Lòng tốt trong xã hội luôn hiện hữu và cũng không thể nào phủ nhận bữa ăn miễn phí cơm 0 đồng đã san sẻ bớt một phần gánh nặng cho người khó khăn. Hiện chưa có một thống kê cụ thể ở Việt Nam có bao nhiêu quán cơm 0 đồng, số nhóm chuyên tặng bữa ăn miễn phí. Tuy nhiên hằng ngày, mọi người vẫn dễ dàng thấy những mẩu tin trên mạng xã hội hoặc báo, đài đưa tin về chủ đề này.
Từ thiện liệu chỉ có mỗi "cơm 0 đồng" và có phải "chỉ cần cho đi là được"?
"Ngoài kia thể nào cũng có người cần"
Ở Việt Nam có nhiều tổ chức, cá nhân làm công tác thiện nguyện nổi tiếng. Tuy nhiên, ít ai biết về người tên Châu Thành Toàn, trưởng nhóm tình nguyện SV07, trực thuộc Hội chữ thập đỏ tỉnh Sóc Trăng. Anh làm y tá ở Trung tâm y tế Q.1 (41 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp), đã tổ chức gần 1.000 chương trình thiện nguyện cho người yếu thế trong 26 năm qua.
Toàn tổ chức nhiều chương trình như: vận động xây nhà cho người nghèo, tặng xe đạp cho trẻ em, tặng chân giả cho người khuyết tật… Tháng 3.2020, anh được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao bằng xác lập Kỷ lục Thiện nguyện Việt Nam với 22 năm làm tình nguyện liên tục.
Tổ chức nhiều chương trình, nhưng nhóm của Toàn vẫn duy trì nấu bữa ăn 0 đồng. Anh nấu định kỳ hàng tháng, liên tục trong 15 năm qua tặng người khó khăn và trẻ em Khmer ở vùng sâu vùng xa. Cũng có lúc nấu tặng bệnh nhân các bệnh viện mà nhóm thường tặng quà, mỗi tháng khoảng 400 suất ăn, đều do đích thân Toàn vào bếp.
Người khó khăn trong xã hội cần được hỗ trợ nhiều mặt, nhưng có lẽ điều cấp thiết nhất là thực phẩm. Bởi, như người xưa có câu: "Có thực mới vực được đạo". Hiểu đơn giản, có ăn uống đầy đủ, có sức khỏe để làm việc khác.
"Nấu ăn là công việc thiện nguyện dễ làm, dễ cho đi và dễ tiếp cận nhiều người", Châu Thành Toàn nhận định.
Nấu ăn, chỉ cần mỗi người hùn lại ít chi phí, tập hợp nhau vừa làm vừa gắn kết tập thể. Việc cho đi những phần ăn cũng khá dễ dàng. Mọi người chỉ cần chở thức ăn trên xe, rảo quanh các con đường trong thành phố và tặng cho bất kỳ ai mà họ cho là cần bữa cơm miễn phí. Quy mô hơn, nhiều người mở quán cơm 0 đồng, trang bị bàn ghế, thuê nhân viên… với mong muốn nhiều người cần ghé đến. Vì đơn giản nên "cơm 0 đồng" là lựa chọn dễ dàng cho ai đó muốn tổ chức chương trình thiện nguyện.
Thực tế cho thấy vào những dịp lễ, tết, nhiều người "phát tâm" tặng thức ăn cho người khó khăn, người vô gia cư. Thức ăn là cần thiết, nếu vừa đủ dùng. Tuy nhiên vẫn có người nhận rất nhiều dẫn đến dư thừa, hoặc mở ra thấy thức ăn không phải món mình thích thì bỏ đi.
Nhiều người làm thiện nguyện có những quan niệm: "Miễn mình có lòng tốt cho đi là được, sử dụng như thế nào là quyền của người được cho. Cho như thế nào cũng được... Tại người ta đang đói... Nếu họ bỏ phần ăn thì họ mang tội…". Thành Toàn cho rằng đó là những câu vô thưởng vô phạt mà người làm thiện nguyện nêu ra, để tặng đồ ăn cho bằng được. Riêng Toàn, anh mong muốn hoạt động thiện nguyện luôn mang lại giá trị bền vững cho người yếu thế, dù chỉ là một bữa ăn.
