Thanh Niên trong 2 ngày 12 - 13.2 đăng loạt bài Người khuyết tật gian nan thi lấy bằng lái xe. Liên quan vấn đề này, tại buổi họp báo kinh tế - xã hội TP.HCM chiều 16.2, ông Bùi Hòa An, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho hay thực tế số lượng hồ sơ khám sức khỏe lái xe đối với người khuyết tật hiện nay rất hạn chế, cũng chưa có quy định cụ thể thế nào là hồ sơ sức khỏe đủ điều kiện thi giấy phép lái xe.
THIẾU CƠ SỞ Y TẾ KHÁM SỨC KHỎE CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT THI GPLX
Theo ông Bùi Hòa An, Thông tư 12/2017 (quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX) cơ giới đường bộ) của Bộ GTVT có quy định người khuyết tật (NKT) nộp hồ sơ phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện sức khỏe, và việc khám sức khỏe đối với NKT đã được Bộ Y tế và Bộ GTVT quy định. NKT muốn thi GPLX phải có kết luận của cơ quan y tế về điều kiện sức khỏe lái xe theo hạng.
Tuy nhiên, ông An cho biết hiện nay số lượng hồ sơ khám sức khỏe lái xe đủ điều kiện đối với NKT còn hạn chế. Nguyên nhân là các cơ sở đồng ý khám, chứng nhận đủ điều kiện sức khỏe lái xe cho NKT rất ít, "vì không có những quy định chi tiết của ngành y tế để kết luận thế nào là đủ điều kiện sức khỏe lái xe của NKT, nên bác sĩ gặp khó".
KHÔNG CÓ SÂN TẬP VÀ SÁT HẠCH
Theo ông Bùi Hòa An, hiện nay các cơ sở đào tạo và thi GPLX đối với NKT trên địa bàn TP.HCM không nơi nào có sân tập lái và sân sát hạch. Sở GTVT đang đề nghị Trường cao đẳng GTVT (trực thuộc Sở GTVT) cố gắng thực hiện công việc này để đáp ứng nhu cầu tập xe của NKT trên địa bàn TP.HCM. Sở GTVT cũng đã gửi văn bản cho Cục Đăng kiểm VN và ngành y tế TP.HCM để thống nhất cơ sở pháp lý cho NKT thi GPLX.
"Giờ xây một cơ sở vật chất hay sân sát hạch GPLX, tập lái cho NKT là có thể làm được trong thời gian tới, nhưng cơ sở pháp lý còn rất khó. Quy định tuy có nhưng không thống nhất do còn nhiều khác biệt giữa các bên, cũng như cách hiểu của các cơ sở y tế về xác minh sức khỏe đối với NKT thi GPLX", ông An nói.
Dự kiến thời gian tới Bộ GTVT có kế hoạch tổ chức 3 đoàn thanh, kiểm tra các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch để tìm những điểm khiếm khuyết, chưa đồng bộ với quy định của pháp luật về thi GPLX cho NKT.
"Sở GTVT sẽ tích cực đề nghị thêm các giải pháp trong thời gian sắp tới để đảm bảo nhu cầu của bà con nhân dân có khiếm khuyết về cơ thể tham gia giao thông an toàn", ông An nhấn mạnh.
Bộ Y tế, Bộ GTVT nói gì ?
Về tiêu chuẩn sức khỏe để cấp GPLX, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Nguyễn Trọng Khoa cho biết các quy định được thực hiện theo Thông tư liên tịch 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT (Thông tư liên tịch 24/2015) quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe, việc khám sức khỏe định kỳ đối với người lái ô tô và quy định về cơ sở y tế khám sức khỏe cho người lái xe.
Theo quy định tại Thông tư liên tịch 24/2015, nơi khám sức khỏe cấp GPLX là cơ sở đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Điều 6 của thông tư này và đã thực hiện việc công bố đủ điều kiện khám sức khỏe cho người lái xe theo quy định của Bộ Y tế.
