Người gốc Việt nhọc nhằn tìm chỗ đứng ở Hollywood

22/07/2018 19:00 GMT+7

Cộng đồng diễn viên Mỹ gốc Á, bao gồm Việt Nam, trong nhiều năm nỗ lực khẳng định vị thế của mình và đấu tranh chống lại sự phân biệt đối xử tại Hollywood.

Tờ The New York Times dẫn lời nhiều người gốc Việt làm việc ở Hollywood thừa nhận không có nhiều cơ hội phát triển sự nghiệp.
“Nhiều người hỏi về những khó khăn khi sinh ra và lớn lên là người gốc Việt ở Mỹ. Tôi nói với họ rằng là một diễn viên, bản thân tôi đối mặt với sự phân biệt đối xử và định kiến trong ngành. Có rất ít vai cho chúng tôi”, nữ diễn viên Rosie Tran, 33 tuổi, cho biết. Tương tự, Nguyen Stanton - người mẫu/diễn viên sống ở Austin (bang Texas) nói: “Năm nay tôi 48 tuổi và chỉ “chết” vai những bà mẹ gốc Á già nua”. Theo bà, hiện có khoảng 20.000 người gốc Việt tại Austin nhưng số diễn viên gốc Việt chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cả Stanton và Tran đều thừa nhận bản thân phải sống dưới áp lực từ chính gia đình luôn kỳ vọng họ có việc làm ổn định, lương cao. “Tôi nghĩ rằng gia đình tôi không am hiểu về diễn xuất. Mỗi lần bàn về một bộ phim, họ chỉ hỏi: lương có cao không?”, bà Stanton chia sẻ.
Tại Hollywood, nơi “thống trị” của những minh tinh da trắng, diễn viên gốc Á, trong đó có người Việt, không có nhiều cơ hội phát triển sự nghiệp. “Để có được vai diễn cũng không phải dễ, nhưng đối phó với định kiến càng khó hơn. Tôi có thể kết luận rằng hơn 80% các vai diễn dành cho người gốc Á đều mang hơi hướng định kiến về sắc tộc, bị xem thường hoặc mang tính tấu hài”, nữ diễn viên Tran chia sẻ. Cô còn nêu ra một trường hợp cụ thể là bộ phim nổi tiếng Mean Girls năm 2004 khắc họa hình ảnh không mấy tốt đẹp về một nhóm nữ sinh gốc Việt. “Tôi không mấy hài lòng trước kịch bản khi miêu tả người Việt quá coi trọng giàu nghèo và thích tụ tập tán chuyện”, theo cô Tran. Nhân vật Trang Pak trong phim thậm chí có quan hệ yêu đương không lành mạnh với giáo viên thể dục. Bên cạnh đó, đạo diễn cũng không mấy quan tâm đến lời thoại tiếng Việt. Nhiều khán giả gốc Việt xem xong, thậm chí không hiểu nhân vật nói gì.
“Tôi chứng kiến điều này lặp đi lặp lại ở Hollywood, nơi hình ảnh phụ nữ gốc Á thường bị mô tả là lẳng lơ, dễ dãi hay gái mại dâm… Định kiến thật sự còn rất nặng nề ở Hollywood”, cô Tran chia sẻ. Bản thân nhiều đạo diễn Hollywood cũng có cái nhìn vô cùng lệch lạc và không quan tâm đến việc trau chuốt hình ảnh, lời thoại nhân vật. “Tôi từng tham gia thử vai một cô gái gốc Á. Đạo diễn và nhà sản xuất bảo tôi nói tiếng Hoa nhưng tôi trả lời mình chỉ nói được tiếng Việt. Họ liền bảo sao cũng được, cứ nói tiếng Việt đi, chẳng ai để ý đâu”, cô Tran bức xúc kể với The New York Times.
Bên cạnh người trong ngành, định kiến và phân biệt còn đến từ một bộ phận khán giả. Hồi năm ngoái, nữ diễn viên gốc Việt Kelly Marie Tran tạo bước đột phá lớn khi được giao một vai quan trọng trong bom tấn Star Wars: The last Jedi. Tuy nhiên, sau đó cô phải chịu đựng hàng loạt bình luận mang tính kỳ thị, thậm chí sỉ nhục và đe dọa. Hồi tháng 6, cô đã phải xóa mọi bài đăng trên Instagram. Trang Vox dẫn lời Kelly chia sẻ: “Tôi ước gì chúng ta sống trong một thế giới nơi tất cả mọi người đều có cơ hội viết kịch bản, đạo diễn, sản xuất và diễn xuất, nhưng sự thật không phải như vậy”.
Thủ vai nhân vật chị gái của Kelly Marie Tran trong Star Wars: The last Jedi, diễn viên Ngô Thanh Vân chia sẻ với Thanh Niên: “Có được vai diễn trong phim là một may mắn và cơ hội lớn cho chính bản thân tôi, bởi ở Hollywood, cơ hội cho diễn viên gốc Á khá mong manh.
Đừng quá mong đợi vào vai diễn của chính mình dù đã được ký hợp đồng, ra trường quay, đóng nhiều cảnh bởi họ có thể cắt ngắn vai diễn, chỉ để lại một vài cảnh hay nhiều là tùy vào quyết định của họ, diễn viên chúng ta không thể biết trước khi phim ra mắt vai diễn của mình thật sự ra sao trên màn bạc. Vì thế, khi có vai, tôi luôn nỗ lực hết sức cho vai diễn của mình, để ê kíp làm phim, nhà sản xuất thấy được tiềm năng của mình và nhớ tới mình trong các dự án sau của họ”. Tương tự, siêu mẫu - diễn viên Vũ Thu Phương, từng tham gia phim Shanghai (2010), nói: “Cơ hội cho diễn viên châu Á thỉnh thoảng vẫn xuất hiện bằng cách lâu lâu, họ chủ động tìm nhân tố mới, nhưng ít lắm. Nếu một người bản địa muốn ghi dấu ấn khó 1 thì chắc người Á phải khó 10. Tôi nghĩ mỗi người cần chủ động bằng các hình thức tự ứng tuyển, tìm cách thể hiện tài năng của bản thân qua nhiều công cụ để các nhà chuyên môn có thể nhìn thấy và mong muốn hợp tác với bạn”.
P.C.Tùng - Dạ Ly

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.