Người khuyết tật gian nan thi lấy bằng lái xe

12/02/2023 06:58 GMT+7

Mặc dù việc đào tạo và cấp giấy phép lái xe cho người khuyết tật đã được quy định từ lâu nhưng đến nay, còn rất nhiều người gặp khó khăn từ khâu khám sức khỏe đến việc đào tạo tại các trung tâm sát hạch.

Quy định không thiếu

Sự việc một người đàn ông được cho là khuyết tật (dạng tật cụt chân) lái ô tô gây tai nạn giao thông tại TP.Bắc Ninh (Bắc Ninh) ngày 12.12.2022 nhận được sự quan tâm của dư luận. Nhiều người đặt câu hỏi liệu người khuyết tật có được cấp giấy phép lái xe ô tô và các loại phương tiện giao thông khác hay không. Thanh Niên từng có bài viết thông tin về vấn đề này. Căn cứ pháp luật hiện hành, người khuyết tật được đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe máy hạng A1 (2 bánh, 3 bánh) và ô tô hạng B1 số tự động, nếu họ đáp ứng đủ các điều kiện sức khỏe.

Người khuyết tật gian nan thi lấy bằng lái xe - Ảnh 1.

Một người khuyết tật đến Bệnh viện GTVT (TP.HCM) để tìm hiểu quy trình khám sức khỏe cấp giấy phép lái xe

PHẠM THU NGÂN

Ông Nguyễn Văn Cử, Phó giám đốc Trung tâm Khuyết tật và phát triển (Trung tâm DRD), cho biết việc cấp giấy phép hạng A1, B1 cho người khuyết tật được quy định lần lượt tại Thông tư 46/2012 và Thông tư 12/2017 của Bộ GTVT. Đồng thời, khoản 3, điều 59 luật Giao thông đường bộ cũng quy định người khuyết tật điều khiển xe máy 3 bánh dùng cho người khuyết tật được cấp giấy phép lái xe hạng A1.

Ngoài ra, tiêu chuẩn sức khỏe để người khuyết tật đáp ứng điều kiện được cấp giấy phép lái xe được quy định tại Thông tư liên tịch 24/2015 của Bộ Y tế và Bộ GTVT. Thông tư này có phần phụ lục quy định tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe. Trong đó, có nêu: Người cụt hoặc mất chức năng 1 bàn tay hoặc 1 bàn chân và một trong các chân hoặc tay còn lại không toàn vẹn (cụt hoặc giảm chức năng) thì không đủ điều kiện để lái xe hạng A1 và B1.

Thế nên, theo ông Cử, các dạng tật có thể đăng ký thi hạng A1, B1 gồm: người bị liệt vận động 1 tay hoặc chân và các tay, chân còn lại không mất chức năng vận động; người cụt hoặc mất chức năng 1 tay, chân và các tay, chân còn lại nguyên vẹn; người khiếm thính hay người điếc.

Có thể nói chính sách đã quy định đầy đủ, cụ thể để người khuyết tật được cấp bằng lái xe. Nhưng thực tế còn nhiều khoảng trống trong thực thi.


Ông Nguyễn Văn Cử, Phó giám đốc Trung tâm Khuyết tật và phát triển

"Có thể nói chính sách đã quy định đầy đủ, cụ thể để người khuyết tật được cấp bằng lái xe. Nhưng thực tế còn nhiều khoảng trống trong thực thi", ông Cử nói và nhấn mạnh thêm: "Bản thân tôi và Trung tâm DRD đã hướng dẫn cho rất nhiều người khuyết tật từ các quy định đến các bước khám sức khỏe, sát hạch, hoán cải xe. Nhưng ở khâu khám sức khỏe thì người khuyết tật đã gặp trở ngại".

THĂM KHÁM VÒNG VO

Ông B.Đ.P (43 tuổi, quê Lâm Đồng) teo cơ chân trái nhẹ, chân phải bình thường. Là cộng tác viên giao hàng tại TP.HCM, ông P. di chuyển bằng xe máy đã lâu và rất có nhu cầu để được cấp bằng lái xe và học lái ô tô B1, nhưng ngay từ khâu khám sức khỏe ông đã gặp khó. Ông P. cho biết, hồi tháng 3.2022, ông có đến trung tâm y tế và bệnh viện ở tỉnh Lâm Đồng để đăng ký khám sức khỏe thi bằng lái xe hạng B1. "Nhưng các đơn vị này nói tôi khuyết tật chân, nên chịu khó đi các bệnh viện lớn chứ họ không dám khám", ông P. kể. Sau đó, ông P. đến Bệnh viện GTVT (cơ sở đường Cách Mạng Tháng 8, Q.3, TP.HCM) để đăng ký khám sức khỏe. "Tôi có đề cập Thông tư 24/2015 với bác sĩ. Họ biết quy định hết nhưng không thăm khám gì, chỉ nhìn chân tôi rồi nói vòng vo đủ thứ rồi chốt lại là không đủ điều kiện", ông P. cho hay.

Cuối tháng 12.2022, PV Thanh Niên đi cùng anh N.V.C - một người khuyết tật (anh C. teo cơ chân phải, chân trái bình thường) đến Bệnh viện GTVT (cơ sở đường Cách Mạng Tháng 8, Q.3) để đăng ký khám sức khỏe thi bằng A1. Nhân viên tư vấn ở bệnh viện gợi ý chúng tôi lên gặp bác sĩ để xem có được khám sức khỏe hay không. Khi gặp bác sĩ, chúng tôi trình bày nguyện vọng thi bằng A1.

