"Chuyện gì cũng nhúng tay vô"
Hai ngày sau khi TT Bush rời Việt Nam, nhiều cộng sự của ông vẫn còn phải vất vả tại khách sạn New World Saigon bởi hàng tấn thiết bị máy móc chưa được tháo dỡ. Người ta thường thấy một người đàn ông trung niên cao dong dỏng, trang phục giản dị, tay ôm cái laptop nhỏ, ra vô nơi tiền sảnh khách sạn. Khó ai có thể đoán được anh là người giữ trọng trách "đi trước, về sau" cho những chuyến công du nước ngoài của TT Bush. Sau chuyến đi này, chức vụ của Phong đã là Deputy Director of Presidential supporting travel (tạm dịch là Vụ phó Vụ Hỗ trợ các chuyến công du của TT) thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ. Nhìn cách nhân viên khách sạn - từ lễ tân, người phục vụ nhà hàng, trưởng phòng quan hệ đối ngoại đến phó tổng giám đốc - chào anh hoặc trò chuyện thân mật, cũng phần nào đoán ra anh là người quen thuộc ở đây đến độ nào.
Phong vui vẻ nhận lời "cà phê - tán dóc" với tôi nhưng không chịu kể về mình, dù thừa nhận anh là một trong những nhân vật chính lo chuyện hậu cần cho TT Bush. Phải đến lần cà phê thứ hai, anh mới chịu hé miệng kể những câu chuyện của "người đứng sau rèm" TT Bush - như cách nói của anh.
Hai vợ chồng Phong chụp hình lưu niệm với vợ chồng TT Bush |
Từ tháng 9.2006, tức trước khi TT Bush sang Việt Nam 2 tháng, Phong cùng 10 nhân viên khác của Nhà Trắng lên một chuyên cơ B737 trực chỉ Đông Nam Á, thực hiện chuyến tiền trạm quan trọng theo đúng lộ trình mà TT Mỹ sẽ dự Hội nghị APEC tại Hà Nội và thăm chính thức một số nước trong khu vực như Việt Nam, Singapore, Indonesia. "Chúng tôi có những người chuyên lo về an ninh, hậu cần, thông tin liên lạc... Và tôi là người có nhiệm vụ kết nối những bộ phận đó lại với nhau", Phong giải thích về vị trí của mình.
"Cụ thể anh phải lo những chuyện gì cho chuyến đi của TT Bush?". Phong gãi đầu: "Khó diễn tả quá. Vì hình như chuyện gì Phong cũng nhúng tay vô cả. Từ chuyện góp ý cho ban an ninh đến chuyện lo ánh sáng, bố trí nơi TT phát biểu, xe cộ, danh sách những người tham dự, thẻ cho báo chí... Thậm chí người lo việc lễ tân của TT cũng yêu cầu Phong góp ý cho việc bố trí tấm phông phía sau nơi TT phát biểu sao cho vừa đẹp, vừa phù hợp với văn hóa Việt Nam. Vì là người Việt duy nhất trong nhóm này nên ý kiến của Phong được coi trọng. Tấm phông có hình trống đồng nơi TT Bush phát biểu ở TP.HCM là gợi ý của Phong đó". Nói chung, Phong và những người trong nhóm phải làm tất cả mọi thứ, từ "đại sự" đến những chi tiết nhỏ nhất, để làm sao khi TT Bush xuất hiện trên truyền hình, trên báo chí phải là hình ảnh đẹp nhất.
