Người lao động bị ngừng việc vì dịch được trả lương ra sao ?

16/06/2021 06:17 GMT+7

Việc khẩn trương trả tiền lương ngừng việc phần nào giúp người lao động bớt khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Ngày 14.6, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP.HCM có công văn hướng dẫn công đoàn các cấp về việc thực hiện quy định tiền lương ngừng việc cho người lao động (NLĐ) bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo LĐLĐ TP, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tại địa phương với nhiều chuỗi lây nhiễm, tác động xấu đến hoạt động của nhiều doanh nghiệp (DN) khiến NLĐ bị gián đoạn công việc, mất thu nhập.

Sáng 16.6: Thêm 92 ca Covid-19, TP.HCM có 20 bệnh nhân

Hàng ngàn NLĐ phải ngừng việc

Tại Q.Gò Vấp, địa phương vừa qua phải áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, bà Nguyễn Thị Bạch Yến, Chủ tịch LĐLĐ quận, cho hay trên địa bàn hiện có khoảng 50 công ty, đơn vị, DN cho NLĐ ngừng việc. Với đơn vị kinh doanh nhà hàng, tiệc cưới, sân golf khi ngừng hoạt động kéo theo nhiều NLĐ làm nghề bảo trì máy móc, chăm sóc cỏ, phục vụ... tạm ngưng công việc. Sơ bộ tính đến chiều 15.6, có 2.017 NLĐ tại Gò Vấp bị ảnh hưởng dịch Covid-19. Trong đó, có 1.199 NLĐ bị tạm hoãn hợp đồng lao động, 748 NLĐ nghỉ việc không lương, 70 NLĐ bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp. Hiện nay, công đoàn quận đang phối hợp vận động các bên để triển khai tốc lực các biện pháp hỗ trợ NLĐ.
Trong khi đó, ông Huỳnh Văn Tuấn, Chủ tịch Công đoàn các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM, cho biết bên cạnh các trường hợp F0, F1 đã đi cách ly thì hiện có 5 DN (thuộc quản lý của Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM) đang thực hiện cách ly khoảng 1.300 NLĐ tại DN, khu lưu trú tại DN. “Về vấn đề tiền lương, tùy thời gian NLĐ ngừng việc mà các DN sẽ giải quyết đúng mức. Có đơn vị trả mức lương 70%, có đơn vị trả theo mức lương tối thiểu vùng. Do công nhân ngừng việc khoảng từ 14 - 21 ngày nên chiếu theo bộ luật Lao động 2019 thì phương án DN thỏa thuận mức lương cùng NLĐ chiếm tỷ lệ cao nhất”, ông Tuấn nói và cho biết thêm đối với những trường hợp là F0, F1 phải đi cách ly, công đoàn thực hiện chăm lo theo chỉ đạo của Tổng LĐLĐ VN và LĐLĐ TP.HCM về việc chi hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng bởi Covid-19 trong đợt dịch thứ 4 này.

Bản tin Covid-19 ngày 15.6: Nỗi lo mới từ điểm nóng dịch bệnh

Thỏa thuận nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu

Theo Công văn của LĐLĐ TP.HCM hướng dẫn công đoàn các cấp thực hiện quy định tiền lương ngừng việc cho NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, NLĐ đang ngừng việc vì thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 hoặc bị cách ly tại khu nhà trọ, khu lưu trú, khu chế xuất, khu công nghiệp, DN... nên phải ngừng việc theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền là trường hợp được hưởng tiền lương ngừng việc theo quy định ở khoản 3, điều 99 bộ luật Lao động năm 2019.
Cụ thể, với trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu. Còn trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu.
LĐLĐ TP.HCM cũng lưu ý công đoàn cơ sở chủ động vận động, thương lượng DN khẩn trương hỗ trợ trả tiền lương ngừng việc để NLĐ vượt qua khó khăn.
Như Thanh Niên đã thông tin, từ ngày 9 - 15.6, có nhiều công ty, đơn vị có NLĐ mắc Covid-19 như Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (Q.Bình Tân), Công ty TNHH Furukawa Automotive Parts Vietnam Inc (Khu chế xuất Tân Thuận, Q.7), Công ty TNHH Việt Nam Samho (xã Trung An, H.Củ Chi), Công ty TNHH Tỷ Hùng (P.An Lạc, Q.Bình Tân)... Ngoài ra, còn có công nhân, NLĐ bị ngưng việc do khu vực sinh sống bị phong tỏa hoặc bị cách ly vì là trường hợp tiếp xúc gần với ca mắc Covid-19. Tại Q.Gò Vấp nơi mới vừa bỏ giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, đời sống của không ít NLĐ lao đao.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.