Tiếp nối hồi ký Tôi học đại học, nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký đã ra mắt tự truyện Tâm huyết trao đời (First News và Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM ấn hành). Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Trần Đại Quang gọi đây là cuốn sách truyền cảm hứng yêu đời, luôn phấn đấu vượt lên chinh mình cho các thế hệ học sinh hôm nay và mai sau đồng thời luôn khích lệ bạn đọc mỗi khi họ phải đối mặt với khó khăn, thử thách.
Báo Thanh Niên xin trich đăng cuốn tự truyện này.
|
Tôi thấy phải thay đổi lại từ đầu. Trước tiên là khâu giáo án.
Không thể có ngôi nhà đẹp nếu khâu thiết kế không hoàn hảo. Dĩ nhiên, không thể có tiết dạy tốt nếu khâu soạn giáo án không tối ưu.
Vậy vấn đề tôi cần khắc phục là gì? Tôi chưa đầu tư nhiều cho khâu soạn bài chăng? Không, trăm lần không. Thực tế, bất cứ bài dạy nào tôi cũng soạn rất công phu, bài bản. Tôi coi mỗi giáo án là mỗi công trình khám phá khoa học, mỗi tiết dạy là một thử thách, một đỉnh Everest cần vượt qua. Tôi không chỉ soạn những câu hỏi mà soạn cả những câu trả lời mà học sinh sẽ nói. Đặc biệt, những ý cần diễn giảng tôi luôn chỉn chu từng từ, từng ý, từng câu trong giáo án sao cho thật đủ, thật rõ, nhưng thật ngắn gọn, thật giàu hình ảnh, hình tượng và sắc thái biểu cảm.
Song khi thực thi những giáo án đó, tôi lại thấy có gì không ổn. Vô tình những trang giáo án quá chi tiết quá chỉn chu nặng lòng ấy đã khiến tôi không sao thoát ra khỏi được cái bóng của mình đã lập trình sẵn. Quy trình giảng, cả những lời diễn giảng gần như được lặp nguyên xi những gì đã viết trong giáo án.
tin liên quan
Nhiều thế hệ học trò rất ngưỡng mộ Nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký
Tối 19.11, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội Sinh viên VN Lê Quốc Phong đã đến thăm Nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký .
Hóa ra, tôi không còn là thầy giáo lên lớp đúng nghĩa nữa mà đã thành một diễn viên “diễn” lại đúng kịch bản mà đạo diễn đã dàn dựng, dù đạo diễn là chính mình. Cảm hứng sáng tạo, không gian sáng tạo với người thầy trong lúc đứng trên bục giảng gần như bị triệt tiêu. Một hệ lụy nữa khiến tôi gặp rắc rối nhiều là phải dùng chân giơ lên bàn mở giáo án khá nhiều lần trong quá trình giảng. Mỗi lần gặp cơn gió mạnh từ cửa lớp ào vào khiến các trang giáo án bị lật mở “vô tổ chức” thì tôi lại phải “nín gan” dùng chân mở tìm lại “mệt muốn chết”. Tiết dạy bỗng chốc bị ngắt quãng. Cảm hứng sư phạm mất hết không khí tự nhiên, cuốn hút.
|
Chính vì vậy, tôi quyết định sẽ đầu tư lại quy trình soạn giáo án. Thế là tôi quyết định sẽ soạn tới ba giáo án mỗi bài dạy. Giáo án thứ nhất là bản phác thảo những ý tưởng, cảm xúc nảy sinh trong quá trình đọc hiểu bước đầu về tác phẩm. Giáo án thứ hai là toàn bộ quy trình và những công việc cụ thể chi tiết sẽ thực thi trong tiết lên lớp. Giáo án này tôi soạn khá dài. Thường mỗi bài tới mươi trang giấy khổ lớn. Giáo án thứ ba với tên gọi nôm na là “Dàn ý cơ bản cần thực thi trong tiết dạy”. Ở đó chỉ là những ý chính cần khắc sâu và những câu hỏi tình huống chủ chốt cần phát vấn. Loại này, tiết nào dài nhất cũng chỉ gói gọn trong một trang giấy khổ lớn. Với giáo án gọn gàng này sẽ giúp tôi không phải bận tâm việc dùng chân lật mở nhiều lần giáo án trong tiết dạy nữa.
