Người dùng gặp khó khi áp dụng sinh trắc học, Ngân hàng Nhà nước nói gì?

06/07/2024 17:17 GMT+7

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6 chiều 6.7, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng đã thông tin liên quan việc nhiều khách hàng phản ánh bị khó khăn khi cập nhật sinh trắc học tài khoản ngân hàng.

Theo Phó thống đốc Phạm Tiến Dũng, mục tiêu của việc áp dụng sinh trắc học nhằm "làm sạch tài khoản". Lý do, trước đây người dân sử dụng chứng minh nhân dân và một số giấy tờ khác mở tài khoản ngân hàng nhưng bị kẻ gian lợi dụng, làm giả.

Người dùng gặp khó khi áp dụng sinh trắc học, Ngân hàng Nhà nước nói gì?- Ảnh 1.

Ông Phạm Tiến Dũng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước

NHNN

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phối hợp với Bộ Công an trong Đề án 06 làm sạch tài khoản, trước mắt áp dụng với các giao dịch trên 10 triệu đồng. "Không còn làm giả tài khoản hay ai đó nói giấy tờ cầm đồ bị mang đi mở tài khoản ngân hàng", ông Dũng nói.

Cũng theo Phó thống đốc NHNH, hiện chỉ giao dịch trên 10 triệu đồng mới yêu cầu kiểm tra sinh trắc học. Việc kiểm tra rất đơn giản, đối chiếu khuôn mặt của chủ tài khoản với cơ sở dữ liệu của Bộ Công an. 

Với các giao dịch dưới 10 triệu đồng, hoặc các giao dịch thiết yếu như mua vé máy bay kể cả dưới 100 triệu đồng cũng không bị điều tiết. 

Theo thống kê, trong tháng 6, lượng giao dịch trên 10 triệu đồng là 8% số lượng giao dịch, tương ứng khoảng 2 triệu giao dịch/ngày. 

Hiện nay, có trên 80% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng (khoảng 65 triệu người), số lượng tài khoản trên 180 triệu, bình quân mỗi người Việt Nam có 3 tài khoản ngân hàng. Ông Dũng cho biết, tính đến 5.7, các ngân hàng đối chiếu làm sạch với dữ liệu căn cước của Bộ Công an được 19 triệu tài khoản - đây là con số rất lớn. 

Về việc báo chí đưa thông tin có trục trặc trong những ngày đầu áp dụng sinh trắc học, theo Phó thống đốc NHNN, là do số lượng truy cập quá lớn vào hệ thống, nhưng vài ngày gần đây hệ thống đã hoạt động bình thường. 

Ngoài ra, trong 19 triệu tài khoản đã triển khai, có khoảng 10% được hỗ trợ trực tiếp tại quầy. Đây là những người không có căn cước công dân gắn chip, chỉ có chứng minh thư cũ nên phải ra quầy, hoặc khách hàng không có điện thoại thích hợp.  

"Số liệu thống kê hết hôm qua 5.7, giao dịch đạt điểm đỉnh của hệ thống thanh toán liên ngân hàng là 26,3 triệu giao dịch, lớn nhất 10 ngày gần đây, cho thấy hệ thống vận hành ổn định. Trong đó, số giao dịch trên 10 triệu đồng là 8,3%. Như vậy, NHNN đã cân nhắc lựa chọn không bắt tất cả mọi người đi làm sinh trắc học", ông Phạm Tiến Dũng nêu.

Về giải pháp, Phó thống đốc NHNN cho biết đã có văn bản hướng dẫn cho các ngân hàng. Ngoài ra, Vietcombank cho biết không cần điện thoại nữa mà thông tin từ VNeiD chuyển thẳng vào tài khoản ngân hàng, đây là giải pháp rất căn cơ.

Có lộ lọt thông tin?

Về bảo mật thông tin, Phó thống đốc NHNN khẳng định các luật liên quan đã quy định chặt chẽ về điều này. Với việc áp dụng sinh trắc học, chỉ giao dịch trên 10 triệu thêm bước check sinh trắc học, còn lại các giao dịch dưới 10 triệu đồng vẫn các bước như cũ, username, password.

Điều này đảm bảo các tài khoản không chính chủ không dùng được nữa. Mới đây, NHNN đã có văn bản gửi Bộ GD-ĐT và UBND các tỉnh khuyến cáo nhiều đối tượng thuê các học sinh mở tài khoản. Nhưng hiện nay, nếu không phải tài khoản chính chủ thì không dùng được nữa, thêm một lớp bảo mật, đảm bảo yên tâm. 

Trả lời câu hỏi giải pháp sinh trắc học có an toàn tuyệt đối không, lãnh đạo NHNN cho rằng tất cả các giải pháp không có gì an toàn tuyệt đối. Thời gian qua, NHNN liên tục khuyến cáo các thủ đoạn lừa đảo mới. 

"NHNN lo hơn tất cả mọi người về vấn đề bảo mật. Vì bên cạnh giao dịch còn sổ tiết kiệm, số dư tài khoản… Nên an ninh, an toàn là cốt lõi của hệ thống ngân hàng", ông Dũng nói.

Cam kết sẽ xử lý các vướng mắc liên quan, Phó thống đốc NHNN cho biết đã có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng ghi nhận các khó khăn, vướng mắc của người dùng và có biện pháp xử lý. Đặc biệt, sẽ liên tục nâng cấp ứng dụng mobile banking để ứng phó với các thủ đoạn lừa đảo mới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.