Người gieo mầm văn hóa giao thông

Thanh Bình
(TP.HCM)
29/06/2024 06:07 GMT+7

Tôi nhiều lần dự nghe những buổi tuyên truyền về an toàn giao thông của trung tá Nguyễn Chánh Trung - cán bộ đội Cảnh sát giao thông trật tự, Công an TP.Thủ Đức (TP.HCM), nên có ấn tượng sâu sắc về anh.

Phong cách giản dị, gần gũi, phương pháp truyền đạt sinh động, thực tế và hài hước, đã giúp trung tá Nguyễn Chánh Trung trở thành "thỏi nam châm" thu hút sự quan tâm của người nghe.

'Ong thợ' chăm chỉ

Chứng kiến hình ảnh anh cảnh sát giao thông (CSGT) buổi tối vẫn đội mưa, lặn lội đến hướng dẫn kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho người dân trong khu nhà trọ tại hẻm 351, đường Võ Văn Hát, P.Long Trường, TP.Thủ Đức, ông Đặng Sĩ Đạt, 65 tuổi, chủ nhà trọ, xúc động: "Thật đáng quý khi cán bộ công an không quản ngại khó khăn về thời tiết, xuống tận nơi để "nghe dân nói, nói dân nghe". Bà con rất cảm kích chính quyền đã quan tâm bảo vệ tính mạng, sức khỏe cho nhân dân".

Người gieo mầm văn hóa giao thông- Ảnh 1.

Trung tá Nguyễn Chánh Trung phổ biến kiến thức an toàn giao thông cho học sinh Trường tiểu học Từ Đức, TP.Thủ Đức, TP.HCM

Thanh Bình

Sức hút từ nhiều câu chuyện trong lĩnh vực an toàn giao thông (ATGT) do anh Trung dẫn dắt đã nhanh chóng chinh phục được những người còn mang tâm lý ngại dự họp. Có một số trường hợp ban đầu rụt rè, vẫn ở trong phòng trọ. Đến khi nghe tiếng loa anh Trung nói chuyện được vài phút liền có cảm tình, mạnh dạn mở cửa ra ngồi dự.

"Chưa nghe thì còn phân vân, lúc được nghe rồi lại thấy thích và "ghiền" luôn", cảm nhận của chị Lê Thị Thanh Vân, 36 tuổi, tạm trú tại P.Phước Long A, đã nói lên sự lôi cuốn từ anh CSGT dễ mến.

Sáng thứ hai hằng tuần là thời điểm bận rộn nhất của anh Trung. Để vợ yên tâm đi làm ở Q.Tân Bình, anh đảm nhiệm vai trò "xe ôm gia đình". Sau khi lần lượt chở 2 con đến trường, anh có mặt tại một trường học khác để phổ biến kiến thức ATGT trong tiết chào cờ. Hàng ngàn học sinh chăm chú nghe chú công an hướng dẫn đi bộ qua đường sao cho an toàn, đi xe đạp không dàn hàng ngang vừa đi vừa nói chuyện, không chạy ngược chiều, không vượt đèn đỏ. Những sở thích của trẻ em nhưng tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông (TNGT) cũng được chú Trung khuyên nên tránh, chẳng hạn như đá bóng dưới lòng đường.

Người gieo mầm văn hóa giao thông- Ảnh 2.

Học sinh Trường tiểu học Trương Văn Hải, TP.Thủ Đức, tương tác với trung tá Nguyễn Chánh Trung

Cô Phạm Ngọc Lan, Hiệu trưởng Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng, P.Hiệp Phú, TP.Thủ Đức, cho hay: "Năm nào trường tôi cũng mời anh Trung đến giáo dục kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho học sinh. Đồng thời, tổ chức thi đố vui, tìm hiểu kiến thức ATGT để giúp các em ghi nhớ và thực hành đúng".

Giữa dòng người hối hả ngược xuôi trên đường phố, vẫn nổi bật hình ảnh của anh, cần mẫn mang những kinh nghiệm của một sĩ quan CSGT 20 năm trong ngành sẻ chia với cộng đồng, như một "cẩm nang sống" để ai cũng được đi đến nơi về đến chốn.

'Biết rõ, hiểu sâu, nhớ lâu, làm đúng'

Đó cũng là mong muốn của trung tá Trung khi tiếp xúc với quần chúng. Để hiện thực hóa 8 chữ ngắn gọn này, anh miệt mài đầu tư công sức, từ sưu tầm thông tin, tài liệu đến học hỏi nhằm nâng cao khả năng truyền đạt. Vì vậy, tôi không hề ngạc nhiên khi mỗi bài giảng của anh đều đi sâu vào lòng người nghe.

"Với TNGT, sẽ ít có cơ hội để sửa sai", lời dặn của anh Trung trong các buổi nói chuyện được nhiều người thuộc nằm lòng. Học sinh Phạm Phúc Nhã, lớp 6A1 Trường THCS Long Trường, TP.Thủ Đức, kể: "Em từng nghe chú Trung giảng về ATGT từ lúc ở trường tiểu học, lên đến bậc THCS lại được tiếp thu thêm nhiều điều bổ ích, giúp chúng em yên tâm hơn mỗi khi tự đi học bằng xe đạp". Tương tự em Nhã, nhiều bạn trẻ khác từ bậc tiểu học đến đại học vẫn được gặp lại thầy Trung.

Người gieo mầm văn hóa giao thông- Ảnh 3.

