẻ rất khó khăn khiến Trâm đâm nản. Chưa kể, nếu đi cùng nhau, Hoàng ít khi hưởng ứng việc Trâm như say khi gặp những đốm nắng lung linh trên triền đồi phủ dày hoa, trảng cỏ mịn như nhung trải dài lượn sóng, đồng lúa vàng ánh chiều... Thường là Hoàng gạt phắt, bỏ qua hay giục giã mỗi khi Trâm ngỏ ý muốn dừng lại một cảnh đẹp nào đó. Rồi từ khi nào không biết, Trâm đi một mình, tự do thoải mái, thích thì dừng lại đắm chìm vào cảnh sắc mà không bị ai hối thúc với nét mặt khó chịu, gượng gạo, chán nản hay nôn nóng.

Trâm nhớ lại hôm đó, trong mùi gỗ thơm nồng ấm, Trâm đã cầu nguyện cho gia đình bình an, cha mẹ vui khỏe, cô và Hoàng tuy có những sở thích khác nhau nhưng yêu thương, sống với nhau mà cùng già đi cho dù không có con cái. Cuộc sống êm đềm như vậy đủ để thấy đời này tròn trịa, đầy ơn phước rồi.

***

Chiều lên chiều lên,

Người vẫn âm thầm gõ buồn gót chân (*)

Ba năm sau đó, Trâm đến nơi này lần thứ hai với một tâm trạng nặng trĩu. Tượng Đức Mẹ trên núi cao đang được xây dựng. Tiết trời cuối năm se lạnh, nắng phết những vệt dài lung linh lên dãy hoa mua bên hàng lan can nhìn xuống hồ, làm nên một chuỗi màu tím thẫm trông sang lộng lẫy nhưng buồn (hay bởi lòng Trâm không vui?).

Mùi gỗ thông bên trong nhà thờ đã phai, chỉ còn phảng phất thật thoảng. Tự nhiên Trâm thấy đầu óc trỗng rỗng không biết khấn nguyện gì. Cô suy ngẫm về cuộc hôn nhân mười năm, buồn và vui. Phân tích tại sao, lỗi từ mình hay Hoàng mà nó rơi tuột xuống vực sâu một cách nhanh chóng đến thảng thốt như vậy. Sóng gió gây đắm thuyền là điều dễ hiểu mà bình yên quá tại sao lại cũng mong manh dễ vỡ?

Hoàng ngày càng ít nói, có khi cả tuần hai vợ chồng không nói với nhau câu nào hay chỉ vài câu ngắn ngủn chuyện nhà mà ai cũng biết. Không có chuyện gì để nói hay hai tâm hồn như đường ray phải tách ra khi vào ga cuối? Một ngày, Hoàng bỗng thốt lên, nếu em cảm thấy anh không mang đến hạnh phúc cho em thì chúng ta chia tay. Trâm sững sờ ngơ ngác. Chia tay dễ đến vậy sao? Người ta cãi vã hàng ngày vẫn sống cùng nhau đến tàn cuộc. Cô nhìn Hoàng và nhận ra vẻ mệt mỏi không chỉ trên gương mặt mà còn dáng đi, cách ngồi, thậm chí lúc đứng cũng lộ rõ vẻ buông xuôi, chán nản, không sức sống!

Trâm nhớ lời nguyện cầu ba năm trước, cô chỉ mong một cuộc sống bình yên với Hoàng. Trâm không còn thích đi đây đó nữa, mỗi sáng hai vợ chồng bên tách cà phê và cuốn sách, hay cùng ngồi bên cửa sổ ngắm trăng khuya rồi ngủ quên. Cô phân tích kỹ và nhận lỗi mình đã không chú ý gì đến Hoàng, không quan tâm anh nghĩ gì, muốn gì và làm gì. Nhưng tại sao bắt cô phải làm thế trong khi Hoàng cũng chẳng hỏi han đến cô? Có phải đáp số của bài toán nằm ở đây khi Trâm không nhìn ra điều quan trọng đó, nhưng với Hoàng cuộc sống thật nặng nề, mệt mỏi.

Tất cả những phán đoán của Trâm đều trật lất. Ba tháng sau khi chia tay, Hoàng cưới vợ mới. Là Trâm nghe bạn bè kể lại chứ cô không gặp Hoàng lần nào nữa. Hóa ra, những ngày tháng Trâm an trú trong sự hài lòng của riêng mình thì Hoàng đã tìm thấy một bến đỗ mới, hứa hẹn sẽ vui hơn, thú vị hơn.

Trâm trách mình phần nhiều. Bài học cuộc hôn nhân mười năm cho riêng cô: sóng ngầm mới dễ lật thuyền còn gió to bão lớn nếu cùng nhau ra sức chèo chống sẽ vượt qua được.

Chiều hôm ấy trong nhà thờ cô đã khóc thật nhiều. Khóc cho những điều mà cô đã từng nghĩ nó rất đẹp đẽ, cho sự vô tư của mình, cho sự phản bội đã từng hiện hữu trong mái ấm của cô mà cô không chút mảy may quan tâm.

