Rồng trong văn hóa Việt

Người Hà Lan vẽ bản đồ Rồng Việt Nam

10/02/2024 10:00 GMT+7

Theo GS Nguyễn Hồng Thao, một chuyên gia luật Quốc tế và luật Biển, những bản đồ người Hà Lan vẽ Việt Nam từ thế kỷ 17 cho thấy sự giao lưu quốc tế, cũng như nhận thức lịch sử - địa lý về đất nước ta thời điểm đó.

Nhà nghiên cứu trở về

Một sáng tháng 12.2023, ông Ngô Thụy Trúc Lâm, Việt kiều Hà Lan, đứng giữa sảnh nhà G của Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), xung quanh là rất nhiều bản đồ. Bản đồ đen trắng có, bản đồ màu có… nhưng chúng đều có điểm chung là thể hiện hình ảnh Việt Nam. Ngay khoảnh khắc đó, người ông Trúc Lâm bật nghĩ đến đầu tiên chính là ông nội mình.

Nhà nghiên cứu  Ngô Thụy Trúc Lâm giới thiệu về một  tấm bản đồ do  người Hà Lan  vẽ về Việt Nam Ảnh: Ban tổ chức

Nhà nghiên cứu Ngô Thụy Trúc Lâm giới thiệu về một tấm bản đồ do người Hà Lan vẽ về Việt Nam

Ban tổ chức

"Tôi vui mừng đứng ở trưng bày Vẽ bản đồ Rồng: Việt Nam trong mắt các nhà làm bản đồ Hà Lan. Tôi càng hãnh diện hơn nữa vì được trở về trường nơi ông nội tôi là cụ Ngô Lập Chi trước kia làm việc. Cho nên tôi trở về đây cũng coi như trở về mái trường cũ mặc dù chưa học tại đây", ông Ngô Thụy Trúc Lâm nói chậm rãi. Cụ Ngô Lập Chi, theo ông Trúc Lâm cho biết, trước là giáo sư ở Đại học Văn khoa, sau đó làm ở bộ phận lưu trữ và phiên dịch của Khoa Sử, Trường đại học Tổng hợp, cùng thời với các giáo sư Trần Văn Giáp, Phan Huy Lê.

Ông Ngô Thụy Trúc Lâm rời Hà Nội sang Hà Lan từ năm 1981. Tốt nghiệp ngành lưu trữ Học viện Frederik Muller (Amsterdam), ông từng là chuyên gia sưu tập tại Phòng Sưu tập Đặc biệt của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á và Caribe của Hoàng gia Hà Lan. Sau cùng, ông làm việc tại Phòng Sưu tập Đặc biệt của Thư viện Đại học Leiden từ năm 2014. "Tôi đã làm 30 - 40 năm chỉ về lưu trữ. Rất may mắn, ở Leiden tập trung nhiều tư liệu với 100.000 tấm bản đồ, tôi lại chuyên về bản đồ", ông Lâm cho hay.

Làm công việc tiếp xúc, phân loại, chỉnh lý các lưu trữ liên quan đến bản đồ, ông Lâm có duyên được xem, được đọc các bản đồ liên quan tới Việt Nam quê hương ông. Ông cùng nhà nghiên cứu địa lý nhân văn và quy hoạch Martijn Storms (người phụ trách bản đồ tại thư viện ĐH Leiden) hệ thống hóa các bản đồ liên quan đến Việt Nam. Mỗi một tấm bản đồ, khi họ nghiên cứu lại có những câu chuyện khác nhau.

Người Hà Lan vẽ bản đồ Rồng Việt Nam- Ảnh 2.

Bản đồ do Daniel Tavernier vẽ tại chỗ và một số chuyến hành trình ông thực hiện tại Bắc bộ. Bản đồ minh họa cho thấy bờ biển phía bắc của Việt Nam với đồng bằng châu thổ

Ban tổ chức

Một trong số đó là tấm bản đồ Hải đồ Biển Đông của Công ty Đông Ấn. "Khi nhà sưu tập nhận tấm bản đồ họ đã xắt làm đôi. Phần bên phải mô tả Philippines và phía bắc Borneo được để ở khu vực nghiên cứu Philippines, chỉ mới được phát hiện ra gần đây. Phần bên trái thể hiện rõ bờ biển của Việt Nam với các thành phố Poefoe (Phú Xuân) và Faijfol (Hội An) được đặt ở khu vực nghiên cứu khác. Sau đó nghiên cứu giúp phát hiện ra đó là hai mảnh của một tấm bản đồ và ghép lại. Chúng tôi mới phát hiện điều đó cách đây vài mươi năm thôi, tức là hơn 100 năm trôi qua mà không ai biết chúng thuộc về nhau. Nhờ nghiên cứu số hóa mới có thể liên hợp bản đồ lại như vậy", ông Lâm chia sẻ.

