Người hùng Phạm Thanh Sơn

12/09/2013 03:00 GMT+7

Từ một người khuyết tật, ngỡ rằng chỉ là gánh nặng cho gia đình và xã hội, anh đã trở thành hiệp sĩ công nghệ thông tin, giám đốc một doanh nghiệp tạo công ăn việc làm cho nhiều người, mà đa số là các bạn khuyết tật.

 Anh Phạm Thanh Sơn
Anh Phạm Thanh Sơn trở thành Hiệp sĩ công nghệ thông tin mặc dù bị liệt tứ chi - Ảnh: nhân vật cung cấp

Đó là cuộc chinh phục thử thách để vươn lên của anh Phạm Thanh Sơn, 45 tuổi, ở 72 đường Huỳnh Khương An, P.3, TP.Vũng Tàu; Giám đốc Công ty TNHH phần mềm máy tính ASA.

Khi chưa kết nối được với anh để có đầy đủ thông tin xây dựng bài viết này, trong đầu tôi hiện lên trăm ngàn câu hỏi là làm sao anh có thể...,  làm sao anh có thể..., bởi theo tôi được biết, người bị bại liệt tứ chi thì ngoài bộ não, tất cả những chức năng vận động của cơ thể hầu như vô tác dụng. Anh đã từng tìm đến cái chết vì quá bi quan, tuyệt vọng. Song đúng ngay lúc ranh giới giữa sự sống và cái chết chỉ còn rất mong manh, anh nhận ra rằng cuộc sống này đáng quý biết bao. Chính những suy nghĩ ấy đã cho anh động lực đương đầu với định mệnh, quyết tâm đứng lên từ muôn vàn gian khó.

 

BTC cuộc thi “Gương nghị lực phi thường” tiếp tục nhận bài dự thi đến 31.12.2013. Email nhận bài: [email protected], [email protected], hoặc địa chỉ: Tòa soạn Báo Thanh Niên, 248 Cống Quỳnh, Q.1, TP.HCM. Chi tiết thể lệ cuộc thi vui lòng xem trên www.thanhnien.com.vn hoặc nickdenvietnam.com.

Nhằm giúp anh “hòa nhập” với cuộc sống xung quanh, gia đình đã chạy vạy mua cho anh một giàn máy vi tính. Anh tập trung những đứa trẻ quanh nhà và dạy tin học miễn phí. Nhờ sự giúp đỡ và giới thiệu của bạn bè, anh nhận dạy tin học ngoài giờ cho những người đã đi làm. Công việc này mang lại những khoản thu nhập đầu tiên sau bước ngoặt cuộc đời, và điều đó không những giúp anh tháo gỡ khó khăn về mặt kinh tế, mà còn là bước đệm cho anh thêm vững tâm đi tiếp con đường đầy chông gai phía trước.

Hai bàn tay cứng đơ như hai khúc gỗ được anh “thiết kế” đặc biệt để dành riêng cho việc sử dụng máy tính. Anh dùng vải bó chặt ngón tay giữa và ngón áp út lại với nhau, đồng thời tận dụng vốn sức khỏe khiêm tốn còn lại là khớp vai và khớp cùi chỏ để tác động lên bàn phím, con chuột cũng được quấn quanh những lớp băng keo nhằm giảm độ trơn khi lướt trên máy tính. Năm 2000, anh phải nhập viện để tiến hành ca phẫu thuật cắt bỏ phần thịt bị hoại tử phía sau mông do ngồi quá nhiều. Sự cố đó khiến anh không thể di chuyển bằng xe lăn như trước. Vấn đề đã khó lại càng thêm khó khi anh phải gắn bó hầu hết thời gian của mình trên chiếc giường tự nâng.

Tôi viết đến đây, tự nhiên thấy mắt mình cay cay, dẫu rằng tôi không còn may mắn được nhìn cha mẹ bằng thị giác, nhưng tôi phần nào hình dung được nỗi lòng anh khi bất lực trước vết hằn thời gian oằn lên đôi vai gầy của mẹ, trên vầng trán hiện đầy những nếp nhăn của cha. Không làm sao nói hết tấm lòng người mẹ chan chứa trong mỗi bát cháo anh ăn, mỗi ly nước anh uống; và rồi đâu đó bóng dáng cha trìu mến lật từng trang sách giúp anh nghiên cứu tin học. Chính tình thương bao la ấy đã thôi thúc anh tiếp tục khai thác và tìm hiểu sâu hơn lĩnh vực tin học, giúp anh tạo ra nhiều phần mềm máy tính và được Tạp chí tin học e-CHIP phong tặng danh hiệu Hiệp sĩ công nghệ thông tin.

Xét về phương diện kinh doanh, anh là một giám đốc thực thụ không kém gì những công ty bài bản khác, và nếu nhìn nhận về góc độ xã hội, anh là một người có tấm lòng nhân ái, luôn rộng vòng tay yêu thương với những mảnh đời bất hạnh. Trong vai trò Phó chủ tịch Hội Người khuyết tật TP.Vũng Tàu, anh luôn là tấm gương nghị lực sáng ngời để các bạn nương tựa về tinh thần.

Lê Dương Thể Hạnh (*)

(*) Tác giả bài viết là một người khiếm thị

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.