Người đưa G.G.Marquez tới Việt Nam

20/04/2014 02:30 GMT+7

Khó nhà văn nước ngoài nào có số lượng sách dịch được in ở VN nhiều như Gabriel Garcia Marquez. Và cũng khó dịch giả VN đương đại nào mà tên tuổi gắn chặt với một nhà văn vĩ đại như Nguyễn Trung Đức gắn bó với Marquez.

 
Dịch giả Nguyễn Trung Đức - Ảnh : Nguyễn Đình Toán

Anh Trung Đức đã mất cách đây 14 năm, nhưng những bản dịch sách Marquez của anh vẫn được tái bản hằng năm, đều đặn. Có thể nói, chính Nguyễn Trung Đức đã đưa Marquez tới VN, trong thời điểm văn học Việt Nam khát khao sự thay đổi.

 

Những năm 1980, khi làn gió đổi mới còn thổi rất nhẹ, lĩnh vực văn chương vẫn đang trong vòng kim cô và thói quen tự kiểm duyệt, nhưng Trung Đức không đi theo lối mòn dịch văn thơ đại chúng vừa dễ hiểu, vừa an toàn, mà lao vào những thứ đại phức tạp như Trăm năm cô đơn hay Tình yêu thời thổ tả. Ai đã sống và làm việc lâu năm với ông, hiểu được bản tính, tài năng, tình yêu của ông không chỉ với văn học Mỹ La tinh, mà còn với văn học VN, một tình yêu cụ thể, “hành động” với ước muốn duy nhất nó phải là nền văn học đích thực, thì mới hiểu việc làm của ông.

Những tác phẩm dịch văn học Mỹ La tinh nói chung, đặc biệt là những tác phẩm của Marquez đã mang tới một “làn gió mới” cho văn học VN, hé mở cho độc giả vốn quen với những tác phẩm “đơn tuyến”, “đơn tính” kiểu “ta vừa thông minh vừa tốt, địch vừa ngu vừa xấu”, một chân trời văn chương mới, lạ lẫm, khó hiểu, song đầy sức hấp dẫn...

PGS Đào Tuấn Ảnh (Ban Văn học nước ngoài, Viện Văn học)

Tháng 11.1983, khi ra Hà Nội dự Đại hội nhà văn VN lần thứ 3, tôi được bạn bè đón về nhà dịch giả Nguyễn Trung Đức ở số 8 phố Tràng Tiền. Tôi lập tức trở thành bạn thân suốt đời với anh Trung Đức ngay từ ngày ấy. Và cũng gần như ngay lập tức, món quà tôi nhận được từ anh là bản thảo đánh máy tiểu thuyết Trăm năm cô đơn vừa được anh và hai cộng sự dịch ra tiếng Việt. Tôi ôm tập bản thảo suốt mấy ngày, đọc mê mải từ trang đầu tới trang cuối. Tôi thực sự biết G.G. Marquez từ đó.

Cũng như tôi, rất nhiều nhà văn, độc giả VN cho tới lúc ấy chỉ mới nghe danh Marquez, chứ chưa hề được đọc tác phẩm của ông, dù lúc ấy ông đã nổi tiếng khắp thế giới. Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo của Marquez, qua tác phẩm Trăm năm cô đơn mà Nguyễn Trung Đức dịch ra tiếng Việt, đã mở ra cho các nhà văn, nhà thơ VN một chân trời sáng tạo mới. Nhiều nhà văn VN, nhất là các nhà văn trẻ vào thời điểm ấy, đều công nhận họ đã được ảnh hưởng từ cách tư duy, cảm nhận thế giới cho tới lối viết của Marquez. Và đó là những ảnh hưởng rất tích cực cho quá trình tìm tòi, sáng tạo của họ. Nguyễn Trung Đức đã làm được một việc lớn lao hơn cả việc một dịch giả làm được. Anh không chỉ dịch mà còn giới thiệu, không chỉ giới thiệu mà còn hệ thống, làm bật sáng những nét cơ bản của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo mà Marquez chủ xướng.

Nhiều lần, trong lúc tâm sự với tôi, Nguyễn Trung Đức đã hy vọng những tác phẩm của Marquez, qua bản dịch tâm huyết của anh, sẽ kích hoạt những tìm tòi mới, những cách tân trong văn học VN. Anh cũng rất kỳ vọng vào những nhà văn trẻ thập niên 1980 ấy, những người mà anh nghĩ họ sẽ hân hoan đón nhận tác phẩm và cả chủ thuyết hiện thực huyền ảo của Marquez. Nguyễn Trung Đức đã không nhầm.

Đầu những năm 80 của thế kỷ 20, Marquez thăm VN, đã đàm đạo với những nhà văn hàng đầu Việt Nam lúc ấy như Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Minh Châu… Và dĩ nhiên, người tiếp xúc với Marquez nhiều nhất, trò chuyện với nhà văn Colombia vĩ đại lâu nhất là Nguyễn Trung Đức. Theo anh Trung Đức kể lại, Marquez rất vui khi biết tiểu thuyết quan trọng nhất của mình Trăm năm cô đơn đã được dịch và sẽ được in tại VN. Thậm chí, ông còn hồ hởi nói là sẽ tài trợ cho phần in ấn, nếu VN khó khăn.

Tôi còn nhớ một câu văn của Marquez được Nguyễn Trung Đức dịch đi dịch lại nhiều lần, cho kỳ tới lúc anh hoàn toàn ưng ý : “Hãy dạng háng ra, hỡi những con bò cái, vì đời ngắn ngủi lắm !”. Một câu văn thể hiện hết chất “bụi” của Marquez cũng như sự lăn lộn từng trải với ngôn ngữ đời sống Việt của dịch giả Nguyễn Trung Đức. Một câu văn bỗ bã như thế mà nếu đọc kỹ, lại ngân lên một nỗi buồn sâu thẳm. G.G. Marquez là vậy đó. Và Nguyễn Trung Đức cũng là vậy đó.

Trước khi tác phẩm văn học của Marquez được dịch, độc giả VN chưa biết đến ông, văn học Mĩ La tinh, hay văn học chủ nghĩa hiện thực huyền ảo, nét đặc sắc của nền văn học này. Chỉ đến khi các tác phẩm của nhà văn Marquez được dịch mà Nguyễn Trung Đức là một trong những người có công đầu, văn học Mỹ La tinh mới được giới thiệu rộng rãi tới độc giả VN, lúc đó thủ pháp chủ nghĩa hiện thực huyền ảo cũng mới được phổ biến. Nguyễn Trung Đức vừa là dịch giả, vừa là nhà nghiên cứu. Trong quá trình dịch, ông kết hợp giữa tri thức văn học và tri thức cuộc sống. Có thể nói ông là một trong những dịch giả hàng đầu của văn học Mỹ La tinh.

PGS.TS Phan Trọng Thưởng (nguyên Viện trưởng Viện Văn học, Phó Chủ tịch Hội đồng Phê bình lý luận văn học nghệ thuật T.Ư)

  

Thanh Thảo

>> Garcia Marquez ra đi, nỗi cô đơn ở lại
>> Cuộc đời diệu kỳ' của Gabriel Garcia Marquez qua ảnh
>> Gabriel Garcia Marquez qua đời, trăm năm không còn cô đơn
>> Đưa thơ văn của Marquez vào tàu điện ngầm
>> Marquez và Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi (*)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.