Những vấn đề của mạng 5G hiện nay
Từ ngày 15.10, một nhà mạng tại Việt Nam bắt đầu triển khai thương mại 5G ở quy mô cả nước sau thời gian dài chạy thử nghiệm giới hạn tại một số địa phương. Sau hơn một tuần sử dụng chính thức, người dùng phản ánh vẫn còn tồn tại những yếu tố gây ảnh hưởng tới trải nghiệm mạng 5G, ngay cả ở những địa phương lớn.
Trong đó, nhiều nhất là liên quan tới vấn đề độ ổn định của kết nối. Dù tốc độ đo bằng ứng dụng trên thiết bị di động cho thấy tốc độ nhanh gấp nhiều lần so với 4G trước đây, người dùng mạng 5G nhận thấy tốc độ này không đồng đều ở các vị trí trong thành phố. Bên cạnh đó, khả năng kết nối cũng chưa như mong đợi khi có những lúc "rớt" xuống 4G, hoặc chậm hơn cả công nghệ cũ này.
Có những địa điểm khi đo thử nghiệm có độ trễ khá cao, cũng là một trong những nguyên nhân khiến người dùng cảm thấy trải nghiệm mạng 5G chưa bằng 4G.
Trong thử nghiệm thực tế của Thanh Niên vào sáng 22.10 tại một địa điểm ngoài trời ở quận Đống Đa (Hà Nội), ở lần đo lúc 10 giờ sáng, mạng 5G Viettel đạt tốc độ trung bình 700 Mbps sau 3 lần đo bằng ứng dụng Speedtest - phần mềm miễn phí đo tốc độ internet khá phổ biến hiện nay. Nhưng chỉ 2 giờ sau đó, tốc độ mạng đã tụt mạnh, xuống thấp hơn mạng 4G được đo từ smartphone khác ở cùng vị trí địa lý.
Tại một thử nghiệm khác được thực hiện trong ngày đầu thương mại hóa 5G tại Việt Nam ở khu vực các quận thuộc TP.HCM, kết nối mạng 5G cũng cho thấy sự thiếu ổn định.
Một vấn đề khác là hiện tượng tụt pin nhanh trên thiết bị khi sử dụng mạng 5G so với 4G trước đây. Theo đó, một chiếc smartphone đang có thời lượng pin sử dụng thoải mái trong một ngày ở mạng 4G thì khi chuyển sang mạng 5G, tới cuối giờ chiều, dung lượng pin đã có thể xuống dưới 30% và sẽ không đủ dùng cho buổi tối cùng ngày. Các tác vụ sử dụng trên điện thoại vẫn như cũ: nghe gọi 2 - 3 cuộc mỗi ngày, tác vụ nhiều nhất là đọc báo (bằng trình duyệt mặc định trên máy), vào mạng xã hội, nhắn tin qua Messenger, Telegram, không xem video, nghe nhạc hay truy cập YouTube...
Vì sao trải nghiệm mạng 5G chưa đồng nhất?
Mạng 5G được kỳ vọng mang đến một sự thay đổi rõ rệt trong trải nghiệm của người dùng khi truy cập internet tốc độ cao từ thiết bị di động. Nhưng trong giai đoạn đầu triển khai, vẫn còn nhiều yếu tố gây ảnh hưởng đến kết quả sử dụng thực tế.
Đầu tiên là số lượng trạm phát sóng. Công nghệ 5G có phạm vi phát sóng từ trạm BTS ngắn hơn so với 4G, do vậy để kết nối mạng ổn định và mạnh, nhà mạng cần lắp đặt các trạm BTS gần nhau và nhiều hơn so với công nghệ cũ. Trong giai đoạn đầu triển khai thương mại, số lượng trạm phát sóng 5G vẫn còn rất ít. Ví dụ, Viettel có hơn 42.000 trạm phát sóng 4G (số liệu công bố năm 2021), nhưng tại thời điểm triển khai 5G, nhà mạng này có 6.500 trạm 5G.
Số lượng trạm ít và chưa được đặt gần nhau khiến việc kết nối từ thiết bị di động tới mạng 5G vẫn còn những hạn chế. Dù vậy, đây là vấn đề chắc chắn sẽ được khắc phục trong thời gian ngắn sắp tới khi các nhà mạng, không chỉ riêng Viettel, tích cực lắp đặt, mở rộng mạng lưới, số trạm BTS cũng như vùng phủ sóng.
Đông đảo người dùng muốn trải nghiệm sớm trong khi hạ tầng 5G vẫn còn "non trẻ" cũng là lý do khiến chất lượng kết nối như đồng nhất và thấp hơn kỳ vọng của người dùng. Tại cùng một vị trí, dù gần trạm phát sóng 5G nhưng số lượng thiết bị kết nối quá lớn so với khả năng cung cấp của trạm có thể gây quá tải kết nối, kém ổn định.
Vị trí lắp đặt trạm BTS còn thưa thớt không chỉ làm chất lượng sóng kém, mà còn là nguyên nhân chính gây tình trạng tốn pin của điện thoại. Thiết bị sẽ sử dụng nhiều năng lượng từ pin hơn để phần cứng tìm kiếm kết nối phù hợp. Do vậy, nếu người dùng càng ở xa trạm phát sóng, kết nối yếu thì pin càng tốn nhiều hơn. Việc tiêu thụ nhiều pin trong thời gian ngắn cũng khiến máy ấm lên hơn so với bình thường.
Người dùng tạm chọn phương án 4G
Sau thời gian ngắn trải nghiệm, nhiều người dùng cho biết đang tính đến phương án trở lại kết nối 4G để đổi lấy sự ổn định trong lúc chờ các nhà mạng có thể hoàn thiện hơn chất lượng dịch vụ mới. Anh C.T (Hà Nội) cho biết hiện chiếc điện thoại đang sử dụng hết pin nhanh hơn sau khi đăng ký gói cước 5G, trong khi trải nghiệm thực tế những ưu điểm của công nghệ mạng mới chưa mang lại hiệu quả rõ rệt.
"Điện thoại giờ một ngày sạc 2 lần để dùng đủ cho buổi tối, mạng 5G vẫn có chỗ chưa ổn định, thi thoảng rớt qua 4G hoặc bị 'đơ' tạm thời. Với người dùng cá nhân, tôi nghĩ có 5G thì tốt mà không có cũng chưa ảnh hưởng, vì hiện tại 4G vẫn đang đáp ứng tốt nhu cầu kết nối, giải trí qua điện thoại", anh C.T nói và chia sẻ dự định dừng gói cước 5G hiện tại khi hết hạn vào tháng tới và chuyển qua sử dụng 4G.
Hiện giá thuê bao 5G thấp nhất là 135.000 đồng mỗi tháng, người dùng sẽ có 4 GB dữ liệu internet mỗi ngày. So với giá gói 4G phổ thông 70.000 - 90.000 đồng/tháng từ nhà mạng lớn nhưng chỉ có 1 GB, lựa chọn 5G có phần hấp dẫn nếu người dùng có nhu cầu sử dụng internet di động nhiều. Tuy nhiên, các nhà mạng ảo cũng đang cung cấp gói thuê bao 4G từ 69.000 đồng/tháng, có 4 GB dữ liệu/ngày.
Ngoài việc chuyển đổi gói cước đang sử dụng, người dùng cũng có thể tắt tính năng tự động kết nối 5G trên điện thoại thông minh nếu không có nhu cầu sử dụng. Cách làm này giúp máy duy trì kết nối 4G ổn định hơn, đồng thời giúp máy tiêu tốn ít dung lượng pin không cần thiết.
Bình luận (0)