Người già ly hôn

22/04/2015 07:05 GMT+7

Đang có một 'cuộc cách mạng ly hôn màu xám' bởi những phụ nữ Singapore tuổi 'cổ lai hy', sau hàng thập niên chịu đựng các người chồng vũ phu, bội bạc.

Đang có một “cuộc cách mạng ly hôn màu xám” bởi những phụ nữ Singapore tuổi “cổ lai hy”, sau hàng thập niên chịu đựng các người chồng vũ phu, bội bạc.
Minh họa: DADMinh họa: DAD
Không như phụ nữ phương Tây - cứ thấy hết hứng thú hay bình đẳng trong cuộc sống với người đàn ông hiện tại thì tự tin, vui vẻ chia tay - lễ giáo, tập quán phương Đông, đức hy sinh vì con cái, sự lệ thuộc kinh tế... khiến nhiều phụ nữ Singapore chấp nhận cuộc sống hôn nhân đau buồn, cho đến gần hết cuộc đời.
“Bà ngoại” ly hôn
Rồi một ngày xấu trời, “bà ngoại” Soon (không phải tên thật), 83 tuổi, sau hơn 50 năm chung sống với ông Lim, 87 tuổi, thình lình vác đơn đến tìm luật sư Tan Siew Kim. Bà muốn chia tay với người chồng nóng nảy, thô cục mà bà “không thể chịu đựng thêm một phút nào nữa”. Luật sư Tan choáng váng. “Ông ngoại” Lim cũng choáng váng. Ông vội vàng đi mua hoa về tặng vợ, mong cứu vãn cuộc tình già, nhưng “quá muộn”. “Tôi chỉ còn vài năm nữa để sống và muốn có một đoạn kết vui vẻ mà không phải chịu đựng thêm với ông ấy”, bà Soon quả quyết với luật sư Tan.
Bà Soon là khách hàng lớn tuổi nhất mà luật sư Tan từng gặp, và cũng là trường hợp không nhiều trong số các phụ nữ đưa đơn ly hôn ra tòa ở cái tuổi chẳng còn mấy ham muốn trong cuộc đời. Phần lớn họ quyết định ly hôn vì chồng ngoại tình, trăng hoa, kéo dài nhiều thập niên không dứt.
Bà Ruth, 66 tuổi, ngậm ngùi đưa đơn ra tòa sau 45 năm chung sống với người chồng ngoại tình “ngay từ những ngày đầu”. “Tôi lấy ông ấy chỉ vì trót mang thai. Tôi từng khóc mỗi ngày, bởi ông ấy đi trăng hoa khắp nơi, nhiều đêm chẳng về nhà. Tôi chịu đựng chỉ vì con cái”, bà Ruth kể. Bà và người chồng doanh nhân nay 70 tuổi có với nhau 1 con gái và 1 con trai đều ngoài 40. “Khi ông ấy già đi, thói trăng hoa ngoài đường có giảm chút, nhưng lại chuyển sang tòm tèm với cô giúp việc người Indonesia bằng nửa tuổi mình, thậm chí công khai mối quan hệ đó trước mặt con cái”, bà Ruth kể và cho hay kể cả khi cô giúp việc về nước, chồng bà vẫn cứ đeo đuổi. “Tôi không dám thách thức ông ấy bởi tôi không làm ra tiền, cũng chẳng có nơi nào khác để dựa dẫm. Vả lại, người phụ nữ nào cũng nuôi hy vọng mong manh là có ngày chồng sẽ đoái hoài đến mình”. Chưa hết, người con trai còn hùa về phía bố, những mong gia đình nguyên vẹn để mai sau được thừa kế nhiều tài sản. Anh ta nói với mẹ ở tuổi bà mà ra tòa ly hôn là một điều sỉ nhục, và xa lánh mẹ.
Thực trạng đáng buồn
Mặc dù nghĩ rằng ly hôn là điều nhục nhã, nhưng cuối cùng bà Ruth vẫn phải làm như vậy, bởi “nếu không, tôi sẽ chẳng được gì khi ông ấy bán nhà và không cho tôi đồng nào hết”. Nhiều phụ nữ Singapore quyết định ly hôn ở tuổi xế chiều vì lý do giống bà Ruth. Họ sợ nếu để lâu hơn, tài sản gia đình sẽ dần dần vào tay các cô bồ nhí của chồng, còn bản thân họ thì “ra đê” trắng tay, trong khi hệ thống phúc lợi của Singapore không chu cấp cho những phụ nữ nội trợ không có tiền lương tích lũy trong quỹ hưu trí CPF.
Thực trạng đáng buồn này được chuyên gia tư vấn Arthur Ling tổng kết: “Khi con cái trưởng thành hết, phụ nữ bắt đầu cảm thấy họ cần để ý đến nhu cầu của bản thân và muốn có tự do để làm chủ cuộc sống của mình”. Còn về phía đàn ông, “họ chẳng bao giờ có ý định kết thúc hôn nhân. Họ chỉ muốn hưởng lạc nơi này nơi kia với người phụ nữ khác. Họ cho rằng chả có vấn đề gì nếu họ vẫn chu cấp và đi về với gia đình”, chuyên gia Jonathan Siew nhận định.
Tuy nhiên, sự chịu đựng nào ắt cũng có giới hạn.
“Cuộc cách mạng” trong ly hôn
Nhà xã hội học Angelique Chan gọi “cuộc cách mạng” này là “thảm cảnh”, gây ra nhiều vấn đề xã hội. Cục Thống kê Singapore cho hay, so với năm 1993, số cặp ly dị sau hơn 20 năm chung sống vào năm 2013 tăng từ 12,7% (486 vụ) lên 20,6% (1.467 vụ) trong tổng số cuộc ly hôn ở mọi lứa tuổi. Cùng các mốc thời gian đó, số cặp có hơn 30 năm sống chung ra tòa tăng từ 2,2% (86 vụ) lên 6,4% (460 vụ). Trong khi đó, số đàn ông trên 50 tuổi ly hôn tăng từ 10,1% (386 người) lên 25,7% (1.834 người) trong tổng số nam giới ly hôn năm 1993 và 2013. Còn số phụ nữ trên 50 tuổi ly hôn cũng tăng từ 4,8% (185 người) lên 15,2% (1.083 người) trong tổng số người ly hôn cùng giới của năm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.