Cơ duyên trời định
7 giờ sáng, đón chúng tôi trước cổng nhà, ông Thành đã chu đáo gọi sẵn vài ly cà phê đãi khách. Ông Thành có khuôn mặt chữ điền toát lên vẻ thông minh, quyết đoán và đôi mắt như xoáy sâu vào người đối diện. Dẫn khách vào nhà, ông Thành chỉ kịp dúi ly cà phê vào tay từng người rồi khệ nệ bê ra mấy khay cổ vật. Những mẫu cổ vật có hình thù như chiếc rìu bóng nhẵn được đặt trang trọng trên chiếc khay gỗ phủ vải xanh.
Lật từng trang ký ức, ông Thành nhớ lại, năm 1977 ông tốt nghiệp với tấm bằng kỹ sư cơ khí của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM. Sau đó, ông tiếp tục học thêm 2 năm rồi ở lại trường giảng dạy. Tuy nhiên chỉ tham gia giảng dạy được khoảng 5 năm, vì việc gia đình nên ông Thành trở về Kon Tum sinh sống. Tại đây ông tham gia vào Hợp tác xã cơ khí Kon Tum.
Đến năm 1988, ông Thành cùng một người bạn tìm lên làng Lung Leng (xã Sa Bình, H.Sa Thầy, Kon Tum) làm mỏ khai thác vàng (lúc bấy giờ việc khai thác vàng chưa bị cấm). Cũng từ đây, ông Thành bắt đầu hành trình đi tìm dấu tích của người Việt tiền sử.
Mùa khô năm 1989, tại làng Lung Leng, cách vị trí hợp lưu giữa 2 dòng sông Pô Kô và Đăk Bla vài ki lô mét, người phụ việc đãi vàng chạy vào lán trại đưa cho ông Thành một cục đá có hình dáng kỳ lạ, được phát hiện khi đãi vàng. Hòn đá có hình trụ được bo tròn xung quanh, ở giữa được đục lỗ tinh xảo. Thấy hòn đá có khối hình học nhất định, nghi ngờ không phải do tự nhiên mà phải có bàn tay con người tác động nên ông Thành giữ lại để nghiên cứu.
|
Những ngày sau đó, ông Thành liên tục được người thợ phụ việc đưa cho nhiều hòn đá có hình dáng khác nhau. Ông Thành đều cho giữ lại và trả thêm tiền công cho những ai nhặt được loại đá lạ này.
Đổi quần áo lấy “búa trời”
Cũng trong thời gian làm việc tại đây, ông Thành thường xuyên đến các bản làng người Jrai trong vùng tìm thuê nhân công. Ông phát hiện người dân thường cất giữ trong nhà những hòn đá có hình dáng giống chiếc búa.
Tò mò, ông Thành hỏi thăm thì được người dân cho biết đó là “búa trời”. Người Jrai ở đây quan niệm, những chiếc búa này là của thần sấm đánh xuống đất mỗi khi có mưa giông. Thích thú, ông Thành liền tìm cách hỏi mua để đem về sưu tập. Tuy nhiên lúc bấy giờ, người bản địa chưa có ý thức về việc mua bán. Thay vào đó, họ trao đổi các đồ vật hoặc sản phẩm cho người khác để nhận lại những gì họ muốn hoặc cần. Để có được những chiếc búa kỳ lạ, ông Thành về xuôi mua nhu yếu phẩm, quần áo rồi quay lại trao đổi với bà con.
Đến cuối năm 1989, ông đã sưu tập được hơn 2.000 hòn đá lớn, nhỏ với hình thù khác nhau. Ông bắt đầu tìm tài liệu nghiên cứu về những món đồ bằng đá này. Tuy nhiên lúc bấy giờ việc tiếp cận các tài liệu nghiên cứu rất khó khăn. Ông Thành cũng chỉ có một cách giải thích mơ hồ rằng đó là công cụ lao động của người tiền sử.
Sau thời gian ở rừng và bị sốt rét, ông Thành dừng công việc đãi vàng để về nhà buôn bán, phụ giúp gia đình. Tuy nhiên, ông vẫn không ngừng việc tìm kiếm “búa trời” và những hòn đá kỳ lạ.
Cũng trong thời điểm này, khi biết chuyện người dân nhặt được các loại đá lạ, Bảo tàng tỉnh Kon Tum liền tổ chức thám sát làng Lung Leng và gửi mẫu đá ra Hà Nội để giám định niên đại. Ngay sau đó, PGS-TS Nguyễn Khắc Sử cùng các nhà khảo cổ của Viện Khảo cổ Việt Nam đã vào Kon Tum. Trong chuyến đi này, đoàn công tác tiến hành thám sát, khai quật các di chỉ khảo cổ học ở dọc sông Pô Kô trên địa bàn H.Sa Thầy trước khi lòng hồ thủy điện Yaly tích nước. Trong quá trình thám sát, tìm kiếm di vật khảo cổ, người dân quanh vùng mách với TS Sử về bộ sưu tập đá của ông Thành. Cả đoàn liền quay về TP.Kon Tum tìm ông kỹ sư mê đồ đá.
|
Gặp ông Thành, đoàn nghiên cứu mừng như bắt được vàng khi nhìn những đống đồ đá thời tiền sử. Được sự đồng ý của gia chủ, đoàn khảo sát đã ở lại làm việc, nghiên cứu suốt 7 ngày liền với hàng ngàn mẫu vật.