Trung tá Nguyễn Chánh Trung không quản ngại buổi tối, đến tận các khu dân cư tuyên truyền về luật giao thông

Những năm gần đây, tình hình TNGT trên địa bàn TP.Thủ Đức liên tục được kéo giảm. Vậy nhưng, trăn trở của anh CSGT 44 tuổi chưa bao giờ nguôi. "Đã tốt rồi vẫn cần tốt hơn", anh luôn tâm niệm như vậy. Hàng loạt đề xuất có tính khả thi của anh với cấp trên, mong muốn kiểm soát tốt trật tự ATGT đều xuất phát từ tâm huyết của người lính, được anh cụ thể hóa trong các buổi nói chuyện chuyên đề.

Cảm kích trước tấm lòng nhiệt tình của anh Trung, ông Bùi Văn Thương, 49 tuổi, ngụ P.Hiệp Phú, bộc bạch: "Tôi hành nghề taxi công nghệ 4 năm nay. Được anh Trung hướng dẫn thêm, tôi nhận thấy còn vô số tình huống bất ngờ trên đường, đòi hỏi người lái xe có kỹ năng xử lý phù hợp, vì phía trước tay lái là sự sống". Có lẽ ai cũng thuộc lòng "Tính mạng con người là trên hết" nhưng để hiểu và vận dụng vào thực tế, rất cần đến tài diễn thuyết của anh Trung.

Mỗi khi ai đó hỏi "bí quyết", anh chỉ cười hiền: "Tôi thường đi thẳng vào những vấn đề người nghe quan tâm. Phân tích bằng hình ảnh các vụ việc đã xảy ra, những nguy cơ gây mất ATGT để chủ động phòng tránh".

Tin tưởng anh Trung CSGT, nhiều phụ huynh nhờ anh tư vấn trước khi chuẩn bị mua xe gắn máy cho con em đủ 18 tuổi. Cũng có người nhờ anh khuyên bảo con cái hay điều khiển xe máy chạy quá tốc độ. Được tin tưởng "chọn mặt gửi vàng", anh luôn đáp ứng trong thời gian sớm nhất.

"Mưa dầm thấm lâu", những thông điệp được anh Trung kiên trì truyền tải đến người nghe, như dòng nước mát lành, len lỏi từng ngõ ngách, góp phần ươm mầm thiện lành cho những hành động đẹp, ứng xử nhân văn. Gửi gắm trong từng bài giảng là những lời nhắn nhủ chân thành của anh với cộng đồng. Thay vì mạnh ai nấy đi, thiếu tuân thủ pháp luật thì nhiều người đã ý thức đi nhanh không bằng đi an toàn.

Hình ảnh đẹp xuất hiện trên đường cũng ngày càng nhiều hơn, tài xế đã biết nhường nhịn nhau để ai cũng được đi; nhiều em học sinh đã biết dừng lại để dẫn người cao tuổi đi bộ qua đường. Anh Trung quan niệm để hình thành tinh thần "thượng tôn pháp luật, xây dựng văn hóa giao thông", cần tiến hành thường xuyên, không thể chỉ một sớm một chiều là có kết quả ngay.

Tâm huyết với nghề

"Hơn cả một tiết học ngoại khóa. Sau những bài giảng của "thầy Trung", học sinh trường tôi trở nên ngoan hơn, chấp hành nội quy cũng tốt hơn", cô Trần Thị Thủy Tiên, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ, TP.Thủ Đức, nhận xét.

Buổi trưa lẽ ra được nghỉ ngơi, có nhiều hôm anh Trung đến các doanh nghiệp để nói chuyện chuyên đề với hàng ngàn công nhân trong 30 phút. Bà Nguyễn Hoàng Phượng Linh, Phó giám đốc Công ty Amura, đóng tại Khu công nghệ cao TP.HCM, cảm kích: "Người lao động ở đây đa phần đi làm bằng xe gắn máy. Được ngành công an quan tâm trang bị kiến thức và kỹ năng điều khiển xe an toàn, rất có ý nghĩa khi tham gia giao thông".

Nguyễn Thị Hòe, sinh viên Trường Đại học Nông lâm TP.HCM, chia sẻ: "Nhiều sinh viên từ các tỉnh thành khác đến đây học tập. Nhờ thầy Trung phân tích nên các bạn đã nhận ra việc đi xe buýt là an toàn nhất. Vì vậy, tỷ lệ sinh viên sử dụng loại hình giao thông công cộng này rất cao".

Kể về trung tá Trung không phải chỉ có bấy nhiêu. Có lần anh hỗ trợ đưa một người bị TNGT vào bệnh viện, bác sĩ thông báo cần truyền máu khẩn cấp, trong khi bệnh viện hết máu dự trữ nhóm O của nạn nhân. Nhận thấy nạn nhân cùng nhóm máu với mình, anh Trung tình nguyện hiến máu cứu người. Đó cũng là lần thứ 24 anh CSGT này hiến máu nhân đạo.

Năm 2024 được Chính phủ chọn là Năm an toàn giao thông. Trung tá Nguyễn Văn Hoàng, Đội trưởng đội CSGT trật tự - Công an TP.Thủ Đức, đúc kết: "Đơn vị chúng tôi chú trọng phòng ngừa TNGT, trong đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục. Tấm gương của đồng chí Nguyễn Chánh Trung còn có tác dụng truyền cảm hứng, động viên nhiều cán bộ trẻ hăng hái tham gia tuyên truyền cho nhân dân".

Cống hiến nhiều nhưng anh Trung luôn rất khiêm tốn. Hình ảnh đang giảng bài anh cũng không đăng trên trang cá nhân. Vậy nhưng "tiếng lành đồn xa", rất nhiều người đã gọi anh bằng cái tên trìu mến: "Anh Trung tuyên truyền". 

Người gieo mầm văn hóa giao thông- Ảnh 4.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.