Người làm rạng rỡ âm nhạc Việt - Kỳ 5: 50 năm 'chim Việt nhớ cành nam'

15/06/2015 05:52 GMT+7

Có lẽ khi bước chân xuống tàu Champollion từ Sài Gòn sang Pháp du học (1949), chàng thanh niên 28 tuổi Trần Văn Khê không thể ngờ rằng phải đến hơn nửa thế kỷ sau, mình mới được chính thức trở về sống trên quê hương...

Có lẽ khi bước chân xuống tàu Champollion từ Sài Gòn sang Pháp du học (1949), chàng thanh niên 28 tuổi Trần Văn Khê không thể ngờ rằng phải đến hơn nửa thế kỷ sau, mình mới được chính thức trở về sống trên quê hương...
GS Trần Văn Khê (giữa) tại Tân Sơn Nhất năm 1974 - Ảnh: Tư liệu gia đình
GS Trần Văn Khê (giữa) tại Tân Sơn Nhất năm 1974 - Ảnh: Tư liệu gia đình
Trần Văn Khê và ca khúc đầu tay ?
Thời học Trường Thuốc ở Hà Nội (1942 - 1943), Trần Văn Khê chơi thân với nhóm sinh viên gốc Nam bộ như Lưu Hữu Phước, Huỳnh Văn Tiễng, Mai Văn Bộ, Nguyễn Thành Nguyên... Dạo ấy, Trần Văn Khê viết một ca khúc đầu tay (và hình như là… duy nhất). Sau này ít nghe tác giả nhắc đến ca khúc này, nhưng nàng ca sĩ hát đầu tiên và hát rất thành công thì hơn nửa thế kỷ sau vẫn nhớ như in. Đó là nữ danh ca Mộc Lan.
Ngày 19.2.2010, người viết đã phỏng vấn “giọng ca vang bóng một thời” này (lúc đó bà đã 70 tuổi), bà nói: “Tôi đi hát từ năm 15 tuổi ở Đài Pháp Á. Bài hát đầu tiên thì không nhớ nổi nhưng tôi nổi tiếng với bài Em đi chùa Hương (thơ Nguyễn Nhược Pháp, nhạc Trần Văn Khê). Ông Khê viết bài này rất kỳ công, có xen kẽ những đoạn vừa nói vừa diễn tả rồi lại hát, cho nên bài hát rất dài và rất kén người hát. Tôi may mắn được coi là người đầu tiên thể hiện thành công bài hát này… Nghe nói ông Khê về nước mấy năm nay rồi, lẽ ra tôi phải đến thăm ông vì cái ơn hồi đó ông uốn nắn cho giọng hát của tôi từng chút một, nhưng giờ cả hai đều già yếu. Tôi nhớ dạo ông ấy còn ở bên Tây, tôi đã từng về quê của ông ấy ở xã Vĩnh Kim (Cái Bè, Mỹ Tho) hát. Mới đó mà đã hơn 50 năm rồi…”. Bà Mộc Lan vừa mất ngày 11.5.2015 tại Thủ Dầu Một, Bình Dương.
Tại sao Trần Văn Khê không được về miền Nam thời VNCH ?
Cuối năm 1943, ở Hà Nội có phong trào Xếp bút nghiên (một bài hát của Lưu Hữu Phước và Huỳnh Văn Tiễng) kêu gọi học sinh, sinh viên bãi khóa. Rồi nạn đói xảy ra ở miền Bắc, các sinh viên gốc Nam bộ đi xe đạp về quê vào tham gia phong trào Thanh Niên Tiền Phong. Sau đó tất cả đều tham gia kháng chiến, nhóm Hoàng Mai Lưu cũng ra đời (lấy tên của Huỳnh Văn Tiễng, Mai Văn Bộ, Lưu Hữu Phước) nhưng có đến 7 người: Trần Văn Khê, Phan Huỳnh Tấn, Quách Vĩnh Chương và Nguyễn Mỹ Ca (anh họ Trần Văn Khê, con ông cậu Nguyễn Tri Khương). Trần Văn Khê được cử làm Nhạc trưởng Quân đội Nam bộ (cấp Đại đội trưởng)... Tuy nhiên do vướng bận chuyện gia đình vợ con nên Trần Văn Khê trở lại Sài Gòn, vừa dạy học vừa viết báo nhưng do vẫn liên lạc với những người kháng chiến nên anh bị mật thám Pháp theo dõi và bắt giam... Đó là lý do