Bác sĩ nhìn thoáng qua 2 chân của anh C. rồi liên tục nói "Không được", sau đó đề cập anh C. không đủ điều kiện thi vì "bị suy giảm chức năng bàn chân" và nói thêm chân trái của anh C. cao hơn chân phải 5 cm. Tuy nhiên, anh C. dẫn quy định từ Thông tư liên tịch 24/2015 của Bộ Y tế và Bộ GTVT, đồng thời trình bày: "Bàn chân phải của tôi vẫn cử động và đạp phanh bình thường đâu có bị suy giảm gì đâu, mấy chục năm tôi chạy xe gắn máy 2 bánh vẫn sử dụng phanh bình thường"; nhưng bác sĩ lập luận: "Bàn chân là một phần của cái chân mà chân phải của anh bị teo cơ thì suy ra bàn chân của anh cũng bị suy giảm".

Còn về phần chân phải ngắn hơn 5 cm, anh C. nói trong quy định không hề đề cập tiêu chuẩn sức khỏe này cho hạng A1 hay B1, thì bác sĩ mới đính chính yêu cầu trên là dành cho người thi giấy phép lái xe hạng B2, A2, A3, A4, B2, C, D, E, FB2, FC, FD, FE (quy định chiều dài tuyệt đối giữa 2 chi trên hoặc 2 chi dưới có chênh lệch từ 5 cm trở lên mà không có dụng cụ hỗ trợ). Còn trường hợp của anh C. muốn thi A1 thì chỉ chạy được dạng xe 3 bánh đã hoán cải, đăng kiểm.

"Nhưng ở TP.HCM không có đơn vị nào đăng kiểm xe 3 bánh cả", anh C. phân trần. Bác sĩ đáp lại: "Ở đây chỉ làm đúng chức năng của mình".

QUÁ NHIÊU KHÊ

Theo Phó giám đốc Trung tâm DRD Nguyễn Văn Cử, cũng có một số người khuyết tật được khám sức khỏe và điều này tùy bệnh viện địa phương nắm rõ quy định hay không. Tuy nhiên, lúc này, người khuyết tật lại vướng ở nhiều khâu khác. Như đối với người khuyết tật nặng, không đủ điều kiện thi A1 xe 2 bánh, thì họ có nhu cầu đi xe 3 bánh dành cho người khuyết tật. Song câu hỏi được đặt ra là đơn vị nào sẽ đăng kiểm cho xe 3 bánh khi không có cơ sở nào đạt tiêu chuẩn để sản xuất xe (tức xe tự chế)...

Nếu người khuyết tật có xe và được cấp phép lưu thông thì đến khâu đăng ký học và thi lại gặp khó, vì hầu hết các trung tâm sát hạch đều từ chối với lý do họ chưa đào tạo lái xe cho người khuyết tật bao giờ. Hoặc các trung tâm không đủ kinh phí để trang bị loại xe riêng hoặc hoán cải xe và đi đăng kiểm. Đồng thời họ cũng không có những giáo viên chuyên đào tạo người khuyết tật.

Ông Cử nói thêm: "Một khó khăn khác nữa, người khuyết tật đủ điều kiện chạy xe số tự động thì không sao, một số hoán cải cái xe phù hợp với dạng tật thì phải được kiểm định bởi Cục Đăng kiểm VN. Tuy nhiên, chưa có cơ quan đứng ra lãnh trách nhiệm đăng kiểm này tại các địa phương, hiện nay chỉ có Hà Nội mới có nơi để kiểm định, nhưng số lượng rất ít".

Trong khi đó, tại TP.Hà Nội, ông Tô Văn Châu (49 tuổi, dạng tật: cụt bàn tay phải, các chi còn lại chức năng bình thường) là người đã được cấp bằng B1 ô tô số tự động và thời gian qua đã phổ biến quy định để giúp nhiều người khuyết tật khác có bằng lái.

Nhưng để có được bằng B1, ông Châu đã ròng rã theo đuổi từng khâu từ hoán cải, đăng kiểm, đăng ký… tận 2 năm. Theo lời của ông, năm 2017, ông đến 3 bệnh viện tại TP.Hà Nội để khám sức khỏe, nhưng đều bị từ chối vì các bệnh viện cho rằng đây là việc "tế nhị", "phức tạp" hoặc sợ sai. "Đến bệnh viện thứ tư, người ta cũng không muốn khám. Tôi đã liên hệ Liên đoàn Luật sư VN để trợ giúp pháp lý, can thiệp thì mới được khám sức khỏe và kết quả là tôi đạt điều kiện để thi B1", ông Châu cho biết.

Tuy nhiên, khâu đăng ký học và sát hạch lại khó khăn không kém. Ông Châu được một trung tâm đào tạo nhưng đơn vị này không tổ chức thi sát hạch và sau đó đã trả lại học phí cho ông. "Sau đó, tôi có đi liên hệ, phản ánh nguyện vọng đến nhiều nơi từ Cục Đăng kiểm VN, Cục Đường bộ VN và Sở GTVT TP.Hà Nội… Mãi cuối năm 2018, tôi mới được đi học và thi có bằng B1. Rất gian nan, vất vả", ông Châu chia sẻ. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.