Người Hàn Quốc ở Việt Nam - Bài cuối: Nhọc nhằn hội nhập

20/08/2009 23:27 GMT+7

Mở nhà hàng, quán ăn, cửa hàng thực phẩm, siêu thị mi-ni... phần lớn người Hàn Quốc (HQ) phải nhờ người Việt Nam (VN) đứng tên. Muốn mua nhà để sinh sống lâu dài cũng gặp rất gặp nhiều rào cản.

Phải kinh doanh “chui”!

Mặc dù bỏ gần 70.000 USD đầu tư mở nhà hàng hải sản theo kiểu Nhật Bản, nhưng ông Kim Seang Deok (Q.Tân Bình) phải nhờ một cô bạn VN ở Q.1 đứng tên giấy phép kinh doanh. Khổ nỗi, công việc kinh doanh riêng của cô bạn gái này đang vướng mắc với cơ quan thuế nên không thể mua được hóa đơn GTGT để phục vụ khách hàng của ông Kim. Không còn cách nào khác, ông Kim phải chạy đôn chạy đáo nhờ người Việt khác đứng tên để có thể tiếp tục kinh doanh. “Cái khó là hiện nay, chính quyền chưa cho chúng tôi đứng tên giấy phép kinh doanh. Chính vì thế, nên không dám đầu tư nhiều vào nhà hàng, khách sạn...” - ông Kim tâm sự.

 Đó là tình cảnh của hầu hết các hộ kinh doanh hiện nay trong cộng đồng người Hàn tại Việt Nam. Ông Joen Soon Sung thuê mặt bằng khoảng 1.000m2 tại Củ Chi để mở nhà hàng, cùng với một quán cà phê trên đường Hậu Giang cũng phải nhờ cô bạn gái đứng tên giấy phép kinh doanh. “Bất tiện vô kể, do người khác đứng tên kinh doanh nên cái gì cũng phải “lụy”. Vui thì không nói gì, buồn thì người ta ôm giấy tờ bỏ đi, lúc đó chẳng biết ở đâu mà tìm” - ông Joen nói.

Đầu năm 2008, ông Choi Kyu Man cũng đến VN đầu tư trong ngành may mặc, khi đi làm thủ tục xin phép đầu tư thấy quá nhiêu khê nên ông đánh liều nhờ 2 cô gái VN đứng giấy phép là giám đốc công ty may mặc ở H.Củ Chi. Tuy nhiên, chỉ trong một thời gian ngắn xảy ra nhiều chuyện rắc rối. “Trong lúc đời sống của công nhân còn khó khăn, thì cô giám đốc đưa ra nhiều yêu cầu quá lớn như yêu sách lương cao, cộng với nhiều khoản chi phí quản lý... lên đến 3.000 - 4.000 USD/tháng. Công ty chỉ tồn tại trong 6 tháng, nhưng mâu thuẫn xảy ra càng gay gắt nên buộc chúng tôi phải tuyên bố phá sản” - ông Choi tâm sự. Bỏ khoảng 100.000 USD để đầu tư, ông Choi quyết định “bán” công ty cho người khác với giá 25.000 USD. “Chúng tôi là những doanh nhân bỏ vốn đầu tư mở nhà máy, xí nghiệp... Nhưng cuối cùng lại trở thành những người đầu tư bất hợp pháp. Trăm nỗi băn khoăn, ngàn nỗi lo. Băn khoăn về mặt pháp lý, lo sợ về tài sản của mình để người khác đứng tên. Nhiều người HQ mất trắng nhà máy, khách sạn, nhà hàng... mà chẳng biết kêu cứu ở đâu được” - ông Choi nói.

