Người làm những việc... không tên tại tuyển Việt Nam

01/10/2016 10:04 GMT+7

Không bằng cấp hoành tráng, chủ yếu 'lấy công làm lời', nhưng sự có mặt của trợ lý Huỳnh Tấn Trí Thông thực sự cần thiết cho đội tuyển khi cáng đáng trăm việc không tên.

Nói là không tên, nhưng chẳng việc nào nhẹ nhàng. Nói hình tượng một chút, Huỳnh Tấn Trí Thông là người làm việc đầu tiên và kết thúc công việc cuối cùng ở mỗi buổi tập của đội tuyển, mà nếu vắng anh có thể khiến cả đội "đứng hình".
Khi xe chở đội tuyển dừng bánh tại sân Thống Nhất, người trợ lý có thân hình thấp đậm này luôn là người đầu tiên lập tức phóng xuống, mở nắm thùng xe và bắt đầu công việc nặng nhọc hàng ngày.
Từng thùng đồ một, thùng nào cũng nặng, lần lượt được người đàn ông sinh năm 1972 này thoăn thoắt khiêng vào trong sân. Làm sao để khi đội bóng thay đồi và bàn đấu pháp xong thì tất cả mọi thứ đã phải được đặt vào đúng chỗ.
Đủ thứ việc lỉnh kỉnh, như kiểm tra độ căng của mỗi trái bóng, xếp marker (dụng cụ đánh dấu mốc trên sân), các cây cọc luồn, hàng rào hình nhân, thang dây, vòng nhựa… được anh nhanh chóng bài bố ngăn nắp trên từng khu vực của sân theo chỉ định của HLV Hữu Thắng và HLV thể lực Martin Forkel.
Những thùng đồ thiết bị được anh Thông khuân vào sân Quốc Việt
Dẫn quân đánh trận, hậu cần đi trước. Người viết khi ra Hà Nội làm giải U.19 Đông Nam Á, gần một tuần trước khi đội tuyển tập trung đã thấy Trí Thông có mặt ở trụ sở Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF).
Anh ra bắc sớm, để làm các thủ tục nhận thiết bị phục vụ luyện tập, trang phục, thậm chí là cả nệm massage… và vận chuyển chúng vào TP.HCM làm sao để khi đội tuyển hội quân tất cả phải đầy đủ, sẵn sàng. Nhẩm sơ phải bốn năm chục kiện đồ to nhỏ, đủ chứa trên một chiếc xe tải.
HLV Hữu Thắng góp ý về thiết bị tập Quốc Việt
Ngược lại, khi đội tuyển kết thúc đợt tập trung, anh Trí Thông sẽ là người cuối cùng về nhà sau khi bàn giao đầy đủ các trang thiết bị. Những chiếc nệm massage mua tại Nhật Bản có giá hàng trăm USD phải lành lặn, các chiếc phao ngâm đá phải tươm tất...
Công việc của anh không đòi hỏi quá nhiều chất xám như các trợ lý chuyên môn khác. Nhưng nó nặng nhọc, ướt đẫm mồ hôi cùng đòi hỏi khắt khe về thời gian và độ chính xác, tính tỉ mỉ.
Anh Thông bàn với thợ làm lại phần mũi dài và vạt tròn hơn cho hợp lý và an toàn Quốc Việt
Đơn cử, quần áo của các tuyển thủ sau khi tập về phải được đem đi giặt sạch sẽ, không được thất thoát một món nào. Bóng lúc nào cũng phải bơm căng, marker phải đặt đúng chỗ. Rồi phải tháo cọc, dọn marker kịp nhanh để trả lại mặt sân cho đội tuyển tập bài mới...
Có những việc anh Trí Thông phải vừa làm vừa điều chỉnh. Ví dụ như mặt sân Thống Nhất là cỏ gừng sợi to, lại thêm những ngày mưa gió nên bộ thiết bị cọc luồn ban đầu của Grand Sport liên tục bị đổ rạp.
Công việc bất kể nắng mưa Độc Lập
Thế là anh Trí Thông phải lập tức “chế” lại, bỏ phần đế đổ nước không đủ chắc chắn và đặt thợ ở ngoài lắp thêm đầu nhọn để cắm vào đất.
Khi HLV Hữu Thắng nhìn thấy và cho rằng phần mũi chưa đủ dài và lại sắc quá có thể gây nguy hiểm cho mọi người, anh lập tức gọi thợ lên để điều chỉnh lại.
Tất tả, vừa làm cái này, vừa xem chừng cái khác, chạy ra chạy vào sân tập, quay như đèn cù.
Trợ lý Trí Thông cần mẫn với trăm việc không tên Độc Lập
Đội tuyển Việt Nam hướng đến AFF Cup giống một đoàn quân, nơi mỗi cá nhân từ binh đến tướng đều có nhiệm vụ và trách nhiệm riêng. Họ độc lập nhưng gắn kết với nhau để đảm bảo mọi bước hành quân, đánh trận thống nhất như một.
Huỳnh Tấn Trí Thông là một mắt xích như thế, không nổi bật và lặng lẽ. Nhưng bằng sức lực và sự tỉ mỉ của mình, mắt xích bình dị đó lúc nào cũng cần, để giải phóng những cộng sự xung quanh hỗ trợ cho HLV trưởng Nguyễn Hữu Thắng tốt hơn.
Tuyển VN mất Nghiêm Xuân Tú
Cú va đập rất nặng xuống nền đất sân Hàng Đẫy trong trận chung kết Cúp quốc gia Kiên Long Bank 2016 khiến tiền vệ Nghiêm Xuân Tú của Than Quảng Ninh bỏ lỡ cơ hội lần đầu tiên khoác áo đội tuyển VN. Tú buồn rầu nói: “Bác sĩ nói phải 3 tuần mới tập được. Lúc ngã, trong đầu chỉ nghĩ muốn băng đầu gối vào đá nốt trận chung kết mà không được. Nằm trên cáng chỉ nghĩ đến đội tuyển, tôi buồn quá”.
Theo chẩn đoán của bác sĩ Nguyễn Trọng Hiền thì Tú bị dập đụng khớp gối, rách da mặt ngoài gối (đã được khâu ở bệnh viện ngay tối 29.9), khớp có nhiều dịch nên không thể tập trung đội tuyển lần này.
HLV Hữu Thắng cũng bày tỏ sự nuối tiếc: “Tú là cầu thủ đầy tài năng và tâm huyết. Thật tiếc khi cậu ấy dính chấn thương nên lỡ cơ hội lần này. Nhưng cánh cửa đội tuyển luôn rộng mở với Tú. Nếu Tú khỏi và lấy lại phong độ, thể lực tốt, anh vẫn có suất trên tuyển”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.