Những ngày đầu tháng 11, mọi thứ bắt đầu trở nên nhộn nhịp theo guồng quay của cuộc sống, khi mỗi người đều cố gắng hoàn thành công việc của năm cũ để chuẩn bị chào đón năm mới.
Anh Nguyễn Ngọc Mạnh (33 tuổi, trú H.Đông Anh, Hà Nội) cũng vậy. “Người hùng” hay “siêu nhân”, được người dân cả nước biết đến vì lòng dũng cảm, gan dạ, xả thân cứu sống bé gái 3 tuổi rơi từ tầng 13, tòa nhà 60B Nguyễn Huy Tưởng (P.Thanh Xuân Trung, Q.Thanh Xuân, Hà Nội) vẫn chăm chỉ làm việc.
“Cuối năm mà, nhu cầu chuyển hàng của người dân nhiều nên tôi có ít thời gian nghỉ lắm. Nhiều lúc khách gọi vào giữa trưa hoặc đêm hôm, mình vẫn phải nhận vì toàn khách quen, không từ chối được”, anh Mạnh nói và cho hay, đây là buổi trưa hiếm hoi anh có thể nghỉ ngơi được 30 phút.
Anh Mạnh vừa mua cho mình chiếc xe tải mới để phục vụ công việc
Đình Huy
Trong câu chuyện với Thanh Niên, anh Mạnh kể, nhiều năm qua, anh gắn bó với nghề lái xe tải chở hàng thuê. Hằng ngày, anh cùng nhóm tài xế đỗ xe tại khu vực P.Nam Trung Yên (Q.Cầu Giấy, Hà Nội) chờ đợi khách, "ai thuê gì cũng chở", miễn là đủ trọng tải. Trung bình, anh chạy 3 - 4 chuyến xe/ngày.
Công việc của anh bắt đầu từ khoảng 7 giờ. Nếu có khách đặt trước, anh sẽ xuất phát sớm hơn. Kết thúc công việc, anh về đến nhà khoảng 22 - 23 giờ, muộn hơn là đầu giờ sáng hôm sau. Khi đó, vợ và con đều đã chìm trong giấc ngủ. Thời gian trong tuần anh có thể dành cho gia đình là thứ bảy và chủ nhật. Lúc đó, anh sẽ chở vợ và 2 con sang nhà ngoại ở H.Chương Mỹ (Hà Nội) hoặc đi các khu vực nổi tiếng ở Hà Nội vui chơi.
Nhớ về buổi chiều 28.2.2021, trong tâm trí anh Mạnh vẫn hiện hữu rõ nét. Đó là khoảnh khắc anh không bao giờ quên khi một sinh mệnh được giữ lại trên cuộc đời. “Niềm hạnh phúc nhất của tôi là có thêm một gia đình, một người anh, một người chị và một cô con gái. Huyền (bé gái được cứu sống - PV) bằng tuổi con gái lớn của tôi, hễ gặp nhau là hai đứa lại quấn lấy nhau như thân từ bao giờ. Từ khi nhận Huyền làm con nuôi, tôi làm gì cũng nghĩ đến 3 con”, anh Mạnh kể.
Báo chí quốc tế gọi anh Nguyễn Ngọc Mạnh là "siêu anh hùng" cứu bé gái rơi chung cư
Với hành động dũng cảm của mình, anh Mạnh được tặng nhiều bằng khen, những phần quà có giá trị. Song, anh đều cảm ơn và lịch sự từ chối, chỉ giữ lại một khoản mở quán cho vợ.
Từ việc chịu khó làm ăn, thu nhập của anh Mạnh đủ nuôi sống bản thân, vợ con, chi tiêu hàng tháng và cũng tiết kiệm được một khoản. Gần đây, anh vừa mua cho mình chiếc xe tải mới để phục vụ công việc. “Nhiều người nói tôi cố gắng hơn chút nữa để cuộc sống đỡ vất vả hơn, nhưng tôi cảm thấy đủ và hài lòng với công việc chở hàng mà mình đã lựa chọn”, anh Mạnh chia sẻ.
