Người Iraq từng ném giày vào Tổng thống Mỹ Bush hiện giờ ra sao?

Người Iraq từng ném giày vào Tổng thống Mỹ Bush hiện giờ ra sao?

Phúc Nguyên
Phúc Nguyên: biên tập, dựng clip | Cẩm Tú: đọc voice
16/03/2023 09:45 GMT+7

Nhà báo Iraq Muntazer al-Zaidi trở nên nổi tiếng vào năm 2008 sau vụ ném giày vào cựu Tổng thống George W. Bush trong một cuộc họp báo. Gần 15 năm đã trôi qua, ông Muntazer al-Zaidi vẫn còn giận dữ.

Đó là vào là ngày 14 tháng 12 năm 2008, gần sáu năm sau khi các lực lượng do Mỹ dẫn đầu tiến vào Iraq. Nhà báo Iraq Muntazer al-Zaidi đã ném giày về phía cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush trong một cuộc họp báo ở Baghdad.

Hành động của ông Al-Zaidi nhằm thể hiện sự tức giận trước nạn tham nhũng và sự hỗn loạn đã nhấn chìm tổ quốc ông sau khi Mỹ đổ quân vào đây.

Giờ đây, đã 15 năm trôi qua nhưng khi xem lại đoạn phim, ông vẫn còn chưa nguôi nỗi tức giận.

"Cảnh tượng này là bằng chứng cho thấy một ngày nào đó, một người bình thường có thể nói không với những kẻ kiêu ngạo giàu quyền lực, nắm trong tay vũ khí, phương tiện truyền thông, tiền bạc và mọi quyền hạn của mình, và để nói rằng ông (Bush) đã sai, ông đã làm nhiều người thiệt mạng và thay đổi số phận của một số quốc gia bao gồm Iraq, Afghanistan, Lebanon, Syria và toàn bộ khu vực".

Trong thế giới Ả Rập, ném giày vào ai đó được coi là một sự xúc phạm ghê gớm.

Cựu Tổng thống Bush, khi đó đứng cạnh Thủ tướng Iraq là ông Nuri al-Maliki, đã cúi xuống để tránh chiếc giày bay tới.

Iraq ám ảnh với cuộc tìm kiếm người mất tích sau hàng chục năm xung đột

Cựu Tổng thống Mỹ đã bị chỉ trích trên khắp Trung Đông vì quyết định lật đổ chính quyền Saddam Hussein, một hành động được đưa ra dựa trên thông tin sai lầm từ tình báo Mỹ rằng nhà lãnh đạo Iraq đã tích lũy vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Ông Al-Zaidi cuối cùng phải ngồi tù sáu tháng vì bị kết tội hành hung một nguyên thủ quốc gia đến thăm.

Ông nói rằng bản thân mình chưa bao giờ hối hận khi ném giày vào Tổng thống Bush.

"Khi tôi được thả ra, tôi không cảm thấy gì khác biệt. Vâng, tất nhiên là tôi đã bỏ lỡ sự tự do cá nhân, một bầu không khí trong lành và một cuộc sống bình thường. Nhưng tôi đã được thả ra từ một nhà tù đến một nhà tù lớn hơn; nó như là họ chuyển bạn từ phòng biệt giam sang phòng giam có 20 tù nhân, tôi đã được chuyển đến phòng giam lớn hơn với 30 triệu người, và đây là lý do tại sao tôi đau buồn".

Ông Al-Zaidi quy trách nhiệm cho Washington đã dựng lên một giới tinh hoa chính trị bóc lột của cải của Iraq.

20 năm sau cuộc xâm lược, ông nói rằng chính giới tinh hoa tham nhũng này vẫn tiếp tục hủy hoại đất nước.

"Mỹ đã mang một nhà máy "tái chế chất thải" tới Iraq. Và nhà máy này đã tạo ra một giới tinh hoa vẫn tiếp tục lan truyền, một kiểu lưu thông rác thải không lành mạnh. Chính những người 20 năm trước đã đến đây với những kẻ chiếm đóng thì ngày nay vẫn đang cai trị bất chấp những thất bại và tình trạng tham nhũng. Mỹ biết rõ rằng họ đã mang đến những chính trị gia giả hiệu".

Với hy vọng tạo ra sự khác biệt, ông Al-Zaidi đã tranh cử vào một ghế nghị sĩ quốc hội Iraq vào năm 2018.

Tuy nhiên, ông ấy đã thất bại trong cuộc bầu cử, nhưng điều đó không ngăn cản ông phản đối điều mà ông cho là một tầng lớp chính trị tham nhũng.

"Tôi đã không thắng cử và điều này là bình thường giữa sự hiện diện của những kẻ giả mạo đó nhưng điều đó không khiến tôi bớt phản đối giới tinh hoa tham nhũng này ở Iraq. Vì vậy, tôi ở lại Iraq và tiếp tục phản đối theo cách cổ điển".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.