Chiều đã chiều hôm

Người vẫn âm thầm gõ buồn gót chân

Người đi hành hương buồn đời viển vông

Còn ai nhớ mong, còn ai nhớ mong (*)

Trâm lững thững đi bộ ra đường lớn. Chiều yên ắng đến mức cô nghe rõ tiếng giày của mình nhịp bước. Cô không nghĩ sẽ về được thành phố trong chiều muộn như vậy và cô cũng không bận tâm sẽ nghỉ lại nơi đâu nếu không về nhà. Cuối cùng, đứng bên đường, dù Trâm không vẫy tay nhưng một chiếc xe khách dừng lại. Cô bước lên vô thức.

Trâm mở cửa vào nhà và bật đèn, cô đi quanh nhà soi từng ngóc ngách. Cô không tìm được một ngách nào lưu dấu yêu đương. Và cô hiểu ra một điều, không phải Hoàng phản bội cô mà chính sự chủ quan của cô đã khước từ việc đồng hành đến lúc già đi. Độ rộng của vết nứt quá lớn, không cách gì hàn gắn được nữa.

"Người đi một mình và hát lời gió/ Người đi một mình chìm sâu lời ca/ Còn đây bão qua, còn đây giấc mơ... Người chẳng quay về, ngại ngùng chiếu chăn..." (*). Tiếng hát vẳng ra từ nhà bên cạnh, Trâm tắt đèn, ngồi phịch xuống sàn. Trong bóng tối, bằng đôi mắt ráo hoảnh và cõi lòng lạnh băng, Trâm thấy rõ con đường phía trước, một mình với hành trang rất nhẹ. Khi con người ta biết chấp nhận mọi biến động của cuộc đời một cách bình tĩnh, đó mới thật bình an.

***

Lễ xong, mọi người rôm rả vào gian nhà ăn. Mười chiếc bàn hình tròn bày sẵn thức ăn hấp dẫn. Hương kéo Trâm đến bàn một nhóm bạn cũ của Hương. Mọi người cầm đũa nói câu mời nhau chiếu lệ vì ai nấy đều đói. Bỗng nhiên Trâm nghe từ phía sau lưng giọng nói khá quen thuộc, một người đàn ông đang ân cần hỏi người đàn bà có ăn thêm rau, dưa giá hay cần nước uống thì anh đi lấy. Miếng cơm bỗng khô khốc trong miệng Trâm. Cô húp một muỗng canh cho dễ trôi. Ai rồi cũng khác, nhưng giờ Hoàng khác đến vậy sao. Cô vợ có bí quyết gì mà xoay chuyển thế cờ hay vậy, có phải đúng thật đó là tình yêu? Mười năm sống với nhau, Trâm chưa bao giờ nghe được một câu ân cần như vậy từ Hoàng. Bới cho cô chén cơm anh còn không muốn động tay dù nồi cơm ngay cạnh. Ngồi vào bàn ăn, chỉ có cô đứng lên ngồi xuống lấy thứ này gắp thứ kia vào chén anh, còn thì chẳng bao giờ có điều ngược lại. Cô lua vài miếng cơm rồi đứng lên một cách ý tứ, bước nhanh ra bên ngoài.

Trâm và Hương ngồi trú nắng dưới bóng cây chờ mọi người xong xuôi để lên núi. Cách Trâm khoảng mươi mét có một hàng rào gỗ dày hoa đủ màu rỡ tươi, sáng bừng trong nắng. Một trong những cảnh trang trí để khách hành hương chụp hình kỷ niệm. Trong lau nhau nhộn nhịp các bà, các cô thay phiên, đổi chỗ mong có những bức ảnh đẹp nhất, Trâm thấy Hoàng đang chụp hình cho vợ. Trâm nghe rõ tiếng người phụ nữ yêu cầu chụp chỗ này, vị trí kia, dặn dò phải để máy hình như thế nào, nằm ngang hay đứng, xuống thấp hay lên cao một chút... Người đàn ông cần mẫn một cách có trách nhiệm và vui vẻ trong vai trò phó nháy. Thỉnh thoảng còn bước tới vén lọn tóc rơi xuống mặt người đàn bà, hay nghiêng đầu ngắm kỹ rồi mới giương máy hình. Họ còn phải chụp đi, diễn lại nhiều lần vì người phụ nữ chưa ưng ý sau khi xem lại màn hình.

Hương bỗng nói với Trâm: "Ai như ông Hoàng?".

Trâm nắm tay Hương lôi đi, cô nói: "Mình lên xe ngồi cho mát, bác tài mở máy lạnh rồi".

Trâm kéo mặt nạ và áo khoác trùm kín hơn từ khi ấy cho đến lúc lên núi và về lại thành phố, dù cô không còn thấy Hoàng đâu nữa trong dòng người í ới rủ nhau chỗ này, góc kia. Nắng đến lóa mắt, chẳng ai nhận ra ai, vẻ mệt mỏi hiện rõ lên từng dáng đi, tiếng nói. Ai nấy vội vàng lên xe để tránh nóng và hy vọng chợp mắt được sau một ngày chộn rộn đi đứng nói cười.

"Người đi hành hương hằn sâu vết nhăn/ Một mai đã quên, buồn ơi đã quên" (*). Bên cạnh Trâm, Hương nhanh chóng chìm vào giấc ngủ, gương mặt cô thanh thản và bình an. Trên xe chỉ còn những tiếng thở đều của mọi người. Chỉ có Trâm, đôi mắt rất mỏi nhưng cái đầu lại tỉnh táo quá mức cần thiết dễ khiến nghĩ ngợi chuyện này, chuyện khác. 

(*) Lời bài hát Hành hương trên đồi cao của Trịnh Công Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.