Cũng chính từ những nghiên cứu, số hóa bản đồ trong nhiều năm của ông Trúc Lâm và ông Martijn Storms đã mang đến kết quả là trưng bày Vẽ bản đồ Rồng: Việt Nam trong mắt các nhà làm bản đồ Hà Lan. Trưng bày thuộc chuỗi sự kiện kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hà Lan này là sự kết nối giữa ngoại giao, giáo dục, và nghiên cứu khoa học của cả hai nước. Ông Kees van Baar, Đại sứ Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam, chia sẻ trong lễ khai mạc trưng bày: "Bản đồ là câu chuyện kể về lịch sử, văn hóa, về quá trình hình thành và phát triển của một quốc gia. Bởi vậy, hoạt động trưng bày chuyên đề về vẽ bản đồ rồng bây giờ nhắc nhớ về văn hóa, lịch sử của Việt Nam trong hàng trăm năm về trước".

Vùng đất Rồng

Theo nghiên cứu của ông Ngô Thụy Trúc Lâm, quan hệ giao thương Việt Nam - Hà Lan đã được thiết lập từ thời Công ty Đông Ấn Hà Lan (VOC) vào thế kỷ 17. Thời điểm đó, tuy Việt Nam không phải là nước trọng yếu trong thương mại biển của Hà Lan, nhưng nước này vẫn đặt hai thương điếm ở Việt Nam. Năm 1630, VOC ký hiệp định với vương quốc Bắc Kỳ - còn gọi là Đàng Ngoài dưới sự nắm quyền của chúa Trịnh - để mở một thương điếm ở Phố Hiến, gần Hà Nội. Trạm này được duy trì cho đến năm 1699. Thương điếm thứ hai được mở vào 1637 tại Faifo (Hội An ngày nay) thuộc Quinam (Quảng Nam), do các chúa Nguyễn ở Đàng Trong cai trị. Trạm này chỉ hoạt động trong thời gian ngắn cho đến năm 1652. Chính vì thế, những tấm bản đồ được ông Lâm mang về Việt Nam trưng bày có một phần đáng kể là bản đồ của VOC.

Trước khi có những bản đồ nói trên của VOC, đa số hải đồ của Hà Lan về vùng biển châu Á phần lớn dựa trên nguồn bản đồ trước đó của Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Việc thành lập VOC vào 1602 đã phá bỏ thế độc quyền thương mại của Bồ Đào Nha ở khu vực Đông Nam Á. Khi đó, những con tàu VOC được trang bị một loạt hải đồ tiêu chuẩn để dẫn đường còn người làm công việc lập hải đồ chính thức của công ty phải thề giữ bí mật. "Tất cả các bản đồ đều được vẽ tay, việc xuất bản thông tin địa lý của các khu vực buôn bán bị nghiêm cấm", ông Lâm cho biết.

Trong số các bản đồ VOC, bản đồ Linschoten (nằm trong nhật ký của nhà du hành - thương gia Jan Huygen van Linschoten) là một trong những bản đồ đầu tiên của Hà Lan mô tả bờ biển Việt Nam. Đây là một hải đồ miêu tả Đông Á và Đông Nam Á. Tên các vùng của Việt Nam (Cauchinchina và Champa) không được ghi trực tiếp trên bản đồ nhưng ghi trong tiêu đề. Bản đồ cũng có tên một số sông, đảo như Mecon (Mê Kông), đảo Pulo Cecir (Phú Quý) và Pulo Condor (Côn Đảo) dọc theo bờ biển Việt Nam. Một số thành phố cũng được ghi tên như Coaynam (Hội An), Auarella (Đại Lãnh), Champaa (Nha Trang) và Calamea (Cam Ranh).

Đặc biệt, theo ông Trúc Lâm, trong bản đồ Linschoten, khu vực Biển Đông với quần đảo Hoàng Sa được vẽ khá chính xác, các khu vực xa hơn về phía bắc và phía nam (Hàn Quốc, Nhật Bản, Java) thì kém chính xác hơn.

Trên Hải đồ Biển Đông của Công ty VOC, bên cạnh các tên địa danh như Poefoe' (Phú Xuân) và Faijfol (Hội An) còn có dòng chữ "Alhier is de keyserin ver ongeluckt" có nghĩa là "Ở đây Keyserin đã gặp nạn". Tàu Keyserin được VOC đóng vào năm 1635 và bị chìm ở Vịnh Padaran, hay Mũi Dinh vào ngày 29.10.1637.