Trần Văn Khê tìm cách rời khỏi miền Nam để sang Pháp qua nhiều trung gian với sự giúp đỡ của nhiều người Pháp tốt bụng. Tháng 5.1949, Trần Văn Khê rời Sài Gòn xuất dương qua Pháp trên con tàu Champollion. Trước đó, hai tờ báo Thần Chung và Việt Báo đã cấp cho anh thẻ phóng viên tác nghiệp ở hải ngoại. Tình cờ, quốc vương Sisavang Phoulivong (Vương quốc Lào) cũng có mặt trên con tàu Champollion, vậy là Trần Văn Khê tranh thủ “hành nghề” bằng bài phỏng vấn vua nước Lào, độc quyền cho hai tờ báo kể trên...
Mới chân ướt chân ráo đến Pháp, tháng 8.1949 Trần Văn Khê nhận lời một người bạn để cùng sang Budapest (Hungary) tham dự Đại hội Liên hoan Thanh niên. Liên hoan này do các nước XHCN tổ chức 2 năm/lần tại các nước Đông Âu và đây là lần đầu tiên nước VNDCCH được mời tham dự nhưng chỉ có một đại biểu được cử sang nên 17 thanh niên người Việt ở Pháp kéo sang hỗ trợ. Tại đây, Trần Văn Khê là nòng cốt của chương trình văn nghệ, giới thiệu văn hóa VN trước đại hội. Kết quả, 2 tờ báo Thần Chung và Việt Báo ở Sài Gòn đưa tin “Trần Văn Khê đoạt giải nhì đờn nhạc cụ dân tộc tại Budapest”. Đây là lần đầu tiên Trần Văn Khê giới thiệu dân ca - dân nhạc VN với bạn bè quốc tế, khởi đầu cho hàng trăm lần như thế của gần 70 năm sau này. Cũng chính vì tham gia các hoạt động của khối Cộng sản mà Trần Văn Khê bị chính quyền sở tại (Pháp) ghi tên vào “sổ bìa đen”, còn phía Mỹ từ chối không cấp học bổng cho Trần Văn Khê.
Đây cũng là lý do để chính quyền VNCH (1954 - 1975) không cho phép Trần Văn Khê hồi hương, trừ một lần anh được phép “ghé” Sài Gòn với sự bảo lãnh của 2 bạn học cũ là Bùi Văn Nhu và bác sĩ Nguyễn Lưu Viên. Đó là vào năm 1974, khi Trần Văn Khê từ Pháp sang Úc dự Hội nghị Giáo dục âm nhạc tại châu Á. Với sự bảo lãnh của các bạn học cũ, Trần Văn Khê đã được phép “quá cảnh” ở Sài Gòn trong thời gian… 3 tuần. Đón chàng nhạc sĩ - tiến sĩ 53 tuổi tại phi trường Tân Sơn Nhất có ông Bùi Văn Nhu, 2 người con của Trần Văn Khê là Quang Minh và Thủy Tiên, 2 người em là Trần Văn Trạch và Ngọc Sương và rất nhiều văn nghệ sĩ như: Năm Châu, Phùng Há, Kim Cương, Phạm Duy, Vĩnh Phan, Nguyễn Hữu Ba, Nguyễn Vĩnh Bảo…
Trong thời gian “quá cảnh” Sài Gòn này, Trần Văn Khê được mời đi diễn thuyết ở nhiều nơi. Ông còn được Phó tổng thống Trần Văn Hương mời dự buổi hòa đàn với các danh cầm lúc đó như: Năm Châu, Vĩnh Bảo, Năm Cơ, Sáu Tửng, Tư Huyện, Bảy Bá (tức soạn giả Năm Châu)... tại tư dinh. (Còn tiếp)

Những ngày qua, sau thông tin của Thanh Niên về GS-TS Trần Văn Khê nhập viện vì sức khỏe suy yếu, GS đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc gần xa. Chiều 13.6, đại diện Phương Nam Phim và một số thân hữu đã gặp và trao số tiền 44 triệu đồng cho người nhà GS-TS Trần Văn Khê, nhằm chia sẻ một phần nhỏ trong việc chăm sóc cho ông những ngày điều trị bệnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.