Người kể chuyện bằng... violin

03/01/2021 08:32 GMT+7

Hoàng Hồ Khánh Vân (24 tuổi) là nghệ sĩ violin tạo dấu ấn với hàng loạt giải thưởng danh giá trong nước và các đấu trường quốc tế.

Tìm được niềm vui với âm nhạc

Khánh Vân sinh ra tại thành phố Minsk (Belarus) trong gia đình có truyền thống nghệ thuật, mẹ từng là giảng viên âm nhạc, chị gái là nghệ sĩ dương cầm, bố là người yêu âm nhạc…

Những thành tích ấn tượng

- Năm 2003: Giải nhất bảng nhỏ Cuộc thi violin Mùa xuân cấp thành phố Minsk (Belarus)
- Năm 2004: Giải nhì bảng nhỏ Cuộc thi violin Volodarski cấp quốc gia (Belarus) (không có giải nhất)
- Năm 2007: Giải ba bảng dưới 16 tuổi Cuộc thi violin Mùa thu cấp quốc gia (Hà Nội)
- Năm 2009: Đồng giải nhất bảng nhỏ Cuộc thi quốc tế “ASEAN International Concerto Competition” (Jakarta, Indonesia)
- Năm 2018: cùng chị gái Hoàng Hồ Thu đoạt giải cao nhất tại Cuộc thi hòa tấu thính phòng quốc gia (Debrecen, Hungary)
- Năm 2018: được chọn nhận học bổng tham gia trại hè âm nhạc “International Summer Academy” (ISA) do Trường Nghệ thuật biểu diễn Vienna (Semmering, Áo) tổ chức.
- Năm 2019 và 2020: được chọn tham gia biểu diễn cùng Dàn nhạc thính phòng Liszt tại “Talent Day” của Học viện Liszt Ferenc (Hungary)...
“Ngay từ nhỏ, mẹ đã khơi gợi cho Vân về kiến thức âm nhạc cổ điển, kèm tôi học đàn violin, luyện nghe và cảm thụ âm nhạc… Bên cạnh đó, giai đoạn đầu, chị gái đã giúp tôi mở mang kiến thức nghệ thuật và tìm được niềm vui với âm nhạc”, Vân kể.
Sau khoảng thời gian sinh sống ở nước ngoài, đến năm 2005 Khánh Vân theo bố mẹ về nước và học tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Với kế hoạch học tập khoa học và sự tiếp thu có chọn lọc, sau khi tốt nghiệp, Khánh Vân xuất sắc nhận học bổng du học tại Học viện Liszt Ferenc (Hungary).
Để giành học bổng, cô cho biết quan trọng nhất là cần đạt đủ tiêu chuẩn năng lực chuyên môn violin. Đối với những môn thi cơ bản, thí sinh vượt mức điểm nhất định do học viện yêu cầu. Với Vân, việc nhận học bổng, học tập tại Học viện Liszt Ferenc là cả quá trình có định hướng rất rõ, biết bản thân mình muốn gì và nên làm gì.
Hiện tại, Vân đang hoàn thành chương trình năm cuối cao học nên cô dành phần lớn thời gian luyện tập violin, nghiên cứu bài vở, sắp xếp lịch trình biểu diễn dàn nhạc ở trường và các dự án âm nhạc cộng đồng… Việc thử sức biểu diễn ở nhiều không gian âm nhạc khác nhau giúp cô có thêm nhiều kinh nghiệm.
“Khi chơi nhạc cổ điển, tôi cố gắng học cách dẫn dắt sự chú ý của người nghe như cách một người đang kể câu chuyện. Tôi tin âm nhạc cũng là thứ ngôn ngữ có thể thấu hiểu thông qua cảm xúc và chiêm nghiệm của mỗi khán giả. Và việc của người chơi đàn là khơi gợi câu chuyện ấy. Điều này không phải ai cũng làm được, và tôi cũng đang trên hành trình cố gắng hướng đến mục tiêu ấy, tập luyện và biểu diễn hết khả năng…”, Khánh Vân bày tỏ.

Khánh Vân

Dồn hết năng lượng cho âm nhạc

Khoảng năm 2009, lần đầu tiên Khánh Vân có cơ hội tham gia tranh tài Cuộc thi âm nhạc quốc tế được tổ chức tại Indonesia dành cho piano và violin. Đến năm 2014 - 2015, Khánh Vân trở thành thành viên của Dàn nhạc trẻ châu Á, chu du biểu diễn tại Bắc Kinh, Hồng Kông, Đài Loan, Nhật Bản… Rồi năm 2019, Vân tiếp tục thi đấu tại Cuộc thi violin và hòa tấu thính phòng quốc tế tổ chức tại Việt Nam với sự tham gia của 64 thí sinh đến từ 19 quốc gia. Tại bảng thi violin, cô đoạt giải ba.
Khánh Vân nói: “Ở 2 giai đoạn 12 tuổi và 22 tuổi, tôi thật vui vì là thí sinh đại diện Việt Nam tham gia các đấu trường quốc tế. Trước mỗi cuộc thi, tôi phải hiểu rõ điểm mạnh, điểm yếu bản thân, lựa chọn tác phẩm biểu diễn phù hợp, đồng thời cũng phải giữ tâm lý thật bình tĩnh, tự tin biểu diễn tốt trên sân khấu. Tuy nhiên, sau mỗi cuộc thi, tôi vẫn cảm thấy bản thân cần cố gắng nhiều hơn để chinh phục những đỉnh cao mới…”.
Vân tự thấy bản thân may mắn khi theo đuổi con đường âm nhạc cổ điển. “Càng học hỏi, càng tiếp cận với âm nhạc, tôi càng thấy mình rèn được tính kiên trì theo đuổi giấc mơ, biết cách kiểm soát cảm xúc, mở lòng tiếp nhận những đánh giá tích cực lẫn tiêu cực… Nhờ đó, tôi có thể chơi violin tiến bộ, chỉn chu, bắt được tinh thần mà các nhà soạn nhạc đã gửi gắm trong mỗi tác phẩm âm nhạc…”, Vân chia sẻ.
Ngoài việc học tập và biểu diễn, Khánh Vân còn tích cực tham gia các hoạt động của cộng đồng người Việt tại Hungary. Tháng 8 vừa qua, Vân cùng các nghệ sĩ piano Hoàng Kim Gia Bảo, Nguyễn Phạm Minh Hoàng, Nguyễn Anh Tùng, Nguyễn Thị Bằng Linh… tham gia buổi hòa nhạc trực tuyến. Các bạn trẻ đã dùng âm nhạc để góp phần động viên tinh thần chống dịch Covid-19, gửi gắm tình cảm đối với quê nhà…
Khi chúng tôi hỏi violin vẫn chưa phải là môn nghệ thuật có nhiều đất sống ở Việt Nam, Vân có lo ngại khi học xong và trở về Việt Nam, Vân lạc quan nói: “Đúng là lượng khán giả violin tại Việt Nam còn ít. Nhưng tôi nhận thấy những năm gần đây sự phát triển của âm nhạc cổ điển tại Việt Nam khá tích cực. Nhiều gia đình đầu tư cho con cái tiếp cận với piano, violin cổ điển… và học các lớp thanh nhạc từ nhỏ. Mặc dù hiện tại violin không nhiều đất diễn, nhưng tôi tin bộ môn này sẽ dần phổ biến rộng rãi ở Việt Nam trong tương lai”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.