Ông Lâm cũng như nhiều đồng đội khác (Chính ủy Hùng Thanh, họa sĩ Văn Đa...) đã dành tất cả thời gian và sức lực để tuyên truyền về đoàn Tây Tiến cho thế hệ sau biết. Những trái tim Tây Tiến mãi âm vang trong khúc quân hành lịch sử.
Người xưa vắng bóng
Chàng thanh niên Văn Đa vừa bước sang tuổi 19 đã bỏ lại “cả đô thành nghi ngút khói sau lưng” để trở thành người chiến sĩ Tây Tiến. Từ Hà Nội, ông hành quân bộ lên Hòa Bình. Trong ngày hành quân đầu tiên ấy, cái túi dết trên vai bị đứt quai, đôi xăng đan nặng trịch treo lên cổ, nhón bàn chân phồng rộp mà đi suốt chặng đường dài ấy với bao gian khổ vẫn không cản nổi chí trai lên đường.
Mê vẽ từ nhỏ, gia nhập đoàn quân Tây Tiến, Văn Đa vẫn không từ bỏ sở thích của mình. Gian khổ, thiếu thốn vật chất, không quen thủy thổ, ma thiêng nước độc, ngôn ngữ bất đồng..., nhưng mỗi khi rảnh rỗi, ông lại mang bút ra vẽ con người và cảnh vật trên đường hành quân. Sau đó, ông tham gia học một lớp vẽ cấp tốc (1949) trong thời gian 3 tháng tại Phù Lưu Chanh do 2 họa sĩ Bùi Xuân Phái và Tạ Tỵ trực tiếp giảng dạy.
Khi Trung đoàn 52 Tây Tiến ra tờ báo Miền Tây, cùng nhà thơ Quang Dũng, Văn Đa được cử làm tổ trưởng ấn loát, vừa trình bày báo, vừa minh họa, vừa viết bài. Nhà thơ Quang Dũng cũng mê vẽ nên ông hay rủ Văn Đa đi vẽ ký họa... Dù trải qua những đơn vị công tác khác nhau trong quân đội, họa sĩ Văn Đa luôn nhớ về những tháng ngày Tây Tiến. Năm 1986, khi thành lập Ban Liên lạc cựu chiến binh Trung đoàn 52 Tây Tiến, ông tham gia ngay. Ông chính là người thiết kế huy hiệu Trung đoàn 52 Tây Tiến.
Bác sĩ Lê Hùng Lâm kể lại lần tìm về Lạc Sơn. Xe ô tô qua chốn cũ, họa sĩ Văn Đa yêu cầu dừng xe lại... Gần một tiếng đồng hồ trôi qua mà không thấy ông đại tá trở lại. Mọi người trên xe sốt ruột ời ời giục giã. Bác sĩ Lê Hùng Lâm trưởng đoàn hôm đó lao xuống, ông chứng kiến tận mắt cảnh họa sĩ Văn Đa trong bản hỏi tìm lại người bạn gái thời trăng tròn lẻ năm xưa. Văn Đa hối hả chạy gặp người này, xăm xăm vào nhà người kia, đoạn lại tất tả rẽ qua ngõ khác. Ông hỏi về “cô ấy” thì bà con trong bản trả lời “cụ ấy” do chiến tranh bom đạn đã di chuyển nhiều nơi nên không còn tung tích. Thương quá, bác sĩ Lâm cũng mặc mọi người trên xe đang sốt ruột chờ, ông lao đi cùng họa sĩ Văn Đa mải miết hỏi tìm “cô ấy”. Hai ông bạn già cứ thế dắt nhau thất thểu ra xe, đôi mắt ầng ậc nước, cay sè.
|
Lửa lòng không tắt
Mới 17 tuổi, Lê Hùng Lâm đã rời Hà Nội để lên đường gia nhập đoàn quân Tây Tiến từ những ngày đầu. Cậu em út của trung đoàn sau này trở thành Trưởng ban liên lạc Trung đoàn Tây Tiến suốt 10 năm liên tục.
Trong một lần xem diễn kịch, Quang Dũng thấy một cô gái trắng trẻo, bầu bĩnh trên sân khấu. Nhà thơ có lẽ nghĩ rằng đó là một nữ chiến sĩ mới được bổ sung về mà ông chưa biết, hay một cô sơn nữ nào chăng, đồng đội thấy ông cứ “mắt le mày lét” quanh cánh gà. Tới lúc “sơn nữ” trắng trẻo, bầu bĩnh ấy lột bỏ trang phục thì té ra là Lê Hùng Lâm. Giai thoại này cứ được các chiến sĩ Tây Tiến tán với nhau mỗi lần hội ngộ.
Nửa thế kỷ qua đi mau chóng, từ những chàng thanh niên nay đã thành những cụ già tuổi thất thập xưa nay hiếm. Lạc Sơn - Hòa Bình là địa điểm cựu chiến binh Tây Tiến nung nấu ước ao được trở lại. Trở lại để trực tiếp thăm hỏi, trực tiếp có lời cảm ơn những người đã cưu mang mình trong những năm kháng chiến chống Pháp, trực tiếp được thắp lên mộ bạn - những đồng đội ngày tóc còn xanh - một nén hương. Ông Lâm nói rằng: “Sự trọn vẹn nghĩa tình làm thanh thản thêm cuộc sống còn lại”.
Bác sĩ Lê Hùng Lâm xúc động nhắc đến những người đã ngã xuống mà không còn chút mảy may vết tích nào. Tiểu đoàn của ông có 400 người, hòa bình lập lại chỉ còn khoảng 100 người. Những người lính Tây Tiến không biết hy sinh vào thời điểm nào, hy sinh ở đâu, ở ven sông Mã hay Sầm Nưa, Mộc Châu, Mường Hịch...? Một lần đi dọc sông Mã để tìm mộ bạn, giữa tiếng thác gầm xa xa, mùi hương thơm bay trong gió, bó hương trên tay gặp gió bùng lên ngọn lửa. Cụ Nguyễn Văn Khuông không tìm thấy mộ bạn, cụ nhặt một hòn đá, hú hồn hú vía gọi tên bạn nhập vào hòn đá này để mang về cho con bạn thờ.
Bình luận (0)