Người ho, sốt không tham gia chế biến, cung cấp thực phẩm

26/01/2022 04:06 GMT+7

Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng chỉ chọn mua thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, kiểm tra kỹ nhãn mác, tuyệt đối không sử dụng thực phẩm ôi thiu, hỏng mốc.

Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế, dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm tăng cao, để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, Bộ Y tế đề nghị các cơ quan quản lý cần tăng cường thanh kiểm tra chống sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng. Đặc biệt, cần bảo đảm ATTP phòng chống dịch bệnh Covid-19, tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP trong tình hình mới.

Với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, ông Nguyễn Thanh Phong yêu cầu tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về ATTP, tuyệt đối không sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, không rõ nguồn gốc, không an toàn, không quảng cáo sai về bản chất, tác dụng của sản phẩm thực phẩm.

Đeo khẩu trang và tuân thủ các quy định của cơ quan y tế để đảm bảo an toàn thực phẩm và phòng lây nhiễm Covid-19

M.Hiệp

Ông Phong lưu ý dịp tết ngay tại gia đình, không nên mua nhiều, tích trữ thực phẩm, vì hệ thống phân phối thực phẩm hiện đã cung cấp sát ngày nghỉ tết và mở lại sớm. Đặc biệt, người dân sử dụng rượu bia có kiểm soát vì việc lạm dụng đồ uống có cồn dễ gây ngộ độc cũng như những hậu quả khác cho sức khỏe.

Theo Cục ATTP, hoạt động sản xuất, kinh doanh đang hoạt động trở lại, vắc xin Covid-19 đã được tiêm bao phủ rộng nhưng mỗi người tuyệt đối không được lơ là, chủ quan. Trong đó, các cơ sở dịch vụ ăn uống cần chú ý thực hiện để phòng chống sự lây lan của dịch Covid-19, như: người chế biến thức ăn, phục vụ ăn uống phải đeo khẩu trang khi chế biến, tiếp xúc trực tiếp với thức ăn; giữ khoảng cách tiếp xúc giữa nhân viên chế biến, phục vụ và người sử dụng thực phẩm theo hướng dẫn của Bộ Y tế; những người có ít nhất một trong các triệu chứng ho, sốt, khó thở không được làm việc tại cơ sở. Khu vực chế biến thức ăn phải có nơi rửa tay, đủ nước sạch và xà phòng để rửa tay và có thể trang bị thêm dung dịch khử khuẩn bàn tay cho người sơ chế, chế biến thực phẩm.

Khu vực ăn uống phải có nơi rửa tay, có đủ nước sạch và xà phòng để rửa tay sạch và có thể trang bị thêm dung dịch khử khuẩn bàn tay; đảm bảo sạch sẽ, thoáng mát, đủ bàn ghế và bố trí khoảng cách giữa những người ăn uống; có đủ dụng cụ ăn uống bảo đảm riêng biệt cho từng người ăn uống và được vệ sinh sạch sẽ, khử khuẩn trước và sau khi sử dụng… Tăng cường thông khí tại các phòng và các khu vực của khu dịch vụ bằng cách mở cửa ra vào và cửa sổ, sử dụng quạt, hạn chế sử dụng điều hòa.

Những ai phải cách ly phòng Covid-19 khi về quê đón tết?

Đáng chú ý, Bộ Y tế cũng khuyến cáo các yêu cầu cần tuân thủ để ngừa lây nhiễm Covid-19 tại các trung tâm thương mại, siêu thị. Theo đó, các cá nhân không đến khu dịch vụ nếu có một trong các biểu hiện như: mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở hoặc đang trong thời gian cách ly tại nhà.

Luôn thực hiện thông điệp 5K, trong đó lưu ý đeo khẩu trang đúng cách và thải bỏ khẩu trang sau khi sử dụng vào thùng rác đúng nơi quy định; giữ khoảng cách an toàn ở nơi công cộng; thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch hoặc sát khuẩn bằng dung dịch sát khuẩn…

Bộ Y tế lưu ý, cần thông báo ngay cho cán bộ phụ trách phòng, chống dịch tại khu dịch vụ nếu phát hiện bản thân hoặc người lao động/làm việc, người bán hàng, khách hàng có một trong các biểu hiện như: mệt mỏi, khó thở, sốt… Đồng thời, người lao động/làm việc, người bán hàng tại các điểm phân phối, cung cấp thực phẩm phải được tiêm đủ liều vắc xin Covid-19, ký cam kết thực hiện công tác về phòng, chống dịch bệnh Covid-19; thường xuyên tự đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.