Người kế vị 'vua đàn môi' VN

22/03/2015 09:00 GMT+7

Suốt một thời gian rất dài, GS-TS Trần Quang Hải được coi là người VN duy nhất nghiên cứu về đàn môi, nên ngoài danh xưng “vua muỗng” ông còn được xem như “vua đàn môi” của VN. Nhưng nay, chính ông đã hoan hỉ xưng tụng người học trò của mình là “một tài năng duy nhất về đàn môi ở VN”.

Suốt một thời gian rất dài, GS-TS Trần Quang Hải được coi là người VN duy nhất nghiên cứu về đàn môi, nên ngoài danh xưng “vua muỗng” ông còn được xem như “vua đàn môi” của VN. Nhưng nay, chính ông đã hoan hỉ xưng tụng người học trò của mình là “một tài năng duy nhất về đàn môi ở VN”.

Khai Nguyên biểu diễn đàn môi Khai Nguyên biểu diễn đàn môi - Ảnh: H.Đ.N

Qua sự giới thiệu của GS-TS Trần Quang Hải, chúng tôi đã về tận Phương Lâm, vùng đất Đồng Nai tiếp giáp tỉnh Lâm Đồng để tìm gặp “tài năng duy nhất ở VN” này. Đó là chàng trai Đặng Văn Khai Nguyên, còn rất trẻ (24 tuổi).

Học đàn môi qua internet

Khai Nguyên kể rằng, vào khoảng năm 2010, một lần xem ti vi thấy GS-TS Trần Quang Hải biểu diễn hát song thanh (ông là cha đẻ nghệ thuật này - NV), thấy hay hay nên em lên mạng tìm hiểu thì mới biết GS Hải còn là một bậc thầy về đàn môi. Tìm hiểu về đàn môi, Khai Nguyên lại thích quá, em tìm nơi bán loại nhạc cụ này để mua chơi thử, song chẳng ai biết. Sau đó, có người cho địa chỉ một cửa hàng nhạc cụ dân tộc ở TP.HCM, Khai Nguyên tức tốc đến mua liền 2 chiếc đàn môi bằng đồng về tự tập. Nửa năm sau, Khai Nguyên chủ động liên lạc với GS-TS Trần Quang Hải và được thầy hướng dẫn các kỹ thuật cơ bản về đàn môi (cách tạo tiết tấu, cao độ, âm sắc…). Thầy Hải cũng gửi nhiều tài liệu, video clip về đàn môi, Khai Nguyên cứ theo đó mà luyện tập. Trong quá trình tập luyện, em cũng tự quay video gửi cho thầy để xin chỉ dẫn. Khai Nguyên bảo rằng lúc đó em chỉ chuyên tâm tập luyện và sưu tầm đàn môi trong nước (của đồng bào dân tộc H’mông).

Đam mê đàn môi, Khai Nguyên tìm cách giao lưu với những người có chung niềm yêu thích này nhưng lúc đó ở VN hiếm có nghệ nhân đàn môi nào xuất hiện trên mạng xã hội. Vậy là Khai Nguyên lập một trang cá nhân trên Facebook để giao lưu với những người chơi đàn môi trên khắp thế giới. Đến nay em không thể nhớ nổi mình đã kết bạn với bao nhiêu người, chỉ nhớ là có bạn nhiều nhất ở Nga, Indonesia, Nhật Bản… Không chỉ giao lưu, Khai Nguyên còn trao đổi đàn môi và học cách chơi đàn theo văn hóa đặc trưng của mỗi quốc gia.

Sưu tập hơn 600 cây đàn môi khắp thế giới

Đến nay, bộ sưu tập của Khai Nguyên đã có hơn 600 cây đàn môi của gần 30 quốc gia (VN, Lào, Campuchia, Thái Lan, Philippines, Indonesia, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp, Anh, Áo, Hungary, Slovakia, Estonia, Na Uy, Thụy Điển, Ý...). Khai Nguyên nhận xét: “Nhìn chung, đàn môi của các nước châu Á (trừ Hàn Quốc, không có đàn môi) đa số được làm bằng tre (một thanh tre liền), có khi cũng được làm bằng sắt hoặc đồng (VN, Nhật Bản, Mông Cổ…). Còn đàn môi của các nước châu Âu đa số làm bằng sắt với 2 mảnh ghép (lưỡi gà và sườn đàn). Mỗi loại đàn môi có một nét văn hóa đặc trưng và lối chơi riêng: đàn morchang (Ấn Độ) và đàn genggong (Indonesia) dùng để hòa âm với các nhạc cụ khác trong các điệu múa lễ hội, đàn khomus của Cộng hòa Yakutia (thuộc Nga) dùng cho các pháp sư giao tiếp với các thần linh và là vật hộ mệnh của họ, đàn môi H’mông của VN dùng để… tỏ tình, còn các loại đàn môi châu Âu thường chỉ dùng để giải trí trong lúc nông nhàn. Qua quá trình tập luyện, chơi đàn và qua trao đổi với các bạn chơi đàn môi trên khắp thế giới, tôi và các bạn đều công nhận cây đàn môi của VN là có bồi âm chuẩn nhất, âm thanh hay nhất, còn cây đàn môi khomus của Yakutia đẹp nhất (được chế tạo rất kỳ công)”.

Một góc bộ sưu tập đàn môi của Khai Nguyên Một góc bộ sưu tập đàn môi của Khai Nguyên - Ảnh: H.Đ.N

Nhận thấy khả năng chơi đàn môi xuất sắc của Khai Nguyên (từ những video clip), GS-TS Trần Quang Hải đã giới thiệu và Hiệp hội Đàn môi quốc tế (International Jew's Harp Society-IJHS) đã kết nạp Khai Nguyên làm thành viên (ngày 10.5.2012).

Đầu năm 2014, GS-TS Trần Quang Hải về nước và tổ chức buổi nói chuyện về đàn môi tại tư gia của bố mình (GS-TS Trần Văn Khê). Lần đầu tiên hai thầy trò Khai Nguyên gặp mặt nhau. Thầy thuyết trình, trò biểu diễn minh họa rất ăn ý. Đây cũng là lần đầu tiên Khai Nguyên ra mắt công chúng. Tâm nguyện của Khai Nguyên là phổ biến đàn môi Việt càng nhiều càng tốt, vì người VN hình như đang quên lãng một loại nhạc cụ độc đáo của mình, trong khi người nước ngoài lại đánh giá đàn môi VN rất cao và chơi khá phổ biến. Hiện có đến 70% đàn môi sản xuất ở VN được bán ra nước ngoài. Đó là một nghịch lý!

“Khai nguyên tiến xa hơn anh nhiều”

“Em Khai Nguyên sinh sống ở VN, chỉ học hàm thụ với anh mà nay trở thành người chơi nhiều loại đàn môi trên thế giới và đã tiến xa hơn anh nhiều.

Em chơi đủ loại đàn môi, biết cách làm đàn môi tre và sáng chế nhiều kiểu đàn môi tre mà trên thế giới chưa có. Lại có khiếu truyền dạy đàn môi cho thế hệ trẻ. Những đứa nhỏ ở cùng xóm đã được em Khai Nguyên dạy chơi đàn môi và hiện nay có gần 10 em từ 7 tới 12 tuổi chơi đàn môi H'mông rất khá. Gần đây nhất, ngày 17.1.2015, em Khai Nguyên đã cùng anh biểu diễn và dạy đàn môi ở Trường mầm non Hoa Hồng Đỏ, Q.9, TP.HCM với kết quả rất tốt”.

 (Trích thư của GS-TS Trần Quang Hải gửi cho người viết)

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.