Kể ra, cách soạn theo mô hình “một - ba” này khá công phu và tiêu tốn nhiều thời gian, tâm lực, chắc chẳng có giáo viên nào làm như tôi. Song bù lại, nó giúp tôi nhiều cơ hội đi sâu tìm hiểu khám phá một cách tận cùng mọi cung bậc ngõ ngách của tác phẩm; tìm ra con đường lạ nhất, mới mẻ, sáng tạo nhất mà đơn giản, thu hút hứng thú tò mò thích khám phá của học sinh trong mỗi tiết dạy.
Ở bài thơ “Lượm ơi” của Tố Hữu, trong quá trình đọc - hiểu khi tiếp cận khổ thơ: “Cháu đi liên lạc/ Vui lắm chú à/ Ở đồn Mang Cá/ Thích hơn ở nhà/ Cháu cười híp mí/ Má đỏ bồ quân/ Thôi chào đồng chí!/ Cháu đi xa dần”, tôi nảy ra một câu hỏi thật gần gũi giản đơn mà rất giàu tính tình huống: “Thầy đố em nào biết, đây là lời chào tạm biệt của ai? Tác giả chào Lượm hay Lượm chào tác giả?”.
Câu hỏi đầy bất ngờ này khiến cả lớp xôn xao. Một nửa lớp cho là lời chào của Lượm. Còn nửa kia lại khẳng định là của tác giả. Quá trình biện minh của hai bên tạo ra không khí tranh luận sôi nổi hào hứng. Tiết dạy vì thế càng trở nên sống động, cuốn hút. Song cái quý hơn là từ đây, ý đồ giúp học sinh cảm hiểu tiến trình sự phát triển của hình tượng cảm xúc trữ tình bài thơ thêm cơ hội bừng sáng, chiếm lĩnh một cách tự nhiên.
tin liên quan
Thầy giáo 'hot boy' hát bolero dạy tiếng Anh bằng bài Duyên Phận gây sốt học tròThầy giáo Đặng Bá Đạo vừa cho “ra lò” bài “12 thì tiếng Anh” dựa trên nền bài hát Duyên Phận khiến cộng đồng mạng thích thú. Dù clip bài hát “chế” chỉ 5 phút nhưng đã hệ thống kiến thức cơ bản của 12 thì trong tiếng Anh.
Từ chỗ mê thích sự hồn nhiên, nhí nhảnh của Lượm: “Như con chim chích/ Nhảy trên đường vàng” càng tiếp xúc chuyện trò với Lượm, đặt biệt khi nghe em khoe: “Cháu đi liên lạc/ Vui lắm chú à/ Ở đồn Mang Cá/ Thích hơn ở nhà” thì cảm xúc của tác giả bỗng òa lên niềm cảm phục sâu sắc khiến ông không thể không thốt lên lời tạm biệt: “Thôi chào đồng chí”. Trong suy nghĩ của ông, giờ đây Lượm từ một chú bé loắt choắt, dễ thương đã vụt trở thành một chiến sĩ, một chiến hữu, một người đồng chí thân thiết của ông.
Khi soạn giáo án bài “Chạy Tây” (Ngữ văn 8), ở câu mở đầu: “Tan chợ vừa nghe tiếng súng Tây”, sách Giáo viên gợi ý cách hiểu đơn giản: Vừa lúc tan chợ thì tiếng súng của lũ giặc Tây vang lên. Đọc kỹ cả bài thơ tôi thấy cách hiểu này chưa ổn. Ở Sài Gòn, việc họp chợ là suốt ngày chứ đâu giống như ở xứ Bắc.
