Người lao động có nhiều cơ hội lựa chọn hưởng chính sách BHXH

16/03/2023 20:14 GMT+7

Không chỉ khắc phục những bất cập từ thực tiễn, dự thảo luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi còn bổ sung thêm nhiều chính sách mang lại quyền lợi cho người lao động.

Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Bá Hoan cho biết tại buổi họp báo thông tin về dự thảo luật BHXH sửa đổi, diễn ra chiều 16.3.

Người lao động có nhiều cơ hội lựa hưởng chính sách BHXH - Ảnh 1.

Bộ LĐ-TB-XH thông tin về dự thảo luật BHXH sửa đổi

SƠN NGUYỄN

Theo Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan, dự thảo luật BHXH sửa đổi gồm 9 chương và 133 điều (nhiều hơn 8 điều so với luật hiện hành).

Nội dung sửa đổi chính tập trung vào 5 nhóm chính sách lớn đã được Chính phủ, Quốc hội thông qua gồm: xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, linh hoạt; mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH; mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng BHXH (lương hưu, BHXH hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội); bổ sung nội dung quy định quản lý thu, đóng BHXH; đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư Quỹ BHXH theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả.

Ông Hoan cho hay, khi đưa ra lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân, dự thảo luật BHXH sửa đổi cơ bản khắc phục được các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành luật BHXH năm 2014 và Nghị quyết số 93/2015/QH13.

Có thể hưởng trợ cấp khi chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu

Một trong những chính sách được người lao động quan tâm đó là, so với luật hiện hành, dự thảo lần này sẽ bổ sung tầng trợ cấp hưu trí xã hội bên cạnh tầng BHXH cơ bản, tầng bảo hiểm hưu trí bổ sung. Cơ quan soạn thảo luật đồng thời bổ sung quy định về liên kết giữa tầng trợ cấp hưu trí xã hội với tầng BHXH cơ bản, nhằm mở rộng đối tượng thụ hưởng chế độ.

Ông Nguyễn Duy Cường, Phó vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB-XH), chia sẻ: "Người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu thì có thể lựa chọn hưởng trợ cấp hàng tháng từ Quỹ BHXH cho thời gian trước khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Điều này tùy thuộc vào thời gian đóng, tiền lương, thu nhập tháng của BHXH của họ. Trong thời gian hưởng trợ cấp hàng tháng thì được hưởng bảo hiểm y tế (BHYT)".

Cũng theo ông Cường, ưu điểm của dự thảo lần này là người lao động có thêm nhiều lựa chọn; đáng chú ý là quy định giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm để được hưởng lương hưu.

Theo số liệu thống kê của Bộ LĐ-TB-XH, mỗi năm có gần 700.000 lao động hưởng BHXH 1 lần, thiệt thòi cho người lao động mất và giảm cơ hội để được hưởng lương hưu. Số liệu cũng cho thấy, có khoảng 20.000 người khi đến tuổi về hưu không đủ thời gian đóng 20 năm; có 300.000 người có thời gian đóng từ 10 năm trở lên.

Ông Cường chia sẻ: "Việc dự thảo sửa đổi giảm thời gian đóng hướng tới tạo cơ hội cho các đối tượng như trên hưởng lương hưu. Có thể mức lương thấp nhưng so với trước đây, người lao động có cơ hội được hưởng lương hưu hàng tháng, được điều chỉnh theo định kỳ và quan trọng hơn là có thẻ BHYT khi đi khám, chữa bệnh", ông Cường nói.

Bên cạnh giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm để được nhận lương hưu, người lao động muốn bảo lưu thời gian đóng BHXH sẽ tiếp tục được hưởng quyền lợi trên thời gian đóng, hoặc có thể bảo lưu sau đó đóng một lần cho thời gian còn thiếu để đủ 15 năm được hưởng hưu. Ngoài ra, người lao động có thể lựa chọn rút BHXH 1 lần hoặc nhận trợ cấp hàng tháng.

Hoãn xuất cảnh chủ sử dụng lao động trốn đóng BHXH

Nhằm góp phần hạn chế tình trạng trốn đóng BHXH, đảm bảo quyền lợi của người lao động, dự thảo luật đã bổ sung nội dung quy định quản lý thu, đóng BHXH, trong đó quy định trách nhiệm của các cơ quan trong xác định và quản lý đối tượng thuộc diện tham gia BHXH.

Đặc biệt, dự thảo cũng đã bổ sung các biện pháp xử lý, tăng cường chế tài để đảm bảo tính thực thi pháp luật.

Cụ thể, quy định nộp số tiền tính theo ngày đối với các trường hợp trốn đóng (0,03%/ngày tương tự như tiền chậm nộp thuế).

Cơ quan có thẩm quyền quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động trốn đóng BHXH từ 6 tháng trở lên.

Cơ quan có thẩm quyền quyết định hoãn xuất cảnh đối với với trường hợp người sử dụng lao động trốn đóng BHXH từ 12 tháng trở lên.

Quy định tổ chức công đoàn và cơ quan BHXH có thẩm quyền khởi kiện vụ việc về BHXH ra tòa án.

Khi có dấu hiệu phạm tội trốn đóng BHXH theo quy định của bộ luật Hình sự, cơ quan BHXH kiến nghị khởi tố theo quy định của pháp luật.

Bổ sung trách nhiệm của người sử dụng phải bồi thường cho người lao động nếu không tham gia hoặc tham gia BHXH bắt buộc không đầy đủ, kịp thời mà gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.

Ông Cường cho hay: "Việc sửa đổi, bổ sung như trên nhằm hạn chế tối đa tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH, đặc biệt chậm đóng, trốn đóng thời gian dài dẫn đến không có khả năng thu hồi; góp phần đảm bảo quyền tham gia và thụ hưởng BHXH của người lao động".

Theo Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan, dự thảo luật BHXH sửa đổi được lấy ý kiến đến tháng 4, dự kiến hoàn thiện, đưa ra Chính phủ vào tháng 6; trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp Quốc hội tháng 10; thông qua tại kỳ họp tháng 5.2024 và có hiệu lực từ 1.1.2025.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.