Theo Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu toàn ngành da giày ước đạt 8,7 tỉ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu nhóm hàng giày dép các loại ước đạt 7,04 tỉ USD, tăng hơn 12%; nhóm hàng túi xách, ví, ô, dù đạt 1,65 tỉ USD, tăng hơn 4%. Hiệp hội Da - giày - túi xách VN (Lefaso) dự báo, năm 2017 sản xuất của ngành sẽ tăng trưởng 5%, cao hơn so với năm 2016, với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 18 tỉ USD, tăng trên 10%. Tính đến nay, VN đã xuất khẩu giày dép sang cả trăm nước trên thế giới, trong đó có 72 nước kim ngạch vượt 1 triệu USD/năm.
Khối ngoại ép khối nội
"Chân dung" hoành tráng là thế nhưng lợi nhuận thực tế mà ngành này mang về chưa tương xứng. Có 2 lý do chính. Thứ nhất, ngành phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu nhập ngoại. Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2017 đối với mặt hàng nguyên phụ liệu dệt, may, giày dép đạt 2,7 tỉ USD, tăng 9,5%. Tỷ lệ nội địa hóa mới đạt 35 - 40%, chưa đủ đáp ứng hoàn toàn những quy tắc xuất xứ trong các hiệp định thương mại mà VN ký kết. Các công ty VN vẫn phải nhập khẩu hầu hết các nguyên liệu quan trọng như da thuộc, da nhân tạo, vải mũi giày, nhựa PPC, sơn PU, vải, keo và có đến 80% là gia công xuất khẩu cho các thương hiệu của nước ngoài.
Thứ hai, khối doanh nghiệp (DN) đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm phần lớn trong kim ngạch xuất khẩu da - giày. Lefaso cho biết dù chiếm chưa đến 25% số lượng DN hoạt động trong ngành nhưng 800 DN FDI đang quyết định tới 77% giá trị xuất khẩu. Mức đóng góp của khối DN FDI tăng nhanh theo từng năm. Nếu như năm 2013, khối này chiếm 75% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành thì năm 2015 tăng lên 78% và tới 2016, con số này đã lên tới 80,8%. Tỷ lệ này vẫn chưa dừng lại. 5 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu của khối FDI tiếp tục tăng, chiếm tỷ trọng 81,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành. DN ngoại tăng chiếm thị phần, đồng nghĩa với sự co lại của các DN nội.
Năm 2013, các DN trong nước chiếm 25% tỷ trọng xuất khẩu, năm 2015 giảm còn 21,4% và đến 2016 chỉ còn 19,2%. Với cơ cấu tỷ trọng này, tăng trưởng của ngành da - giày thực tế nằm trong tay các DN FDI. VN mang tiếng là "người khổng lồ" trong lĩnh vực da - giày thế giới nhưng thực chất các DN nội vẫn chỉ gia công là chính. Chúng ta chưa xây dựng được một thương hiệu da - giày - túi xách nào cho tương xứng với tiếng tăm của ngành này.
tin liên quan
Xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 42% so cùng kỳTính từ đầu năm đến hết tháng 5, số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy,
tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng hóa từ VN sang Trung Quốc đạt
10,629 tỉ USD, tăng 42% so cùng kỳ.
Đáng nói dù là một trong 4 thủ phủ giày - dép thế giới nhưng tại thị trường nội địa, da - giày - túi xách ngoại cũng đang lũng đoạn thị trường. Theo đánh giá của Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công thương), nhu cầu tiêu thụ sản phẩm giày dép trong nước khoảng 150 triệu đôi/năm, song sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng được 40%. "Lượn" một vòng quanh các khu chợ, khu mua sắm tại TP.HCM có thể thấy, thị trường giày dép chia làm 3 phân khúc thấp - trung - cao cấp thì cả 3 phân khúc này, hàng Việt đều ở thế yếu.
Ở phân khúc giá thấp, giày dép, túi xách Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường. Chạy dọc đường Cách Mạng Tháng 8 đoạn từ vòng xoay Dân Chủ kéo dài đến gần công viên Lê Thị Riêng (TP.HCM), cứ tối tối là hàng loạt cửa tiệm bán giày dép, áo quần trên đoạn đường này trưng bảng “sale” hàng hiệu, gắn mác hàng xuất khẩu VN nhưng thực chất là rất nhiều hàng Trung Quốc được nhập về theo đường tiểu ngạch. Nhiều loại giày gắn thương hiệu thuần Việt, song những mẩu giấy bìa carton dùng để độn bên trong lại chi chít chữ Trung Quốc. Hàng Trung Quốc cũng ngập trong các cửa hàng, trung tâm bán lẻ bình dân.
Ở phân khúc trung bình, hàng Thái, Hàn, Campuchia… được nhiều người ưa chuộng. Từ việc tiếp cận thị hiếu người Việt thông qua các phiên hội chợ Thái Lan, hàng Thái ngày càng chiếm được cảm tình của người tiêu dùng Việt. Theo quan sát của chúng tôi, sức bán tại các phiên hội chợ hay các kênh phân phối là rất lớn. Theo nhiều người tiêu dùng, giày dép Thái bền hơn hàng Trung Quốc, giá cả không quá cao so với hàng VN, thậm chí còn có thể rẻ hơn nên được ưa chuộng.
Trong khi đó, ở các trung tâm thương mại, các nhãn hiệu giày nổi tiếng như Nike, Adidas, New Balance... thống trị. Ngoài vài thương hiệu lớn như Thái Bình Shoes, Biti’s... đủ sức trụ lại, đi kiếm hàng thuần Việt tại chính thị trường nội còn khó hơn tìm hàng ngoại.
Tại sao ngành da - giày VN lại "có tiếng mà không có miếng" như hiện nay? Giám đốc một công ty VN chuyên gia công giày xuất khẩu cho biết bản thân công ty ông và rất nhiều DN khác đã lơ là, thậm chí bỏ hẳn thị trường nội địa vì đơn đặt hàng xuất khẩu quá nhiều, không đủ sức cáng đáng thêm thị trường trong nước. Lâu dần, nhường sân luôn cho hàng ngoại.
Doanh nghiệp cần cơ cấu lại thị trường
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đánh giá hàng da giày VN hiện chủ yếu xuất sang các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản..., chứng tỏ đã vượt qua những tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng. Thế nhưng vì tư duy sai lầm, chúng ta để mất thị trường nội địa tiềm năng với hơn 90 triệu dân, sức mua tăng đều theo các năm. Ông Long cũng chỉ rõ, để lấy lại "sân nhà" với các DN nội không hề dễ. Việc phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu khiến giày dép Việt có giá khá cao, đây là một bất lợi khi cạnh tranh với hàng Trung Quốc, Thái... Đây là bài toán về cơ cấu mà các DN cần tính toán. Xem xét lại số lượng xuất khẩu gia công bao nhiêu, tự sản xuất bao nhiêu. Nếu tự sản xuất có đáp ứng nguồn nguyên liệu đầu vào không? Bởi thị trường nội địa hết sức tiềm năng, không phải vận chuyển nên có thể tiết giảm chi phí.... “Không phải bỏ bớt xuất khẩu để quay về trong nước mà cần nghiên cứu để cùng lúc phát triển song song cả hai thị trường. Nếu tiếp tục quá tập trung vào xuất khẩu gia công, lệ thuộc như hiện nay, rất có thể ngành da giày VN sẽ rơi vào cảnh vừa mất sân nhà, vừa bị hạ đo ván trên sân khách”, ông Long cảnh báo.
|
Bình luận (0)