Người Hà Nội hối hả chạy lũ lịch sử

11/09/2024 06:15 GMT+7

Chiều 10.9, Sở GTVT TP.Hà Nội ban hành quyết định cấm các phương tiện lưu thông trên cầu Long Biên gồm cả xe đạp, xe máy và người đi bộ.

TP ban hành lệnh báo động lũ cấp 1 trên sông Hồng và sông Đuống, cấp 3 trên sông Cà Lồ. Riêng lũ trên sông Hồng đã vượt mức lịch sử năm 1968.

Vượt dòng nước lũ để "cứu" tài sản

Ngay từ sáng sớm, nhiều người dân trong ngõ 76 An Dương (Q.Tây Hồ, Hà Nội) bàng hoàng khi thấy nước lũ ở khu vực sông Hồng dâng lên nhanh, gây ngập lụt tại một số khu vực ven sông, nhất là ngoài đê sông Hồng lớn.

Người Hà Nội hối hả chạy lũ lịch sử- Ảnh 1.

Ông Tạ Thủy Trân đã bơi trong nửa tiếng để mang những vật dụng cần thiết đến nơi an toàn

ẢNH: ĐẬU TIẾN ĐẠT

Chị Nguyễn Thị Thanh Vân cho biết khi nước lũ sông Hồng dâng nhanh, gia đình chị cũng như nhiều người khác sống ở cuối ngõ 76 không kịp trở tay. Hàng ngàn m² diện tích rau quả cùng hàng trăm con gia cầm, vật nuôi khác dần bị dòng nước lũ nhấn chìm, trong sự tiếc nuối và bất lực. "Nước lên nhanh quá, chúng tôi trở tay không kịp. Tài sản mất trắng, hoa màu rồi hàng trăm con gà, tôi mất cả rồi", người phụ nữ đau xót.

Lũ sông Hồng liên tục tăng, rau xanh tại chợ Hà Nội tăng giá ‘chóng mặt'

Có 30 năm gắn bó với vùng bãi sông Hồng để sản xuất nông nghiệp, chị Lê Thị Gấm nói dù đã quen với nước lũ của dòng sông nhưng chưa bao giờ chứng kiến nước dâng cao và nhanh đến thế. Cả ngõ chỉ có một con thuyền làm phương tiện đi lại, nên việc chạy lũ, vận chuyển đồ đạc vào bờ rất khó khăn. "Đò ít, người thì đông, tài sản thì nhiều. Mỗi chuyến chỉ di chuyển được vài người nên rất lâu", chị Gấm chia sẻ.

Do thuyền không đến được nhà, nhiều người chọn cách bơi ra để "cứu" tài sản. Ông Tạ Thủy Trân là một trong số này. Người đàn ông đã bơi trong nửa tiếng, bất chấp mối nguy hiểm rình rập từ con nước đang lên cao, để mang những vật dụng cần thiết từ nhà đến nơi an toàn.

Tối 9.9, khi lũ bắt đầu dâng cao, chính quyền địa phương có lệnh sơ tán. Người dân trong khu vực vội vã, chỉ kịp mang những vật dụng đơn giản đi. Ngày 10.9, họ quay lại để vượt lũ, vào nhà, cố gắng di chuyển hết mức có thể đối với tài sản trong gia đình, "vớt vát được từng nào tốt từng ấy".

Ông Nguyễn Thanh Tịnh, Phó chủ tịch UBND Q.Tây Hồ, cho hay nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân sinh sống dọc tuyến sông Hồng, các lực lượng chức năng quận đã tiến hành rà soát, vận động, di chuyển người và tài sản của các hộ làm nghề thuyền chài lên bờ an toàn.

Khu vực bãi giữa sông Hồng (P.Ngọc Thụy) có 2 tuyến đường ra, vào. Trong đó, một đường là khu vực cầu Long Biên và một đường là cuối ngõ 76 An Dương thuộc địa bàn P.Yên Phụ. Hiện tuyến đường vào khu vực bãi giữa cầu Long Biên đã bị ngập sâu, không đảm bảo việc đi lại của người dân. Q.Tây Hồ đã chỉ đạo các lực lượng tham gia hỗ trợ đưa người dân và tài sản ra khỏi bãi sông Hồng, nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại do bão lũ gây ra.

Hà Nội lên tiếng về tin đồn 'Vỡ đê ở Sóc Sơn'

Dân ở "rốn lũ" bơi xuồng vào nhà

H.Chương Mỹ được coi là "rốn lũ" của Hà Nội, thường xuyên là nơi ngập lụt đầu tiên mỗi khi có mưa bão. Sáng cùng ngày, UBND H.Chương Mỹ cho biết mực nước sông Bùi đang trên báo động 3, nước lũ đã tràn đê Bùi 2 và đê hữu Bùi tại vị trí có cao trình thấp khoảng 10 - 40 cm.

