Người giữ cồn Ngang, 'thủy cung' bí ẩn ở Gò Công

16/08/2018 08:20 GMT+7

Mấy chục năm qua, cồn Ngang (H.Tân Phú Đông, Tiền Giang) vẫn như một 'thủy cung' bí ẩn đối với cư dân miền biển mặn Gò Công.

Bao thế hệ lính biên phòng đã đến đây nhưng dường như chỉ có trung tá Nguyễn Thái Dũng (47 tuổi) gắn bó tha thiết nhất, tường tận mọi ngóc ngách rừng thiêng hiểm trở này.
Chết danh Dũng “bập dừa”
Tôi giữ các bãi chem chép, nghêu có sẵn trong thiên nhiên này để chúng sinh sản nhiều hơn. Tôi không thể chấp nhận cách khai thác đào xới bãi cát quá thô bạo của người dân vì như thế sẽ tạo điều kiện rất thuận lợi để sóng đánh vào gây sạt lở cồn càng nghiêm trọng hơn
Trung tá Nguyễn Thái Dũng
Từ TP.Mỹ Tho xuôi theo QL50, qua phà Bình Ninh, đặt chân lên vùng đất cù lao Tân Phú Đông, thật thú vị khi già, trẻ ở đây hầu như ai cũng biết câu chuyện về trung tá Dũng. Bà con quen gọi ông là Dũng “bập dừa”.
Theo hướng dẫn của cư dân địa phương, chúng tôi di chuyển trên những tuyến lộ nhỏ, qua hàng ngàn héc ta vườn mãng cầu xiêm, ruộng sả tìm đến khu vực rừng ngập mặn mênh mông thuộc ấp Cồn Cống, xã Tân Phú. Đây là nơi “giao thương” với đất liền của Đội kiểm soát biên phòng cồn Ngang. Trong lúc chúng tôi đang bơ vơ nơi bến sông vắng để tìm thuê đò sang cồn Ngang thì bất chợt có một chiếc ghe nhỏ cũ kỹ cập bến. Từ trên ghe, trung tá Dũng với vóc người khá vạm vỡ, nụ cười hiền lành, đang vác con heo rừng có chiếc nanh cong dài vỗ vai tôi: “Chúng ta có duyên đó vì 10 ngày nay tôi không vô đất liền. Thôi, chú mày chờ anh mang con heo này về đồn rồi báo cáo sự việc với lãnh đạo, xong sẽ quay lại để anh em mình sang cồn Ngang một thể”.
Chạng vạng tối, vành đai rừng phi lao chắn sóng ở đây trở nên đáng sợ bởi con bù mắt cánh đen, bù rãnh cánh trắng bám víu từng bầy cắn vào da thịt người. Ngồi trên vọng gác, gió từ cửa sông lồng lộng thổi vào, trung tá Dũng đưa chai dầu gió kêu chúng tôi thoa vào những chỗ bị bù rãnh cắn. Liền sau đó, ông kể về một kỷ niệm với cồn Ngang mà cả đời không sao quên được.
Năm ấy chàng thanh niên Nguyễn Thái Dũng (quê ở H.Châu Thành, Tiền Giang) mới 21 tuổi, mang quân hàm chuẩn úy đến nhận công tác tại cồn Ngang. Khi ấy triều lên, cồn Ngang chỉ là một doi đất hoang vắng ngoi lên giữa cửa sông Cửa Tiểu với diện tích vài héc ta. Chuẩn úy Dũng cùng với 2 chiến sĩ đến đây cư ngụ trong một căn nhà sàn dã chiến, lợp bằng lá dừa nước. Tranh thủ ban ngày, anh em vớt những cành cây dại trôi dạt đem phơi khô làm củi để nấu ăn...
Cuộc sống nơi đầu ngọn gió, nước mặn đắng quanh năm tưởng như đã quá đỗi khắc nghiệt. Nhưng, một cơn triều cường đột ngột kéo đến lôi cả 3 người lính trên cồn ra giữa dòng nước dữ mênh mông mới là huyền thoại của sự khắc nghiệt. Sự cố đó xảy ra trưa 15.10.1992, chưa tròn 2 tháng sau khi họ nhận nhiệm vụ.
Con_Ngang_thuy_cung_bi_an
Người lính biên phòng ở cồn Ngang luôn phải tự cân đối nguồn thực phẩm cho mình Ảnh: Bắc Bình
Trung tá Dũng kể lại: “Sáng hôm đó, chúng tôi nghe radio biết rằng hôm nay triều cường sẽ kết hợp gió bão ở khu vực này, nhưng tín hiệu liên lạc với cơ quan đâu có như bây giờ. Ba anh em tranh thủ nấu cơm sớm nhưng chưa kịp ăn thì mưa giông kéo tới ầm ầm, nước ngoài sông dâng nhanh phát khiếp… Biết là căn chòi khó trụ nên chúng tôi bảo nhau đeo tài sản của đơn vị vào hết người. Vừa chạy ra khỏi căn chòi thì nó cũng bị lốc xoáy cuốn bay mất xác luôn. Chưa kịp hoàn hồn thì phía cửa sông lù lù một chiếc tàu to hơn mấy tòa nhà cũng trôi lướt lên cồn, nhưng chúng tôi không cách nào tiếp cận tàu này được. May thay, một gốc bập dừa to tướng trôi ngang, cả 3 níu lấy rồi trôi giữa dòng nước dữ”.
