Theo Nikkei, quyết định được công bố gần đây của Majelis Ulama Indonesia (MUI), còn gọi là Hội đồng Ulema Indonesia, đã gây ra nhiều phản ứng trái chiều ở một quốc gia nơi giao dịch tiền điện tử bắt đầu tăng cao, cùng với sự bùng nổ đầu tư rộng lớn hơn diễn ra trong dịch Covid-19.
Động thái của MUI xuất hiện giữa lúc Indonesia đang bùng nổ giao dịch tiền điện tử |
Reuters |
Asrorun Niam, thư ký của Ủy ban MUI chịu trách nhiệm ban hành các sắc lệnh tôn giáo, cho biết tiền điện tử rất phức tạp, không được phép sử dụng theo luật Hồi giáo vì có yếu tố không chắc chắn và tiềm năng mất mát với các tài sản được hỗ trợ bởi blockchain. Ông Niam nói thêm rằng quyết định này cũng phù hợp với luật pháp Indonesia, vốn coi đồng Rupiah là tiền tệ hợp pháp duy nhất. Người Hồi giáo có thể giao dịch tiền điện tử như hàng hóa, nếu chúng thể hiện lợi ích và tuân thủ luật Sharia của giáo lý Hồi giáo. Các tài sản khác được phép sử dụng bao gồm vàng và bạc.
Động thái của MUI xuất hiện giữa lúc Indonesia đang bùng nổ giao dịch tiền điện tử. Theo một quan chức Bộ Thương mại Indonesia, tính đến tháng 10.2021, nước này có khoảng 9,73 triệu nhà giao dịch. Giá trị giao dịch đạt 717.500 tỉ Rupiah, tăng đáng kể so với 65.000 tỉ Rupiah của cả năm ngoái. Hội đồng MUI có thẩm quyền quyết định những gì được phép theo luật Hồi giáo. Mặc dù không có ràng buộc về mặt pháp lý, nhưng lệnh của MUI có ý nghĩa rộng lớn ở một quốc gia gần 90% là người Hồi giáo.
Ấn lệnh (fatwa) của MUI đi ngược lại với sự hỗ trợ của chính phủ Indonesia đối với công nghệ tiền điện tử. Chính phủ nước này đang có kế hoạch mở một sàn giao dịch tiền điện tử, trong khi đó Ngân hàng Indonesia đang cân nhắc xây dựng đồng Rupiah kỹ thuật số sử dụng công nghệ blockchain.
“Nếu Ngân hàng Indonesia muốn phát hành tiền kỹ thuật số ngân hàng trung ương bằng cách sử dụng công nghệ blockchain, thì thật không may, nó sẽ bị coi là trái luật (haram) theo fatwa của MUI. Có thể sẽ có một cuộc đối thoại giữa Ngân hàng Indonesia và MUI về điều này khi đến thời điểm”, Oscar Darmawan, người sáng lập sàn giao dịch tiền điện tử Indonesia Indodax, nói.
Ông Darmawan cho biết, hiện các nhà đầu tư tiền điện tử ở Indonesia vẫn chưa thay đổi hoạt động của họ sau fatwa của MUI. “Ở Indonesia, tiền điện tử chỉ được sử dụng như một tài sản hoặc hàng hóa. Do đó, fatwa của MUI không có nhiều tác dụng. Không ai coi nó như một loại tiền tệ. Họ sử dụng tiền điện tử để thu được vốn”.
Một nhà giao dịch tiền điện tử người Hồi giáo nói với Nikkei, anh “không quan tâm lắm đến fatwa”, vì “giao dịch chứng khoán, rất giống với cờ bạc, vẫn được coi là được phép theo luật Hồi giáo. Miễn là các sàn giao dịch còn mở cửa, tôi sẽ còn tiếp tục đầu tư vào tiền điện tử”.
Theo ông Teguh Harmanda, giám đốc hoạt động của sàn giao dịch Tokocrypto, nhiều quy định của Indonesia về tiền điện tử rất nghiêm ngặt, một số phù hợp với luật Hồi giáo. “Nếu chúng ta xem xét quy định mới nhất về tiền điện tử, thì sẽ thấy tất cả các sàn giao dịch cần tuân theo tiêu chuẩn FATF (Lực lượng Đặc nhiệm Hành động Tài chính, một tổ chức liên chính phủ để chống rửa tiền). Theo quy định, danh tính của người mua và người bán cần thiết phải được ghi lại. MUI đã yêu cầu cần có thông tin rõ ràng về việc ai gửi tiền điện tử, ai nhận tiền điện tử. Tôi hy vọng MUI có thể cân nhắc, suy nghĩ nhiều hơn về fatwa mới. Tôi cũng nghĩ MUI và các cơ quan có liên quan có thể trao đổi nhiều hơn về lập trường đối với tiền điện tử”.
Bình luận (0)