Người dùng Việt sẵn sàng chi 1 triệu đồng cho bữa ăn ở nhà hàng cao cấp

18/04/2023 19:39 GMT+7

Báo cáo mới đây của nền tảng thanh toán Payoo nhận định, trong quý 1/2023 dù tiêu dùng nhiều ngành bán lẻ sụt giảm nhưng nhà hàng cao cấp vẫn có sự tăng trưởng.

Báo cáo của Payoo nhận định, trong quý 1/2023, trong khi các ngành bán lẻ, điện thoại, điện máy, siêu thị đều sụt giảm mạnh về doanh thu thì ngành F&B (nhà hàng, ăn uống) là một trong những lĩnh vực ít ỏi duy trì mức tăng trưởng tốt, nhất là nhà hàng cao cấp.

Người dùng Việt sẵn sàng chi 1 triệu đồng cho bữa ăn ở nhà hàng cao cấp - Ảnh 1.

Người dùng vẫn sẵn sàng chi tiền triệu cho mỗi bữa ăn

T.H

Cụ thể, ngành hàng ăn uống của các nhà hàng tầm trung, các chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh với mức chi tiêu 150.000 - 300.000 đồng/người có mức tăng trưởng 30% so với quý 4/2022. Riêng nhóm mặt hàng trà sữa, cà phê, với đơn giá trung bình 40.000 - 70.000 đồng/phần, có sự tăng nhẹ gần 5% so với quý 4/2022.

Báo cáo dẫn ví dụ, năm 2022 của Công ty CP Thương mại dịch vụ Cổng Vàng (Golden Gate), ghi nhận doanh thu thuần đạt 6.965 tỉ đồng (tương đương thu về hơn 19 tỉ mỗi ngày), gấp hơn 2 lần năm 2021. Lợi nhuận gộp đạt 4.314 tỉ đồng, tương đương tăng 124%, cao nhất kể từ 2014.

Thống kê ngành F&B trong nền tảng thanh toán Payoo, những nhà hàng cao cấp với mức chi tiêu tầm 1 triệu đồng/người cho mỗi bữa ăn vẫn cho thấy sự tăng trưởng đều đặn, thậm chí hút khách hơn với giá trị trung bình mỗi đơn hàng ở quý 1/2023 đã tăng 7% so với quý 4/2022.

Bên cạnh đó, nhóm sản phẩm nữ trang, đá quý cũng có mức tăng trung bình 10%. Dù không phải là mùa cao điểm nhưng sức mua các thương hiệu thời trang xa xỉ cũng được ghi nhận đạt mức tương đương quý 4/2022. Do cầu nhiều hơn cung và sự khan hiếm của các mặt hàng này, các sản phẩm đồng hồ, túi hiệu từ những thương hiệu cao cấp còn trở thành một khoản đầu tư hấp dẫn, sinh lợi cao trong bối cảnh các kênh đầu tư tài chính gần đây thiếu hụt dòng tiền và thanh khoản...

Báo cáo từ Payoo ghi nhận, trong lĩnh vực bán lẻ có sự thay đổi trong hành vi chi tiêu của người dùng. Đó là cắt giảm với những mặt hàng không quá cần thiết, và tìm kiếm những lựa chọn tương tự có giá thấp hơn với hàng hóa thiết yếu. Điều này khiến nhóm hàng hóa dịch vụ không thiết yếu như các cửa hàng điện thoại, điện máy đều tụt giảm 30 - 50% doanh thu.

Nhiều doanh nghiệp chuỗi ICT chia sẻ, sức mua của người dùng năm nay yếu hơn so với cùng kỳ dù doanh nghiệp liên tục tung ra chương trình ưu đãi. Trả góp vốn là phương thức thanh toán yêu thích của người dùng với nhóm ICT cũng bắt đầu chững lại từ quý 3/2022, giảm dần đến nay vì chi phí tài chính tăng cao và nhu cầu tiêu dùng mặt hàng này giảm mạnh.

Hàng hóa dịch vụ thiết yếu cũng không ngoại lệ với nhóm siêu thị, cửa hàng tiện lợi bị giảm doanh thu 5 - 10%; trung tâm thương mại - nơi tập trung nhiều cửa hàng thời trang, nội thất bị giảm khoảng 10%...


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.