Thông tư liên tịch 24/2015 cũng nêu rõ người có một trong các tình trạng bệnh, tật sau đây không đủ điều kiện để lái xe hạng A1 (xe máy 2 bánh, 3 bánh): liệt vận động từ 2 chi trở lên; thị lực nhìn xa 2 mắt dưới 4/10 (kể cả điều chỉnh bằng kính); nếu còn 1 mắt, thị lực dưới 4/10 (kể cả điều chỉnh bằng kính); rối loạn nhận biết 3 màu cơ bản đỏ, vàng, xanh lá cây; cụt hoặc mất chức năng 1 bàn tay hoặc 1 bàn chân và một trong các chân hoặc tay còn lại không toàn vẹn (cụt hoặc giảm chức năng)...
CÒN TẮC Ở KHÂU ĐĂNG KIỂM
Ông Bùi Hòa An cho biết xe tập lái và xe thi GPLX của NKT theo hạng A1 là loại xe 3 bánh đã được hoán cải và được cơ quan nhà nước đăng ký, đăng kiểm. Sở GTVT các tỉnh, thành phố không có chức năng nhiệm vụ để lập hồ sơ hoán cải đối với các loại xe này. Trong quy định, đây là các loại xe chuyên dụng mà Bộ GTVT và Cục Đăng kiểm VN cấp.
Tuy nhiên, loại xe này ở các địa phương gần như là không có. Bên cạnh đó, các cơ sở hoán cải xe của TP.HCM và các tỉnh khác cũng rất ít làm hồ sơ chuyên nghiệp về loại xe này nên NKT ở TP.HCM và các địa phương muốn thi GPLX gặp rất nhiều khó khăn.
Người có một trong các tình trạng bệnh, tật sau đây thì không đủ điều kiện để lái xe hạng B1 (ô tô con): rối loạn tâm thần cấp đã chữa khỏi hoàn toàn nhưng chưa đủ 6 tháng; rối loạn tâm thần mạn tính không điều khiển được hành vi; động kinh còn cơn trong vòng 24 tháng gần nhất (không/có dùng thuốc điều trị); liệt vận động từ 2 chi trở lên; rối loạn cảm giác sâu; thị lực nhìn xa 2 mắt dưới 5/10 (kể cả điều chỉnh bằng kính)… Nếu còn 1 mắt, thị lực dưới 5/10 (kể cả điều chỉnh bằng kính); rối loạn nhận biết 3 màu cơ bản đỏ, vàng, xanh lá cây; các bệnh, tật gây khó thở mức độ 3 trở lên; cụt hoặc mất chức năng 1 bàn tay hoặc 1 bàn chân và một trong các chân hoặc tay còn lại không toàn vẹn (cụt hoặc giảm chức năng). Các trường hợp sử dụng các chất ma túy, sử dụng chất có cồn nồng độ vượt quá giới hạn quy định đều không đủ điều kiện sức khỏe để cấp GPLX hạng A1 và B1...
"Các quy định được áp dụng chung cho những người tham gia lái xe, trên nguyên tắc đảm bảo an toàn cho cá nhân khi lái xe và những người khác cùng tham gia giao thông", ông Khoa chia sẻ.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng Quản lý vận tải phương tiện người lái, Cục Đường bộ (Bộ GTVT), cho biết Thông tư liên tịch 24/2015 đã quy định rõ chi tiết các hình thức khuyết tật được phép lái xe. Về phía ngành giao thông, Thông tư 38/2019 của Bộ GTVT thay thế cho Thông tư 12/2017 cũng quy định rõ các loại hình phương tiện mà NKT được phép lái.
"Quan điểm của ngành giao thông là ủng hộ nhu cầu được đào tạo, cấp bằng và điều khiển phương tiện của NKT, trên cơ sở phải đảm bảo tiêu chuẩn sức khỏe của Bộ Y tế. NKT có nhu cầu nếu khám tại các cơ sở y tế đủ điều kiện sức khỏe để lái xe, thì bên ngành giao thông sẽ tổ chức đào tạo. Mỗi loại hình khuyết tật sẽ có các loại xe tương ứng để đào tạo. Văn bản quy phạm pháp luật đều đầy đủ, vấn đề là khâu tổ chức thực hiện tại các địa phương, đơn vị", ông Thống nói.
Bình luận (0)