Người Hà Nội hối hả chạy lũ lịch sử- Ảnh 2.

Người dân ở “rốn lũ” Chương Mỹ phải bơi xuồng vào nhà

ẢNH: ĐẬU TIẾN ĐẠT

Ghi nhận của Thanh Niên, nhiều khu vực tại xã Nam Phương Tiến và Hoàng Văn Thụ ngập sâu. Dòng nước xiết sau khi vượt qua đê Bùi dần nhấn chìm đồng ruộng, đường giao thông và một số căn nhà. Tại khu vực nhà văn hóa thôn Nhân Lý cũ (thuộc xã Nam Phương Tiến), một nhóm hộ dân đang hối hả chở từng bao phân bón cất ở chỗ cao, tránh ngập nước. Cạnh đó, một lán tạm với diện tích lớn được dựng lên, làm chỗ ở cho hàng trăm con gà, vịt. Bên trong nhà văn hóa cũng ngổn ngang các vật dụng gia đình của người dân trong thôn.

Tình trạng ngập diễn ra sớm và nặng nhất với những nhà dân ở ven sông Bùi. Do nền đất thấp, nước ngập đến rốn người lớn, tràn vào nhà. Bởi vậy, ngoài việc chủ động đưa tài sản lên vị trí cao, nhiều hộ còn chủ động trang bị một chiếc xuồng phục vụ việc đi lại.

Một người dân địa phương là anh Nguyễn Trung Kiên khẩn trương mang mớ lưới ra chắn ao cá, mong sao cho kịp kẻo nước tràn vào cá sẽ trôi đi hết. Người đàn ông kể đây là lần thứ hai trong năm nay xã Nam Phương Tiến đứng trước nguy cơ bị cô lập vì nước lũ. Cách đây hơn tháng, nước lũ tràn về, gà vịt gần như chết sạch. Người dân chưa khắc phục thì nay nước lũ lại ập về. "Lần trước phải mất gần 20 ngày nước lũ mới rút, lần này ngập sâu hơn nên có thể mất cả tháng trời. Một năm 2 lần, như thế này thì còn làm ăn gì được nữa", anh Kiên chia sẻ.

Mùa ngập trước, với diện tích nuôi cá khoảng 10 ha, ông Nguyễn Tiến Lực bị thiệt hại khoảng 300 triệu đồng. Rút kinh nghiệm lần này, gia đình ông chuẩn bị ứng phó từ sớm, gồm căng lưới để ngăn cá thoát ra ngoài, đồng thời vận chuyển tài sản, đồ đạc lên khu vực cao hơn.

Hướng về miền Bắc: Lời kêu gọi chung tay ủng hộ đồng bào sau bão số 3

Vỡ bờ bao ở Sóc Sơn

Tính đến 17 giờ chiều 10.9, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết lũ trên sông Hồng tại trạm Hà Nội đang ở mức 10,1 m, dưới báo động 2 là 0,4 m và đang có xu thế lên nhanh. Dự báo trong 12 - 24 giờ tiếp theo, lũ trên sông Hồng tại Lào Cai, Yên Bái tiếp tục xuống. Lũ trên sông Hồng tại Hà Nội sẽ lên chậm và ở dưới mức báo động 2.

Tại H.Sóc Sơn, khoảng 13 giờ 30 cùng ngày xảy ra sự cố tràn, sạt lở, vỡ bờ bao Đầm Khoai, xóm Cầu Lai, thôn Lai Sơn, xã Bắc Sơn. Bề rộng điểm vỡ khoảng 5 - 6 m. Nước trong suối Cầu Lai tràn vào gây úng ngập khoảng 12 ha (trong đó có 10 ha lúa và 2 ha hoa màu). Nguyên nhân sơ bộ, do mực nước sông Công dâng rất cao, chênh mực nước lớn dẫn đến chảy tràn qua suối Cầu Lai gây tràn bờ bao, sạt lở và vỡ bờ bao.

Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn H.Sóc Sơn đã chỉ đạo huy động lực lượng tại chỗ xử lý giờ đầu, khoanh vùng ngập xử lý, ngăn chặn sự cố. Đồng thời, thực hiện biện pháp cấp bách gia cố, đắp ngăn chặn bờ bao để dùng máy bơm tiêu úng. Bộ đội thuộc Trung đoàn 209, Sư đoàn 312 cũng đã được huy động hỗ trợ giúp người dân tập trung thu hoạch, ứng phó sự cố kịp thời, đảm bảo an toàn.

Tại Q.Hai Bà Trưng, địa bàn có hơn 4.000 dân sống ngoài khu vực đê phía bờ sông Hồng, đã thành lập Sở chỉ huy tiền phương đặt tại trụ sở UBND P.Bạch Đằng; đồng thời bảo đảm sẵn sàng kích hoạt các kịch bản ứng phó với mưa lũ khi nước sông Hồng tiếp tục dâng cao những ngày tới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.