Người Hà Nội 'than trời' vì ô nhiễm không khí

13/12/2023 08:00 GMT+7

Tình trạng ô nhiễm không khí ở thủ đô Hà Nội ngày càng trở nên nghiêm trọng khiến nhiều người dân cảm thấy lo lắng mỗi khi phải đi ra đường.

Ngạt mũi, khó thở vì ô nhiễm

Từ đầu tháng 11 đến nay, nhiều khu vực ở Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc thường xuyên "chìm" trong bầu không khí trắng đục mịt mù của sương và khói bụi.

Người Hà Nội “than trời” vì ô nhiễm không khí - Ảnh 1.

Chuyên gia cảnh báo người dân không nên ra đường quá sớm vào buổi sáng trong những thời điểm Hà Nội ô nhiễm không khí

ĐÌNH HUY

Theo thống kê của IQAir (ứng dụng theo dõi chất lượng không khí trên toàn thế giới - PV), trong 40 ngày gần đây, về chất lượng không khí, thủ đô chỉ có 1 ngày an toàn (ngày 13.11); còn lại 17 ngày ở mức trung bình, kém; 22 ngày ở mức xấu, rất xấu, có hại cho sức khỏe của mọi người. Cá biệt, có những ngày tình trạng ô nhiễm không khí được xếp số 1 thế giới.

Tình trạng này khiến số người mắc bệnh về đường hô hấp, mũi họng gia tăng, thậm chí có người còn bị khó thở, đau đầu khi ra đường. Anh Nguyễn Văn Định (trú Q.Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, sống trong bầu không khí ô nhiễm nặng, anh thường xuyên cảm thấy ngạt mũi, khó thở nên gần 1 tháng nay, không dám ra đường tập thể dục vào sáng sớm.

Sương mù hòa cùng không khí bụi Người Hà Nội lo 'ra đường là ốm'

Theo chị Nguyễn Quỳnh Tâm (trú Q.Hà Đông, Hà Nội), thời gian gần đây, mỗi khi đi làm vào buổi sáng, chị thấy trời mù mịt. "Lúc đầu, tôi nghĩ chỉ là sương mù hay do thời tiết buổi sáng mùa đông nên như vậy, nhưng khi đọc báo tôi mới biết là ô nhiễm không khí. Hiện tượng này kéo dài rất nhiều ngày. Cảm thấy rất lo lắng, mỗi khi ra đường, tôi chỉ biết đeo khẩu trang để giữ an toàn cho bản thân", chị Tâm nói.

Trong khi đó, anh Trung Nguyên (trú Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ, khoảng nửa tháng nay, tình trạng ô nhiễm không khí liên tục được truyền thông cảnh báo, gia đình anh cũng bị ảnh hưởng khi 2 con nhỏ bị viêm mũi và lan xuống họng. 

"Ban đầu, tôi tưởng các cháu chỉ bị ốm thông thường nhưng khi hỏi những người hàng xóm, tôi thấy khoảng 70% các gia đình có con nhỏ đều bị viêm đường hô hấp như con tôi", anh Nguyên nói, và cho hay, mỗi khi ra đường đều trang bị cho con khẩu trang nhưng có thể do môi trường ô nhiễm cộng với thời tiết thất thường nên các con bị ốm.

Không chỉ có trẻ nhỏ, gia đình anh Nguyên còn có bố mẹ đã trên 70 tuổi. Nửa tháng nay, mỗi khi ra đường tập thể dục về, bố mẹ anh đều than rất khó chịu, ngột ngạt. "Tôi đã khuyên bố mẹ không nên ra đường trong thời điểm này, nhưng các cụ bảo nếu không tập thể dục thì không chịu được. Các bác sĩ cũng khuyên tôi vào cuối tuần nên đưa gia đình ra ngoại thành. Khi ra đó, tôi thấy không khí tốt hơn nhiều so với nội đô", anh Nguyên nói thêm.

Nếu tình trạng này kéo dài trong khi Hà Nội chưa có những biện pháp khắc phục hiệu quả, theo anh Nguyên sẽ rất nguy hiểm cho mỗi người dân. "Hai ngày nghỉ cuối tuần, các phụ huynh nên đưa con đi chơi ở ngoại thành để hít thở không khí trong lành hơn", anh Nguyên gợi ý.

Khi ra đường phải sử dụng khẩu trang y tế để ngăn khí độc

Trao đổi với Thanh Niên, TS Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT), cho biết Hà Nội và các tỉnh miền Bắc đang bước vào mùa ô nhiễm không khí.

Tình trạng ô nhiễm không khí liên quan mật thiết đến thời tiết. Mùa hè, khi mưa nhiều, nhiệt độ cao, gió mạnh, các nguồn khí thải ô nhiễm được phát tán khiến nồng độ bụi không khí ở mức thấp. Mùa đông thì ngược lại, gió lặng, trời ít mưa nên sương mù xuất hiện, không khí ô nhiễm nặng do khói bụi, khí thải không thể bay đi.

Hà Nội ô nhiễm không khí nặng: Người dân ra đường tưởng ‘đi trong sương mù'

"Các nguồn khí thải do xe cộ, nhà máy, các cơ sở sản xuất tại thủ đô vẫn không giảm và chưa có biện pháp hạn chế, kiểm soát nên ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng", ông Tùng nói, và cho hay, ô nhiễm không khí ở Hà Nội giảm khi có mưa, bão, gió mạnh. Ngoài ra, nếu gió mùa đông bắc tràn về cũng sẽ thổi bụi đi.

Trước tình trạng ô nhiễm không khí, mới đây, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ TN-MT) đã có văn bản đề nghị các sở TN-MT tập trung nguồn lực triển khai các giải pháp kiểm soát ô nhiễm không khí trên địa bàn. 

Bên cạnh đó, tăng cường tần suất quan trắc môi trường không khí trong chương trình quan trắc định kỳ; vận hành các trạm quan trắc môi trường không khí tự động, liên tục đảm bảo số liệu truyền về Bộ TN-MT để các cơ quan chuyên môn, cơ quan thông tấn tiếp cận và đưa tin; khuyến cáo người dân bảo vệ sức khỏe, đặc biệt với người hoạt động ngoài trời lúc sáng sớm và chiều tối.

Các sở TN-MT cũng được yêu cầu tổ chức kiểm tra, giám sát các nguồn thải khí thải (đặc biệt là từ các điểm đốt rác thải, rơm rạ, công trình xây dựng, các cơ sở sản xuất công nghiệp); yêu cầu các cơ sở sản xuất kiểm soát khí thải, thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 03 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí...

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết (Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia), phân tích dưới những làn sương mù ở thủ đô có khả năng lưu lại khói, bụi, các chất độc hại trong không khí nên khi người dân hít phải sẽ khiến cơ thể dễ mắc các bệnh nguy hiểm đến đường hô hấp, xương, khớp.

"Chúng ta phải có biện pháp phòng tránh kịp thời trong những ngày Hà Nội xuất hiện tình trạng này. Đặc biệt, người dân không nên ra đường quá sớm vào buổi sáng, khi ra đường phải sử dụng khẩu trang y tế để ngăn chặn khí độc trong sương", ông Hưởng khuyến cáo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.