Từ ngày nổi tiếng, anh Mạnh đi đâu, làm gì cũng có người nhận ra, khiến bản thân bị "bủa vây" bởi một thứ áp lực vô hình mang tên "khi người khác biết mình là ai". Anh bị trói buộc vào khuôn khổ, sợ ánh mắt người đời, không được tự nhiên như ngày trước. Thậm chí, nhiều lần việc nổi tiếng đã khiến anh gặp “phiền phức” trong quá trình làm ăn.
“Thời gian đầu, tôi bị khủng hoảng về tinh thần vì được mọi người quan tâm quá mức. Thậm chí, lúc đi làm bị anh em gọi là Mạnh “ngáo” vì vướng quá nhiều việc, đầu óc không thể tập trung được. Cũng từ đó, khách hàng dần mất đi”, anh Mạnh kể.
Gần 3 năm qua, anh Mạnh vẫn phải học cách thả lỏng, bởi anh cũng chỉ là con người bình thường. Cân bằng cuộc sống, không còn lo sợ xung quanh, Nguyễn Ngọc Mạnh trở lại là anh tài xế xe tải chở thuê, ngày đi làm, tối hạnh phúc bên vợ con.
Vẫn là công việc đó, gia đình đó, mỗi khi nhớ lại sự việc, anh thấy bản thân mình đã thay đổi hơn, trưởng thành hơn rất nhiều. Anh Mạnh kể, cách đây khoảng 4 năm (trước khi xảy ra sự việc cứu bé gái), anh là một người ham chơi và vô tâm, bàng quan với các sự việc xung quanh. Tuy nhiên, sau một sự cố, anh đã nhận ra bản thân cần phải thay đổi.
Sự việc đó diễn ra vào khoảng 5 giờ, khi anh chở hàng xuống H.Ứng Hòa (Hà Nội), không may va chạm với một cụ ông trong lúc lái xe ngủ gật. Hậu quả, cụ bị gãy chân phải, tay trái và 5 xương sườn.
“Lúc đó, tôi rất hoảng loạn, chính người nhà nạn nhân lại là người động viên, an ủi tôi. Sau khi xin lỗi gia đình, tôi đưa cụ đi viện, khoảng 15 ngày sau, cụ ra viện và đến bây giờ, cụ vẫn khỏe mạnh”, anh Mạnh nói và cho hay, sau sự việc, anh đã nhận cụ ông đó làm bố vì tất cả mọi người đều bao dung cho sự sai sót của anh.
Từ đó, anh Mạnh nhận ra bản thân phải cố gắng giúp đỡ mọi người. Đến khi nghe thấy tiếng kêu cứu ở tòa nhà chung cư 60B Nguyễn Huy Tưởng, anh không ngần ngại, xả thân cứu bé gái. Anh Mạnh được truyền thông ca ngợi là “người hùng”, “siêu nhân”… dù bản thân cho rằng đó là việc “cần phải làm” khi thấy người khác gặp khó khăn, nguy hiểm đến tính mạng.
“Tôi vẫn nhớ chiều hôm xảy ra sự việc, tôi về nhà, kể câu chuyện với gia đình rồi đi nhậu với bạn bè. Đêm muộn mới về nhà, không ngờ lúc về có một số anh chị phóng viên vẫn ở đó đợi tôi để phỏng vấn, trong đó có phóng viên của Báo Thanh Niên”, anh Mạnh nhớ lại.
“Người hùng” Nguyễn Ngọc Mạnh cho rằng, nhờ sự dấn thân, không ngại vất vả của các phóng viên mà câu chuyện của anh mới được lan tỏa, hành động của anh mới được người dân cả nước biết đến.
“Mới đây, trong lúc chở hàng đến sân vận động ở H.Phú Xuyên (Hà Nội), có một nhóm các em học sinh nhận ra tôi và xin chụp ảnh cùng. Tôi rất vui vì sự việc đã xảy ra lâu nhưng vẫn được nhiều người nhớ đến. Tôi hy vọng, câu chuyện của mình sẽ phần nào được lan tỏa để góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp”, anh Mạnh nói tiếp.
Bình luận (0)