Về phía người VN khi đứng tên giúp cho người HQ nhiều khi cũng lâm vào cảnh “dở khóc dở cười”. Bà Nguyễn Thị H. (Q.Tân Bình) trước đây làm phiên dịch của một công ty của HQ tại TP.HCM chuyên kinh doanh trang thiết bị vận tải đã qua sử dụng. Cuối năm 2007, “sếp” chị H. liên kết với một công ty ở HQ thành lập Công ty H.T, để nhập xe ô-tô đã qua sử dụng đưa về VN bán. Chị H. cho biết: “Do pháp luật chưa cho phép người nước ngoài đứng tên kinh doanh trong lĩnh vực thương mại nên họ nhờ tôi đứng đại diện pháp luật. Tất cả những khoản lợi nhuận, “sếp” tôi cùng với công ty ở HQ thỏa thuận dùng thực hiện một dự án xây dựng dưới danh nghĩa của Công ty H.T. Nhưng chỉ trong thời gian ngắn, dự án bất động sản bị lỗ nặng. Lúc này, phía công ty ở HQ đòi “sếp” tôi thanh toán lại số tiền xe đã nhập về, nếu không sẽ khởi kiện ra tòa”. Mấy hôm nay, chị H. phải đi tư vấn tại một số văn phòng luật sư vì khả năng phía công ty HQ khởi kiện ra tòa án để giải quyết nợ nần là rất cao. Chị H. rối tung: “Tôi phải làm gì với số tiền hàng chục tỉ đồng mà phía đối tác HQ đòi Công ty H.T phải thanh toán, trong khi tôi đang là đại diện pháp luật của doanh nghiệp này và hoàn toàn không có khả năng trả nợ”.

Mua nhà gặp nhiều rào cản

Mở siêu thị mini hoặc cửa hàng kinh doanh thực phẩm, người HQ phải nhờ người VN đứng tên giấy phép kinh doanh - ảnh: H.Tuấn

Ông Chang Chan Soo, Giám đốc Công ty TNHH kiểm toán Immanuel ở quận 7 cho biết, hiện đang thuê mặt bằng làm văn phòng khoảng 130m2 ở tầng 4, khu Phú Mỹ Hưng với giá cao gấp nhiều lần ở HQ. “Chúng tôi cũng đã nghĩ đến việc mua nhà để mở rộng trụ sở, nhưng khi nghiên cứu vấn đề pháp lý thì cảm thấy bất ổn, mặc dù chính phủ đã có nhiều thay đổi so với trước đây” - ông Chang tâm sự.

Theo phân tích của ông Chang, từ ngày 1.1.2009 việc cho người nước ngoài mua nhà là một tín hiệu vui đối với thương nhân HQ đến VN làm ăn và sinh sống. Thế nhưng, giá căn hộ cao cấp gần trung tâm thành phố giá cũng phải từ 100.000 USD đến 500.000 USD, thậm chí gần cả triệu USD. “Giá cao, nhưng chỉ cho phép sở hữu 50 năm là điều bất hợp lý, trong khi đó ở HQ là vĩnh viễn. Đây là một vấn đề cũng khá bất lợi về tâm lý của người muốn mua nhà. Đó là chưa kể các ngân hàng vẫn chưa có những chính sách cho vay đối với người nước ngoài muốn mua nhà ở VN”, ông Chang nói.

Phóng viên báo Kiều dân Hàn Quốc, chị Huỳnh Hoa Thủy Tiên kể: “Mới đây tôi có dẫn một người HQ đến mua một căn hộ chung cư trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (Bình Thạnh). Sau khi nhận được giấy tờ căn nhà, ông này khá bất ngờ với thời gian sở hữu ghi nhận chỉ có 50 năm. Sau khi đắn đo suy nghĩ, ông ta quyết định bán ngay lại căn hộ cho người khác”.  

Ngoài khó khăn trong vấn đề mua nhà ở, ông Park See Doek, giám đốc một công ty sản xuất và gia công màn phim ở Đồng Nai còn cho biết, hiện nay người HQ làm ăn tại VN phải chịu thuế thu nhập cá nhân đến 20%, trong khi đó ở HQ mức thuế chỉ khoảng 4%. “Do công ty phải thuê chuyên gia về kỹ  thuật từ nước ngoài. Họ đến VN còn mang theo cả vợ, con nên gặp nhiều khó khăn trong việc phải chi trả tiền thuê nhà, điện, nước, tiền ăn, sinh hoạt phí, người giúp việc... kể cả chi phí gia hạn visa lưu trú. Nếu đánh thuế thu nhập quá cao, sau khi trừ hết chi phí số tiền còn lại chỉ vừa đủ trang trải cuộc sống, chứ không dư dả được bao nhiêu. Mong sao chính sách của Nhà nước VN “mở” hơn đối với cộng đồng người HQ...” - ông Park đề xuất.

Hoàng Tuấn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.