Người không yếu lòng

07/11/2011 14:41 GMT+7

“Chỉ yếu lòng thêm một lần nữa là mình lại tiếp tục bị giam cầm trong cái vòng luẩn quẩn. Trong cuộc sống, không thể nào bị tuyệt đường cả”. Đó là những lời gan ruột của một người sau cai nghiện mà chúng tôi đề cập dưới đây…

Nhà chị Trần Thị Mỹ Thanh (33 tuổi) nằm sâu trong mấy con hẻm đường Cách Mạng Tháng Tám (P.11, Q.3, TP.HCM), căn nhà khá chật chội vì đây còn là cơ sở may giày da. Khi đến, chúng tôi chứng kiến vợ chồng chị đang cặm cụi làm việc cùng một số người thợ còn rất trẻ, chỉ trạc tuổi 20.

Chị Thanh cho biết: sau cai nghiện về và đi may thuê một thời gian, chị và chồng (người gốc Hoa) quyết định khôi phục nghề làm giày gia truyền của anh. Bằng nguồn vốn vay từ “Quỹ những người hồi gia” của địa phương, vợ chồng chị mua máy may, vật dụng hành nghề. Chị Thanh cho hay, lần đầu tiên làm ăn dư được 10 triệu đồng, vợ chồng chị mừng đến run người. Họ tiếc rẻ quãng đời chìm trong nghiện ngập, đã bỏ phí biết bao sức khỏe, tiền bạc, tuổi thanh xuân.

 
Chị Trần Thị Mỹ Thanh và nhân công tại cơ sở làm giày da - Ảnh: Như Lịch

Từ năm 2009, cơ sở này thường nhận từ 7-8 bạn trẻ vào học nghề và làm việc. Bình quân mỗi người được hưởng 1,5 triệu đồng/tháng, bao cơm ăn. Chị Thanh bộc bạch: “Hơn 50% là những em từng bị coi là siêu quậy, trộm cắp, đua xe, thậm chí có em mới ra tù trong đợt đặc xá dịp Quốc khánh 2.9.2011. Tụi tôi đối xử với nhau không như chủ - thợ mà như những người đồng cảnh ngộ. Mình thường trò chuyện, lấy bản thân ra làm ví dụ để giúp các em có ý thức vươn lên, biết dựa vào lao động để lánh xa những thói quen xấu”.

Và chị không ngần ngại kể lại đoạn đời lầm lỡ của mình…

Khi người cha là lao động chính mất đi, cả nhà Thanh lâm vào cảnh lao đao. 19 tuổi, Thanh bắt đầu làm phục vụ quán cà phê, kiếm tiền giúp mẹ và mấy đứa em. Cũng trong thời gian này, Thanh bị rủ rê dùng ma túy. “Sẵn buồn chuyện gia đình, kiến thức lại ít, giao tiếp với những người không tốt nên tôi bị trượt dài” - chị Thanh nhớ lại. Đến năm 2000, chị Thanh gặp anh Thái Thuận (chồng chị bây giờ) tại điểm… mua bán ma túy. Hai người sống với nhau như vợ chồng. Để có tiền hút xách, chị Thanh thừa nhận đã dùng đủ “mưu ma chước quỷ” để moi tiền từ người khác. Sau 4 lần tự cai ở nhà và ở cơ sở tư nhân, hai người vẫn không bỏ được heroin. Đến lần thứ 5, với sự động viên của gia đình, anh chị đã kiên nhẫn vượt qua 50 tháng cai nghiện ròng rã tại những trung tâm ở Đắk Lắk. Được hồi gia, hai người tổ chức đám cưới vào tháng 1.2008.

Theo chị Thanh, hạnh phúc là tự mình phải tìm kiếm, chứ đừng tự cô lập mình ở góc tường, đường cùng. Điều chị luôn tự nhủ là: chỉ yếu lòng thêm một lần nữa là mình lại tiếp tục bị giam cầm trong cái vòng luẩn quẩn. Trong cuộc sống không thể nào bị tuyệt đường cả, nếu mình chịu thương chịu khó. Cho dù có tuyệt vọng đi chăng nữa cũng phải tự tháo gút mắc. Biết là khó nhưng ngày hôm nay, ngày mai, ngày kia… cứ gỡ dần dần sẽ được.

Như Lịch

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.