"Doctor Ngo" và "Mr Merlin"
Phong kể, có nhiều người Mỹ gốc Việt làm việc trong Nhà Trắng, nhưng người thuộc hàng thân cận TT Bush, người được nghe những chuyện "thâm cung bí sử", người ngồi nghe TT Bush đọc diễn văn thử để góp ý... thì hình như chỉ mới có anh. Về chức vụ của Phong trong Nhà Trắng, thật khó tìm được từ tiếng Việt để gọi cho đúng vị trí của anh. Nói anh là một "liên lạc viên" của TT Bush cũng đúng vì công việc của anh được mô tả giống như vậy. Nhưng anh không chỉ làm mỗi công việc liên lạc mà đôi khi vai trò của anh như một "điều phối viên". Thế nhưng, cũng không hoàn toàn là "liên lạc viên" hay "điều phối viên" vì tình cờ tôi thấy trong danh sách khách VIP của đoàn TT Bush dự đại yến do Thủ tướng Anh Tony Blair chiêu đãi tại London có tên "Mr Ngo", bên cạnh những tên tuổi như Rice - Ngoại trưởng, hay Hariet Miers - Chánh văn phòng phủ TT, hoặc phát ngôn viên TT... Trong lần TT Bush dự đại tiệc do Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết chiêu đãi, danh sách đoàn khách VIP của Mỹ cũng có tên "Mr Ngo"... "Ở Nhà Trắng mọi người hay gọi thân mật Phong là "Doctor Ngo" hoặc "Mr Merlin" (tên một phù thủy lừng danh trong truyền thuyết nước Anh - TN) vì có rất nhiều vụ việc không tên - kiểu như việc "bếp núc" đều một tay Phong giải quyết. Nói thật là có những việc mà nếu không có vị trí của Phong thì cả guồng máy của chính phủ liên bang phải ngưng trệ. Bởi vì ở Mỹ việc phân công phân nhiệm rất rõ ràng và mỗi người là một mắt xích thật sự. Nếu mắt xích nào không làm việc được thì cả hệ thống ảnh hưởng ngay. Ví dụ như có lần vào giữa đêm, Phong phải cầm một công văn từ Nhà Trắng tức tốc chạy đến trại David để TT ký, trường hợp này nếu không kịp gần như cả guồng máy ngày hôm sau phải ngưng hoạt động. Phong không dám kể hơn nữa vì không được phép tiết lộ. Nhưng Phong nghĩ công việc thầm lặng của mình được mọi người thừa nhận và tôn trọng là đủ. Mình chỉ là người đứng sau rèm thôi!".
Phong được tiếp kiến Giáo hoàng J.Paul |
Đến Mỹ năm 1981, một mình tự bươn chải kiếm sống và học tập, cũng rất vất vả, nhưng rồi Phong cũng hoàn tất chương trình đại học chuyên ngành công nghệ thông tin rồi được tuyển vào làm việc ở bộ phận mật vụ của Nhà Trắng. Sau 5 năm, Phong lại xin chuyển sang văn phòng điều hành trực thuộc Văn phòng phủ TT. Nhờ kiến thức tổng hợp bên cạnh khả năng về công nghệ thông tin, Phong được bà Harriet Miers - Cố vấn Nhà Trắng, lúc đó là Chánh văn phòng phủ TT (hàm bộ trưởng) để mắt và mời về làm việc trong bộ phận "Customer Service". Bởi vì bà Miers xác định cần phải chuẩn bị cho các chuyến công du của TT Bush kỹ càng hơn sau "sự kiện 11.9". Ở vị trí này, có thể nói Ngô Cao Phong là người gốc Việt Nam duy nhất làm việc trong Nhà Trắng có mức độ "gần gũi" TT Bush nhất. Anh được liệt vào nhóm ít người thân cận với TT. Phong không dám kể chi tiết, nhưng anh thừa nhận là người chứng kiến những chuyện "thâm cung bí sử" trong Nhà Trắng. Chẳng hạn: Anh là một trong số ít người ngồi nghe TT Mỹ "tập đọc" diễn văn để góp ý, chỉnh sửa, trước khi ông xuất hiện chính thức trước công chúng.
Khi được hỏi về ý định tương lai của mình, Phong cười: "Cuộc đời có nhiều món quà dành cho mình mà nhiều khi mình không có điều kiện lựa chọn. Phong nghĩ nên biết đón nhận một cách tự nhiên và cố gắng trân trọng nó. Công việc cũng vậy. Phong cho rằng dù ở vị trí nào cũng làm hết sức mình, hiệu quả và không phí phạm. Một ngày nào đó, Phong có phải "về vườn", cũng sẵn sàng quạt than cho vợ bán cơm sườn! Nhưng nếu có cơ hội Phong thích làm một đại sứ. Mình sẽ vừa là đại sứ cho nước Mỹ và cho cả Việt Nam để giới thiệu cho thế giới biết về những nét văn hóa tuyệt vời của hai đất nước mà mình đều coi là máu mủ".
Trung Bình
Bình luận (0)