Hơn nữa, nếu coi thời điểm tiếng súng Tây vang lên vào lúc chợ tan, mọi người ai về nhà nấy thì sao lại có cảnh: “Bỏ nhà lũ trẻ lơ xơ chạy”. Từ sự vô lý này, tôi nảy sinh một cách tiếp cận mới. Phải chăng ở đây, ngay từ câu thơ mở đầu, nhà thơ Đồ Chiểu đã dựng lên cảnh chạy Tây thật náo loạn, tan hoang: Khi lần đầu tiên vừa nghe tiếng súng của giặc Tây vang lên, cảnh tan chợ, vỡ chợ đã diễn ra. Cuộc sống vốn bình yên tấp nập cảnh bán mua chợ búa sầm uất đất Sài thành bỗng chốc bàng hoàng nỗi kinh hoàng đảo lộn trong cảnh vỡ chợ giống như: “Một bàn cờ thế phút sa tay”.
tin liên quan
Cô gái từng là hoa khôi xóm bị chồng tưới xăng đốt kể về khát khao sốngHơn một năm về trước, cô gái Vũ Thùy Dung (23 tuổi, Thạch Thất, Hà Nội) bị chồng tưới xăng đốt đã rúng động dư luận xã hội. Thế nhưng, hôm nay cô gái với thương tổn bỏng trên 80% này lại khiến mọi người nễ phục bởi nghị lực và khát vọng sống của mình.
Những khám phá sáng tạo nho nhỏ đó trong quá trình đào sâu tìm hiểu kỹ từng tác phẩm khi soạn giáo án đã giúp tôi dễ dàng có cơ sở bung nở cảm xúc và nuôi cảm hứng trước mỗi giờ lên lớp. Chính điều đó đã gieo trong tôi tâm trạng háo hức chờ đợi tiết lên lớp từng giờ từng phút như một khát khao sớm được thể nghiệm, được chinh phục những điều mình vừa khám phá.
Song mọi sự chuẩn bị dù chu đáo mấy vẫn chỉ là màu xám của lý thuyết. Để có màu xanh của sắc lá, hương vị của mùa hoa thơm trái ngọt, cái quyết định vẫn là ở mỗi cây đời, ở thực tế mỗi tiết dạy.
Nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký sinh ngày 28.6.1947, tại Hải Thanh, Hải Hậu, Nam Định. Năm lên 4 tuổi, một cơn bạo bệnh đã khiến ông bị liệt cả hai tay. Từ năm 7 tuổi, ông tập viết bằng chân. Với nghị lực kiên cường, ông đã vượt lên nghịch cảnh và trở thành Nhà giáo Ưu tú từ năm 1992.
Chia sẻ trong buổi ra mắt tự truyện Tâm huyết trao đời, Nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký cho biết ông “bắt chân” viết cuốn sách này từ năm 1970, tính đến nay đã là 47 năm.
Trong đó, ông chính thức viết hồi ký này sau khi nghỉ hưu vào năm 2005. Đặc biệt, sau khi hoàn thành cuốn tự truyện Tôi học đại học vào năm 2013, ông tập trung quyết liệt để hoàn thành cuốn sách trên.
Bị bệnh thận mãn giai đoạn cuối, mỗi tuần phải chạy thận nhân tạo 3 lần, nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký bộc bạch: “Có rất nhiều lần tôi tưởng chừng không thể nào hoàn thành được cuốn sách. Nhiều lúc đang viết mà nước mũi chảy ròng ròng, thậm chí có lần máu ở vết thương chạy thận thấm ướt áo quần. Đôi khi cả ngày, tôi chỉ viết được vài câu thôi. Có những hôm mệt quá, tôi phải nằm vật xuống một lúc rồi cố ngồi dậy viết, máy vi tính luôn để sẵn trên giường...”.
