‘Người dưng’ - lời trần tình của người mẹ đơn thân

19/06/2021 17:04 GMT+7

Tập thơ Người dưng của Thy Nguyên là tiếng lòng thành thật của một trái tim phụ nữ khi đã đi qua những thăng trầm, chà xát của cuộc đời.

Bao tâm sự, nỗi niềm uất nghẹn không biết chia sẻ cùng ai để hiểu thấu nên Thy Nguyên đã trải lòng vào những vần thơ. Ai làm gió lẻ lời thưa/ Rạ rơm cuốn tóc nẻo thừa dối gian/ Trăm năm sau nữa muộn màng/ Váy cườm cườm trắng bợt vàng chân đê/ Em theo người bỏ bùa mê/ Bỏ cây sam đắng bỏ thề chớm vai/ Quê đằm mưa lũ đồng phai/ Ngõ xưa tạc nổi một vài cơn đau. Đọc tập thơ Người dưng, người đọc nhận ra hình ảnh người đàn bà trong thơ với ngổn ngang trăm mối tơ vò. Người đàn bà ấy đã vượt qua mọi giông bão cuộc người để đối diện với mọi chông gai, khắc nghiệt, bất trắc của đời để sống, để làm tròn bổn phận và thiên chức của người phụ nữ. Điều ấy thật đáng trân trọng vô cùng.
Số phận, bản mệnh, thiên chức của người đàn bà được Thy Nguyên nhắc đến nhiều trong thơ. Đâu đó có bóng dáng, thân phận của chính nhà thơ, một người đàn bà “đơn thân” với bao vết thương lòng không dễ gì lành được. Vết thương ấy lại trỗi dậy, lại trở đau mỗi khi nhà thơ bắt gặp hay nhìn thấy bất cứ hình ảnh gì có liên quan, làm cho chị nhớ đến chuyện “ngày xưa”. Nỗi nhớ kèm theo là sự chua chát xé lòng. Để rồi, đôi lúc chị thấy mình “rỗng”, mình như đang “mắc cạn” rồi bỗng chốc “ghen” nhưng sau đó lại “sợ”, nhất là sợ sự huyên náo xung quanh. Bởi bây giờ, chị đã là “đàn bà cũ”: Không còn thích những đám đông/ Chiếc lá và vết chân sẻ con đồng chiều lười nhác/ Tiếng ríu ran, tiếng mọt cửa thành khuông nhạc giáng/ Đứng lặng trước khoảnh sân phía vồng vườn cỏ hoang/... Đôi mắt biết nói/ Chỉ có im lặng im lặng im lặng/ Tránh bước con đường của kẻ thứ ba/ Tránh ngã tư của những lần đêm mỏng/ Người đàn bà cũ nhậu ồn ào gạn từ ma nọc/ Người đời chuốc ngoa dụ/ Người đời chuốc lầm tin.
Đôi lúc, người đàn bà ấy trốn vào cõi khác để quên, để thoát khỏi muộn phiền, “Em tập quên đi em là ai” nhưng đâu thể trốn mãi. Chị phải trở lại hiện thực và đối diện với nó. Vì vậy cái tôi cô đơn, xa vắng, trống trải là điều không tránh khỏi. Nhà thơ nhận ra ở chốn trần gian, hình như mọi thứ đều rất “nhạt”: thơ nhạt, người ươn ả đớn hèn, nhiễu nhương, lũng đoạn... Thơ nhạt lắm thơ ơi/ Đời bỏ đầy muối trắng/ Người nhuộm đầy muối trắng/ Ươn ả đớn hèn/ Giữa người với người giậu nhau bằng vô cảm/ Giữa người với người lịch sử mỏng tang (Nhạt). Lúc nào nhà thơ cũng có cảm giác đơn độc, càng đơn độc hơn khi đang ở chốn đông người, khi bao ký ức sống lại, cuộc giằng xé nội tâm lại diễn ra: Chiếc ghế trống/ Không gian Sỏi Đá/ Rêu cũ ẩm mốc/ Tiếng Khánh Ly/ Tiếng người đàn ông bàn kế bên phát lộ/ Tiếng người đàn bà thủ thỉ// Gói gọn trong một bức tường/ Bức tường của sự xa cách/ Và em/ Đóng vai một người đàn bà trò chuyện với đêm (Một mình).