Giá trị của một phần cơm 0 đồng
Toàn cho rằng, một khi đã chọn nấu ăn làm thiện nguyện, người tổ chức phải chấp nhận, chịu trách nhiệm nếu có rủi ro về vấn đề ngộ độc thực phẩm. Điều này rất quan trọng, vì liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng người thụ hưởng.
Để nấu những bữa ăn 0 đồng, đầu bếp nhóm SV07 phải có giấy khám sức khỏe định kỳ hàng năm. Khi nấu ăn phải có những yếu tố cơ bản như: giấy mua hàng để biết nguồn gốc của sản phẩm; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và lưu mẫu thực phẩm.
Thành Toàn quan niệm, nếu đã "nấu ăn 0 đồng chuyên nghiệp" thì phải cần những điều kiện quan trọng kể trên. Không chỉ để bảo vệ người thụ hưởng mà còn là bản thân, thành viên trong nhóm, nếu có trường hợp sự cố xảy ra như ngộ độc thực phẩm.
Với 26 năm kinh nghiệm làm thiện nguyện, Toàn cho biết cách tổ chức chương trình cũng là một trong những yếu tố mang lại giá trị cho "bữa ăn 0 đồng". Theo anh, cách tốt nhất là phối hợp với chính quyền địa phương, nơi mình định trao tặng. Sau đó bàn bạc, đưa ra những yêu cầu cơ bản của nhóm mình muốn làm, cách nhận thức ăn như cầm phiếu phát trước, hay chỉ cần xếp hàng...
Theo kinh nghiệm của anh, tặng thức ăn trong bệnh viện để giảm gánh nặng cho bệnh nhân, người nhà là thiết thực nhất. Tuy nhiên, nếu muốn đăng ký vào bệnh viện nấu, nhóm thiện nguyện phải có những yếu tố như trên. Vì vậy, gần như tất cả những nhóm cá nhân hoạt động dựa trên cảm tính đều không thích vào bệnh viện. Họ muốn thoải mái cho đi, vô hình trung có thể làm mất an ninh trật tự nơi công cộng.
Khi đã mất trật tự, người làm từ thiện trao nhanh những phần quà một cách vô thức. Người nhận chen lấn, xô đẩy để lấy được thứ mình cần. Chưa kể, nhiều người lợi dụng đám đông chạy đến móc túi...
"Của cho không bằng cách cho, nên phải cho làm thật đẹp. Cụ thể, khi cho phải đưa bằng 2 tay, nở nụ cười và có lời chúc ví dụ: chúc ngon miệng nhé", Toàn nói.
Cho - là thể hiện sự tôn trọng của người làm từ thiện với người yếu thế. Cho - là để người nhận thật sự thấy vui, trân trọng giá trị của món quà. Cho - để nhà hảo tâm, người tài trợ cảm nhận được tình thương của mình, sẵn sàng gửi gắm niềm tin tuyệt đối.
Từ thiện có nhiều cách làm và nhiều cá nhân ở những môi trường khác nhau vận hành. Vì thế, khó có tiêu chí đánh giá một hoạt động từ thiện nào đó tốt hay không. Tuy nhiên, kỷ lục gia Châu Thành Toàn cho rằng vẫn có thể dựa trên số năm hoạt động cống hiến cho cộng đồng để đánh giá. Từ thiện không đơn giản là chỉ trao đi bằng tấm lòng. Để duy trì liên tục suốt 26 năm qua, Toàn phải thực hiện các chương trình một cách rất chuyên nghiệp.
"Sự chuyên nghiệp đưa chúng ta tiến xa hơn, trong hoạt động từ thiện cũng vậy", Toàn nói.
Bình luận (0)