Người già ở Việt Nam trải qua trung bình 14 năm nằm viện

12/10/2024 19:00 GMT+7

Một số liệu thống kê vừa được công bố tại Hội nghị lão khoa Bệnh viện Trung ương Huế mở rộng năm 2024 cho thấy tỷ lệ người già tại Việt Nam đang tăng lên và bình quân mỗi người có 14 năm nằm viện trong đời.

Ngày 12.10, Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức hội nghị lão khoa mở rộng năm 2024 với chủ đề quản lý toàn diện bệnh lý người cao tuổi. Đáng chú ý, số liệu thống kê công bố tại hội nghị cho thấy tỷ lệ người già ở Việt Nam đang tăng nhanh, trung bình mỗi người có 14 năm nằm viện trong đời.

Người già ở Việt Nam trải qua trung bình 14 năm nằm viện- Ảnh 1.

Khám bệnh và chăm sóc sức khỏe cho người già tại Bệnh viện Trung ương Huế

ẢNH: THƯỢNG HIỂN

Hội nghị có sự hiện diện của các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ là chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực lão khoa, nội tiết - đái tháo đường, tim mạch, gây mê hồi sức, hồi sức tích cực... đang công tác trong các bệnh viện lớn của Việt Nam, cùng gần 200 khách mời đến từ các cơ sở y tế khu vực miền Trung.

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe các báo cáo cập nhật về chiến lược nâng cao chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại Việt Nam, xu hướng mới trong điều trị bệnh alzheimer; ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Có các chủ đề chuyên sâu về điều trị như dinh dưỡng; tối ưu hóa điều trị insulin cho bệnh nhân đái tháo đường cao tuổi; quản lý suy tim, ứng dụng liệu pháp thay thế thận và kiểm soát suy thượng thận...

Mỗi người già ở Việt Nam có 14 năm nằm viện trong đời

Báo cáo đề dẫn tại hội nghị cho biết, năm 2020, thế giới có khoảng 727 triệu người từ 65 tuổi trở lên, chiếm 9,3% tổng dân số thế giới. Con số này sẽ tăng lên hơn gấp đôi vào năm 2050, đạt hơn 1,5 tỉ người cao tuổi, chiếm 16% dân số thế giới. Đến giữa thế kỷ này, trên thế giới cứ 6 người sẽ có một người trên 65 tuổi.

Riêng ở Việt Nam, số người cao tuổi liên tục tăng nhanh trong những năm trở lại đây. Năm 2019, có khoảng 11,4 triệu người cao tuổi (chiếm 11,86% dân số); đến năm 2022 đã tăng lên 12% và dự báo đến năm 2050 là 28%.

Xu hướng tỷ lệ dân số già, nhưng ở Việt Nam người cao tuổi có tỷ lệ ốm đau cao, tình trạng khỏe mạnh thấp; trung bình mỗi người phải chịu 14 năm bệnh tật (tính tuổi đời mỗi người là 73 năm).

Người già ở Việt Nam trải qua trung bình 14 năm nằm viện- Ảnh 2.

PGS-TS Trần Thừa Nguyên, Trưởng khoa Nội tổng hợp - lão khoa Bệnh viện Trung ương Huế (bên trái), được bầu làm Chủ tịch Hội Lão khoa tỉnh Thừa Thiên - Huế

ẢNH: THƯỢNG HIỂN

Chính vì vậy, công tác chăm sóc sức khỏe cho người già ở Việt Nam cần được chú trọng, ngoài vai trò của nhà nước cần phải có sự quan tâm, chia sẻ của toàn xã hội. Vấn đề xã hội hóa lĩnh vực y tế là yêu cầu bức thiết hiện nay, thông qua sự phối hợp tham gia tích cực của các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.

Hội nghị tập trung thảo luận 2 hướng chính trong việc chăm sóc và nghiên cứu về bệnh lý người cao tuổi: lão khoa (đề cập vấn đề chăm sóc y tế cho người cao tuổi, một nhóm tuổi không dễ xác định chính xác); lão học (nghiên cứu về sự lão hóa, bao gồm thay đổi sinh học, xã hội học và tâm lý).

Dịp này, Hội Lão khoa tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức đại hội thành lập theo quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế. PGS-TS Trần Thừa Nguyên, Trưởng khoa Nội tổng hợp - lão khoa Bệnh viện Trung ương Huế, được bầu làm Chủ tịch hội.

Hội Lão khoa là hội nghề nghiệp chuyên ngành lão khoa đầu tiên tại khu vực miền Trung - Tây nguyên. Sự ra đời của Hội Lão khoa tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ đóng góp cho việc nghiên cứu, phòng ngừa, điều trị, chăm sóc sức khỏe ở người cao tuổi ngày càng hiệu quả hơn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.