Thơ Thy Nguyên thường nói đến nhiều tình yêu. Bởi với chị tình yêu sẽ không bao giờ là đủ. Tình yêu thuở ban đầu là thứ tình yêu lung linh, rạo rực, mê đắm và rồi cũng kết thúc chóng vánh để lại cho chị sự bàng hoàng, trống rỗng, thất vọng tái tê. Một ngày cô đơn, một ngày thiếu “anh” cũng đủ làm cho tâm hồn nhà thơ tổn thương, lo sợ. Ơi cát sỏi đoạn đường cong ta đi/ Anh đã ở đâu những lần phố nhắc/ Có nhiều chiều như chiều nay chẳng hạn/ Em nhớ anh quên lối rẽ nhà mình (Gửi anh). Nhưng không vì thế mà làm cho người đàn bà yếu mềm trong chị gục ngã. Chị chấp nhận nghịch lý muôn thuở của tình yêu, đưa vào trong thơ một giọng điệu mới: mạnh mẽ, chân thành, mãnh liệt nhưng cũng đầy khắc khoải. Thêm lần thứ ba cánh cửa nhà lệch chốt/ Thêm lần thứ ba chiếc xe đạp lỏng ốc chờn ren/ Anh chào em và các con ít ngày mà thành biền biệt/ Gần một năm như thế mấy mươi năm/ Em không nghĩ gì hai từ “danh phận”/ Các con ngơ ngác nỗi nhớ thành giấc mơ/ Đề văn kể về người cha đặt trên giá sách/ Câu chữ ngập ngừng chân thực đỏ hoe (Nói với anh).
Tình yêu chồng vợ bất thành, em trở thành người đàn bà thua cuộc, nỗi đau này một mình “em” gánh chịu. Nhưng những đứa trẻ “vắng bố” thì nỗi đau đó mới đáng sợ hơn gấp bội phần. Có lẽ vì thế mà nhà thơ đã dành trọn tình thương và sự sẻ chia đến cho các con. Hơn ai hết chị hiểu sự thiệt thòi của con bởi sự thiếu vắng đi tình thương của cha - người đàn ông trụ cột của gia đình. Có đôi khi bóng nắng làm mùa thu đến chậm/ Mẹ đi qua những ngã rẽ trơn tay/ Phố nhắn gì giờ mẹ không nhớ nữa/ Chỉ thấy con trong nghi lễ đời mình (Viết ngày con trở thành thiếu nữ).
Thy Nguyên có nhiều bài thơ chị viết để trải lòng mình với những người cùng cảnh ngộ trong sự đồng cảm chân thành và tấm lòng yêu thương sâu sắc. Từ những trải nghiệm sâu sắc của bản thân, chị thấm thía hơn nỗi đau, mất mát, sự bất hạnh của người phụ nữ, sự thiếu hụt không gì bù đắp nổi của những đứa trẻ con không có bố.
Điều đặc biệt, trong tập Người dưng, Thy Nguyên dành nhiều bài thơ viết về mẹ bằng niềm kính và có cả sự ngậm ngùi, xa xót. Đâu là nhà mình sau cánh chim trời/ Gió điểm những mặt người như hình dấu phẩy/ Con cài lên ô cửa này lần trơn tay tuột rỗng/ Thấy những dửng dưng người đắp phía mùa đông (Mẹ ơi!).
Trong tập thơ Người dưng của Thy Nguyên thời gian được nhìn ở nhiều chiều kích: quá khứ, hiện tại tương lai với nhiều nỗi da diết, đắm say nhưng cũng lắm cay đắng, nghẹn ngào. Sự bạc bẽo trong tình yêu của “anh” chính là vết thương lớn nhất đối với “em” - “người đàn bà cũ”. Thy Nguyên luôn cố gắng đứng trên nỗi buồn thân phận để hướng về tha nhân bằng một trái tim dịu dàng, chân thật của người đàn bà nhân ái. Dẫu biết rằng trái tim ấy sẽ quặn đau, sẽ tứa máu! Trong bài Chợ người tam đoạn, lời “em” viết cho “anh” đọc lên nghe nghèn nghẹn. Có lẽ “anh” sẽ rất hối hận và còn chút gì để nghĩ về những năm tháng cũ?
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.