“Trong thời gian TS Sử làm việc ở đây, những câu hỏi mà tôi băn khoăn bấy lâu nay cũng đã tìm được lời giải. Bức tranh toàn cảnh về đời sống của người tiền sử cách đây cả vạn năm dần dần hiện ra. Nhờ có TS Sử tôi mới biết về giá trị lịch sử của những hòn đá tưởng chừng như vô tri, vô giác ấy. Ông Sử cũng giúp tôi phân loại cổ vật theo các giai đoạn sơ kỳ, trung kỳ, hậu kỳ đồ đá... Khi có một chút hiểu biết về cổ vật của người tiền sử thì càng thôi thúc tôi tìm kiếm, sưu tập thêm nhiều vật dụng khác”, ông Thành tâm sự.
Vùng đất cổ Kon Tum
Dẫn khách tham quan kho báu của đời mình, ông Thành đưa tay vuốt ve những mẫu cổ vật treo trên tường. Hàng vạn cổ vật lớn nhỏ với hình dáng, niên đại, thời kỳ khác nhau được ông Thành đánh ký tự, phân loại và bảo quản kỹ lưỡng.
Đến nay kho báu của ông Thành có hơn 15.000 mẫu vật. Tất cả những công cụ lao động của người tiền sử như rìu đá, bôn đá (cuốc), dao đá, cào đá, công cụ gieo hạt, hòn nghiền, bàn đá, bàn dập, các loại giáo mác... từ lớn đến bé, từ thô sơ đến tinh xảo, ông đều có. Rồi những đồ trang sức của phụ nữ như mặt đá đeo cổ, đeo tay, vòng đá, nhẫn đá, hạt vòng chuỗi, kim khâu áo da bằng đá... cũng có đủ.
Nhìn vào sự sắp xếp cổ vật theo niên đại của ông Thành, có thể thấy lịch sử tiến hóa lâu đời của xã hội loài người ở vùng đất cổ Kon Tum. Nó kéo dài từ 4.000 năm đến 1.500 năm về trước.
“Số cổ vật này có giá trị rất lớn về mặt khảo cổ, nó là nguồn sử liệu quý cho việc nghiên cứu, phục vụ bức tranh toàn cảnh về thời tiền sử Kon Tum, về một Tây nguyên miền thượng thời quá khứ. Sắp tới tôi sẽ xây dựng một bảo tàng để lưu giữ và phục vụ cho việc nghiên cứu khoa học. Nhưng rồi đây chẳng biết ai sẽ thay tôi trông giữ chúng...”, ông Thành bỏ ngỏ câu nói rồi hướng ánh mắt ra khoảng sân rơi đầy lá.
Theo PGS-TS Nguyễn Khắc Sử, Phó chủ tịch Hội đồng khoa học, Trưởng phòng Nghiên cứu thời đại đồ đá, Viện Khảo cổ Việt Nam, các cổ vật trong sưu tập của ông Văn Đình Thành có niên đại từ hậu kỳ Đá mới đến sơ kỳ Kim khí, từ 4.000 năm đến 2.000 năm về trước. Giá trị của sưu tập này là khối lượng tư liệu đồ sộ, loại hình hiện vật phong phú phản ánh các khía cạnh khác nhau trong hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội thời tiền sử và sơ sử ở Kon Tum. Những cư dân này đã từng cư trú, khai phá vùng đất dọc đôi bờ sông, nhất là chỗ hợp lưu của sông Đăk Bla và sông Pô Kô.
Lò luyện kim của Tây nguyênĐặc biệt trong bộ sưu tập của ông Thành còn có các khuôn đúc đồng đang được chế tạo dang dở, có một số khuôn đúc hai mang còn nguyên đủ một cặp, minh chứng cho kỹ thuật luyện kim, đúc đồng thời này tại Sa Thầy. Từ bộ sưu tập của ông Thành, các nhà khảo cổ đã tiếp tục tìm thấy 2 khuôn đúc rìu, 18 lò luyện sắt, 9 công cụ và 1 vòng tay bằng sắt và rất nhiều quặng sắt. Khuôn đúc và xỉ đồng ở lớp dưới, còn các lò luyện sắt ở đây thường gặp ở 2 lớp trên cùng cho thấy thời đại kim khí đã phát triển ở Kon Tum, và đây là một trung tâm luyện kim đúc đồng của Tây nguyên.
|
Bình luận (0)