Ông cho biết cuộc đời ông gắn với 7 công việc, sự nghiệp, đó là: học hành, giáo dục, sáng tác, xây dựng hạnh phúc gia đình, truyền lửa cho thế hệ trẻ, chiến đấu với bệnh tật và tư vấn tâm lý.
Tính đến nay, ông là tác giả của 35 đầu sách, trong đó có 30 cuốn dành cho thiếu nhi. Hai hồi ký trước của ông là Những năm tháng không quên (sau đổi thành Tôi đi học) và Tôi học đại học.
Ông được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác lập hai kỷ lục: Người thầy Việt Nam đầu tiên dùng chân để viết và Nhà văn Việt Nam đầu tiên viết bằng chân.
Như Lịch
|
Tâm huyết trao đời, cuốn sách truyền cảm hứng Mấy chục năm qua tấm gương Nguyễn Ngọc Ký đã được các thế hệ thanh niên học sinh ở nước ta trân trọng, cảm phục như một trong những điển hình sáng ngời về nghị lực vượt lên số phận tật nguyền để sống có ích và giúp ích cho mọi người, cho đất nước.
Nguyễn Ngọc Ký sinh ra và lớn lên ở Hải Hậu Nam Định, vùng đất giàu truyền thống văn hiến và hiếu học. Lên 4 tuổi không may bị bệnh, liệt cả hai tay. Nguyễn Ngọc Ký không còn điều kiện để được ăn học, vui chơi, phát triển như bao đứa trẻ khác. Nhưng không đầu hàng số phận, Nguyễn Ngọc Ký đã kiên trì khổ luyện, tập viết bằng chân, tập làm việc sinh hoạt bằng chân thay đôi tay đã bị tàn phế, được đến trường đi học phấn đấu trở thành học sinh giỏi, hai lần được Bác Hồ tặng huy hiệu cao quý của Người. Rồi anh thi đỗ vào Đại học mở cánh cửa vào đời bằng… đôi chân kỳ diệu.
Gần 50 câu chuyện trong cuốn tự truyện Tâm huyết trao đời, bao quát khoảng thời gian từ lúc chàng sinh viên Nguyễn Ngọc Ký tốt nghiệp trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, theo lời khuyên của Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng về quê dạy học trở thành giáo viên giỏi của toàn ngành đến khi là cán bộ xuất sắc của Phòng Giáo dục quận Gò Vấp, nghỉ hưu năm 2005… càng giúp bạn đọc thêm ngưỡng mộ một con người tuy bị tàn tật về thân thể nhưng mạnh mẽ về trí tuệ, tinh thần; có lòng tha thiết yêu đời, yêu nghề; kiên cường vượt lên nghiệt ngã của số phận và đã làm nên những điều tuyệt vời mà không phải ai cũng có thể làm được.
Với tâm huyết cháy bỏng của mình thông qua mỗi câu chuyện kể, Nhà giáo Ưu tú, Nhà văn Nguyễn Ngọc Ký cũng "trao đời” những bài học kinh nghiệm sâu sắc, đúc rút từ chính cuộc đời mình - người thầy dạy học viết văn bằng chân đầu tiên ở Việt Nam với tư duy đổi mới về dạy và học; về đào tạo phát triển toàn diện con người. Đó không chỉ là những chắt lọc mang tính chuyên môn mà còn là tâm hồn, tình cảm, nhân cách cao đẹp của một nhà giáo chân chính có sức lan tỏa tích cực trong xã hội.
Chính bởi những ưu điểm trên, cuốn “Tâm huyết trao đời” của Nhà giáo Ưu tú, Nhà văn Nguyễn Ngọc Ký như người bạn hiền, luôn khích lệ bạn đọc mỗi khi họ phải đối mặt với khó khăn, thử thách. Cuốn sách cũng truyền cảm hứng yêu đời, luôn phấn đấu vượt lên chính mình cho các thế hệ học sinh hôm nay và mai sau.
Đại tướng, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đại Quang
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước CHXHCN VN
|
Bình luận (0)