Một phần đáng kể nữa trong trưng bày bản đồ rồng là Việt Nam trên những tập bản đồ của Hà Lan thời kỳ đầu. Khảo cứu bản đồ của ông Trúc Lâm cho thấy vào thời kỳ Amsterdam giữ vị trí trung tâm sản xuất bản đồ của châu Âu và thế giới, các tập atlas luôn được những nhà vẽ bản đồ nổi tiếng như Joan Blaeu thể hiện. Khi ấy, phần dành cho châu Á trong các tập atlas vẫn rất hạn chế. Không tìm thấy bản đồ riêng về Việt Nam nào trong các tập bản đồ của Hà Lan thế kỷ 17 và 18. Điều này được cho là liên quan đến chính sách giữ bí mật của VOC. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn xuất hiện trong những tập atlas, được thể hiện là một trong những hòn đảo ở Đông Nam Á (Insulae Indiae Orientalis) hay một trong những hòn đảo thuộc Ấn Độ và lục địa Đông Nam Á (India Orientalis). Chỉ có một vài địa danh dọc bờ biển Việt Nam được ghi trên bản đồ, chẳng hạn Cochinchina (Nam Kỳ).

Người Hà Lan cũng dùng bản đồ làm hình minh họa sách, trong đó có sách du ký. Ông Trúc Lâm cho biết trong thế kỷ 17 và 18, ghi chép về các cuộc hành trình tới các vùng đất khác thường xuyên được xuất bản. Những cuốn du ký này thường kể về các chuyến đi sang châu Mỹ, châu Phi và châu Á. "Bằng cách này, công chúng châu Âu đã có thể tìm hiểu về các quốc gia xa xôi: một dạng du khách ngồi ghế bành đã ra đời!", ông Lâm cho biết. Bên cạnh đó, những tác phẩm du ký cũng thường được dịch từ ngôn ngữ các nước châu Âu này sang ngôn ngữ khác. Có những bản khắc còn sử dụng cùng lúc cả tiếng Hà Lan lẫn Pháp.

Trưng bày Vẽ bản đồ Rồng: Việt Nam trong mắt các nhà làm bản đồ Hà Lan còn có bản đồ đặt tên là Đại sứ Macartney. Nó thể hiện hướng đi của tàu Jackall, một tàu của Đại sứ Macartney dẫn đầu phái đoàn ngoại giao và thương mại của Anh đến Trung Quốc thời vua Càn Long. Bản đồ này được đưa vào bản dịch tiếng Hà Lan của cuốn sách Hành trình thực tế của Đại sứ do Nhà vua Anh cử đến Hoàng đế Trung Hoa (1797). Trên bản đồ cho thấy bờ biển Việt Nam khu vực gần Đà Nẵng (có tên Baai van Turon trên bản đồ), bán đảo Sơn Trà (Tien-Tcha), Hội An (Fai-Foi) và Quần đảo Chàm (Kallao hoặc Cù Lao Chàm).

Việt Nam cũng xuất hiện trong bản đồ sử dụng trong trường học thế kỷ 19 tại Hà Lan, tuy rất ít. Các tập bản đồ này được sản xuất cho mục đích giáo dục tại chính các thuộc địa của Hà Lan thời đó với nội dung tập trung nhiều hơn vào châu Á, đặc biệt là các quốc gia gần Indonesia. Trong số này, ở phần bản đồ châu Á của các giáo viên ở Groningen soạn, Việt Nam được đánh dấu bằng màu vàng và được đặt tên là "Anam". Ngoài ra, khu vực Bắc Kỳ với thành phố Hà Nội (Kesjo) và Huế cũng được nêu tên.

Người Hà Lan vẽ bản đồ Rồng Việt Nam- Ảnh 3.

Ban tổ chức cuộc trưng bày Vẽ bản đồ Rồng: Việt Nam trong mắt các nhà làm bản đồ Hà Lan, với các nhà ngoại giao và giáo dục Việt Nam - Hà Lan

Ban tổ chức

Người Hà Lan vẽ bản đồ Rồng Việt Nam- Ảnh 4.

Trong tập atlas nhỏ, Việt Nam được thể hiện là một trong những hòn đảo ở Đông Nam Á (Insulae Indiae Orientalis)

Ban tổ chức

Nghiên cứu cho tương lai

Theo nhà nghiên cứu Ngô Thụy Trúc Lâm, các lớp bản đồ đã cho thấy lát cắt và sự thay đổi cái nhìn về Việt Nam qua các thời kỳ. Những kiến thức đầu tiên về Việt Nam của Hà Lan được xây dựng từ khi VOC sang Đông Nam Á, Nhật Bản, Đài Loan. "Họ càng đi càng phát hiện ra vùng đất mới rồi đưa những kiến thức đấy tổng hợp vào bản đồ. Nếu như có bản đồ không phân biệt rõ ràng về biên giới, chưa phân biệt rõ Trung Quốc với Việt Nam, nhưng sau đó họ đi sâu hơn thì khác. Họ phát hiện thêm về Phú Xuân, Hội An…", ông Lâm nói.