Hơn 6 tiếng nổi trôi, bốn phía chỉ toàn nước và nước, ngay cả đến bộ quần áo mặc trên người cũng đã bị sóng đánh rách mất xác. Trời tối dần và ngay lúc ấy cả những người lạc quan nhất cũng không tin rằng họ sống sót. Xót đời những chàng trai trẻ trong cơn “thập tử nhất sinh”, một đội công tác của Đồn biên phòng Tân Phú khi đó đã nói lời vĩnh biệt với các đồng chí của mình để nhổ neo vật lộn với cơn giông tố hy vọng tìm được 3 nạn nhân trôi từ cồn Ngang.
Màn đêm bao trùm, tình hình xấu hơn và cả 3 kiệt sức ngất lịm trên bập dừa lúc nào không hay. Tỉnh dậy, bàng hoàng khi đang ở trong nhà một ngư dân tại xã Thừa Đức, H.Bình Đại (Bến Tre) thì họ mới biết mình đã được ngư dân giúp trong khi chạy bão. Và từ đó, câu chuyện chàng sĩ quan trẻ tuổi thoát chết ngoạn mục nhờ vào bập dừa nước đã gắn liền với đời anh, cái tên thân thương Dũng “bập dừa” cũng gắn với trung tá Dũng từ đó.
“Robinson” của cồn Ngang
Giữa đêm, từ vọng gác, xa xa trên đầu cồn xuất hiện nhiều đường sáng đèn pin soi mói, Dũng “bập dừa” nhanh chóng mặc bộ quân phục vào người rồi một mình lù lù vào rừng sâu hun hút. Hơn 2 tiếng sau ông bất ngờ xuất hiện một cách khó đoán như lúc ông rời đi. “Tôi giữ các bãi chem chép, nghêu có sẵn trong thiên nhiên này để chúng sinh sản nhiều hơn. Tôi không thể chấp nhận cách khai thác đào xới bãi cát quá thô bạo của người dân vì như thế sẽ tạo điều kiện rất thuận lợi để sóng đánh vào gây sạt lở cồn càng nghiêm trọng hơn”, Dũng “bập dừa” trăn trở.
Khi những giọt sương đêm chưa rơi khỏi chiếc lá phi lao bé xíu thì Dũng “bập dừa” đã đánh kẻng gọi đàn heo rừng về. Chúng vừa ăn vừa ủi khẽ vào lưng ông. “Hơn 8 năm qua, đàn heo rừng luôn đảm bảo khẩu phần thịt cho cả đồn nhưng mỗi lần bắt chúng về làm thịt là tôi buồn lắm. Biết đàn heo này đã trùng huyết từ lâu và hôm qua tôi bắt con heo nọc già đầu đàn về làm thịt. Nó gần 10 tuổi, chỉ mỗi tôi là tiếp cận được nó mà thôi. Tôi đã phải tiêm thuốc an thần cho nó rồi ôm về đồn chứ không nhẫn tâm làm thịt nó”, ông kể trong lúc vá lại một tấm lưới cá đã rách.
Trong khi 2 chiến sĩ chuẩn bị cho buổi ăn trưa, Dũng “bập dừa” lặng lẽ vào rừng tự tay hái rổ rau sâm biển non mướt. Chúng tôi vui vẻ trò chuyện trên đường về, bỗng ông dừng lại, giọng trầm buồn, tay chỉ vào phần móng chỉ là một hộc nước đã bị xói lở rất sâu nhưng vẫn đang “cõng” cả tòa nhà trên lưng: “Mới được UBND tỉnh đầu tư 1,6 tỉ đồng, xây dựng hồi năm 2008 ở giữa cồn. Và để kiên cố hơn, chúng tôi trồng nhiều hàng phi lao và dừa bao bọc xung quanh. Mới hồi Tết Mậu Tuất còn cách ẩn trong rừng vậy mà nay phần móng cũng mong manh vì sạt lở, sắp ngã đổ tới nơi rồi”, Dũng “bập dừa” băn khoăn.
Thượng tá Đinh Xuân Bá, Chỉ huy trưởng Đồn biên phòng Phú Tân, cho biết trung tá Dũng đã 3 lần đến nhận công tác tại cồn Ngang và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, vừa giữ gìn sự đa dạng sinh học cho vùng sinh thái đặc thù ven sông, cửa biển, vừa hỗ trợ thiết thực cho ngư dân bám biển. Vài năm gần đây, tình trạng xói lở trên cồn Ngang càng nghiêm trọng hơn. Cả trụ sở của Đội kiểm soát cũng đang đứng trước nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào, nhưng chưa khi nào nghe đồng chí Dũng than phiền hay xin phép chuyển công tác khỏi cồn. (B.B)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.