GS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), cho biết trong thời kỳ nghiên cứu tại Hà Lan, ông đã đọc và học được rất nhiều từ các du hành ký, nhật ký buôn bán, thư từ của VOC. Trong số đó, bản đồ là một tư liệu đặc biệt. "Sau khi thiết lập quan hệ thương mại, họ mô tả kỹ, vẽ chi tiết để phục vụ luồng tuyến đi lại, các cửa sông. Vẽ một hòn đảo, họ mô tả cả bên trái bên phải luồng lạch thế nào. Khoa học bản đồ của Hà Lan nổi tiếng thế giới từ thế kỷ 16. Giờ đây nhìn lại, mặc dù chỉ quan sát bằng la bàn, họ có thể vẽ những cửa sông luồng lạch mà giờ áp vào thì rất chính xác", GS Hoàng Anh Tuấn nói.

Việc nghiên cứu bản đồ, kết hợp với các hải trình của VOC cũng có thể mang đến thông tin phục vụ nghiên cứu văn hóa lịch sử, áp dụng trong văn hóa du lịch. Chẳng hạn, từ những hiểu biết về Hội An, về việc buôn bán thời Nguyễn, những xác tàu đắm, các hiện vật khảo cổ học dưới nước ở Cù Lao Chàm, có thể tiến tới xây dựng những câu chuyện về vùng đất. "Hội An là Faifo chẳng hạn, tên gọi khác đi nhưng nói lên đây là khu vực kinh tế - chính trị - thương mại quan trọng trong thế kỷ 17 của Việt Nam, Campuchia", ông Trúc Lâm nói.

Một nghiên cứu của GS Hoàng Anh Tuấn từ bản đồ và tư liệu của VOC cũng cho thấy phần nào hình dáng thương cảng Hội An trong quá khứ. Theo đó, thương mại Hà Lan ở phương Đông thành công nhờ vào đặc quyền mậu dịch với Nhật Bản từ năm 1640. Quá trình mở rộng hoạt động của VOC đòi hỏi tăng vốn kinh doanh lớn. Giải pháp tối ưu cho vấn đề này lúc đó là thúc đẩy mậu dịch với Nhật Bản nhằm thu được lượng bạc lớn. Tuy nhiên để mua được bạc Nhật Bản, thương nhân Hà Lan cần tơ lụa. Do không thiết lập được ban hệ buôn bán với Trung Quốc lục địa, người Hà Lan phải giao dịch gián tiếp thông qua những thương cảng trung gian, trong đó có Hội An.

GS Nguyễn Hồng Thao, chuyên gia luật Quốc tế và luật Biển, đánh giá: "Giá trị lớn nhất của triển lãm là đưa chúng ta quay trở lại thế kỷ 17, khi Công ty Đông Ấn Hà Lan đến đây khảo sát, thám hiểm. Họ mang lại cho chúng ta những nhận thức địa lý, lịch sử về sự tồn tại của hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cũng như các thực thể ở Biển Đông, và mối quan hệ giữa việc khẳng định chủ quyền với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cũng như các thực thể đó". Cũng theo GS Thao, những bản đồ nói trên là phương tiện bổ trợ cho chúng ta trong công tác nghiên cứu biên giới, hải đảo.

Về chữ "bản đồ Rồng" trong tên triển lãm, GS Thao cho rằng các nhà tổ chức muốn đưa ra và khẳng định vai trò của con rồng Việt Nam đang bay lên. Trong khi đó, ông Ngô Thụy Trúc Lâm chia sẻ: "Rồng là tiêu biểu cho Việt Nam, cũng như ta thường nói sư tử tiêu biểu cho Hà Lan. Tôi đã có sách viết về lịch sử rồng và sư tử. Vì thế tôi đặt tên "bản đồ rồng" để thấy sâu rộng hơn về triển lãm bản đồ hôm nay".

Về phần mình, GS Hoàng Anh Tuấn chia sẻ mong muốn tương lai sẽ có ngành học nghiên cứu bản đồ, để các bản đồ có vẽ Việt Nam sẽ được khai thác tốt hơn. "Trong khoa học cơ bản, khoa học xã hội thì vấn đề tư liệu và bản đồ cần phải được đặt ra như những vấn đề tuy nhỏ nhưng ý nghĩa rất lớn. Chúng ta đã có nghiên cứu về tư liệu, lưu trữ và giờ cần thúc đẩy bản đồ học. Chúng tôi cũng mong sẽ có các hợp tác để thúc đẩy nghiên cứu bản đồ cổ, một lĩnh vực rất cổ nhưng lại có đóng góp rất lớn cho tương lai của Việt Nam", GS Tuấn chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.