Người lao động lao đao trước bão giá

03/03/2022 07:00 GMT+7

Bão giá càn quét, len lỏi… vào mỗi bữa ăn trưa của người lao động , không ít người cho biết đã chạy đến “hụt hơi” trên con đường mưu sinh kiếm sống…

Chạy hụt hơi theo đà tăng giá

“Làm gì có chuyện dư, nay cố gắng để không bị thiếu ăn là may rồi”.

Đó là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Lựu (quê Quảng Trị) là nhân viên bán hàng cho cửa hàng thời trang D.H trên đường Tân Thọ (Q.Tân Bình, TP.HCM) khi được hỏi mỗi tháng tiết kiệm được bao nhiêu tiền. Bà Lựu tính toán, lương trung bình mỗi tháng bà nhận 7,5 triệu đồng, trong đó bao gồm cả tiền cơm trưa. Tuy nhiên, trưa bà không ăn ngoài mà chạy về nhà trọ gần đó để ăn cơm cùng với cô con gái.

Mức lương công nhân dưới 7 triệu đồng/tháng đã thấy lao đao trước bão giá

Ngọc Dương

“7,5 triệu đồng cho cả 2 mẹ con bao gồm tiền thuê nhà, tiền ăn, tiền học, tiền áo quần… Nếu ăn cơm bụi vào bữa trưa thôi, mỗi bữa cũng hết 60.000 đồng/2 hộp cơm. Nhưng nói vậy thôi, nếu về nấu không kịp, thỉnh thoảng mua một hộp cơm cho con bé kịp ăn đi học cũng mất 30.000 đồng. Mà “ác nhơn” chi lạ, hộp cơm bụi năm ngoái có 20.000 đồng, hồi sau dịch mới đi làm lại họ bán 25.000 đồng/hộp đã thấy cao, nay tăng lên 30.000 đồng/hộp luôn”, bà Lựu nói và tính toán: Tiền thuê nhà 2 triệu đồng; tiền mạng internet để con học online, tiền điện thoại và tiền điện nước hết hơn 1 triệu đồng; tiền học thêm, học ở trường của con gái gần 1 triệu đồng; tiền xăng xe cho mẹ đi làm và đưa con đi học hết 300.000 - 400.000 đồng, còn lại tiền ăn 2 mẹ con khoảng 3 triệu đồng trong 1 tháng.

Thực tế, vật giá leo thang quá chừng khiến người lao động và những doanh nghiệp nhỏ cực kỳ khó khăn, áp lực tiền bạc, giá cả mỗi ngày căng vô cùng

Bà Nguyễn Bính, Tổng giám đốc Công ty CP sản xuất thương mại dịch vụ Nguyễn Bính

“Xăng ngày trước đổ 50.000 đồng một lần đi được 4 ngày, nay chạy 3 ngày đã hết. Trước thỉnh thoảng buổi sáng cho con 15.000 đồng mua ổ bánh mì, cả tháng nay cho ăn sáng toàn mì gói lẩu thái giá 6.200 đồng. Mẹ con lo “chắt bóp” trong khoản đó thôi, tháng nào hết sạch tiền tháng đó, khéo vén lắm vẫn thiếu trước hụt sau. Hồi học sinh đi học lại, phải vào trường mua cho con bé 2 bộ đồ đồng phục hết 460.000 đồng, may bà chủ cho 300.000 đồng cũng đỡ”, bà nói giọng chưa hết cảm kích.

Chủ xe khách “lòng như lửa đốt” vì giá xăng dầu tăng mãi không ngừng

Lao động tự do khó khăn đã đành, công nhân, nhân viên văn phòng cũng chật vật không kém. Đang công tác tại 1 công ty chuyên cung cấp thiết bị y tế tại TP.HCM, Thùy Dung (25 tuổi, quê Bình Phước, trọ tại Q.Bình Thạnh, TP.HCM) chưa hết sốc vì bất ngờ bị cho thôi việc cách đây gần 1 tuần.

Dung kể giai đoạn cao điểm dịch năm 2021, công ty vẫn hoạt động bình thường. Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2022, lấy lý do tình hình dịch bệnh phức tạp trở lại, nên công ty sắp xếp cho nhân viên luân phiên, chia ca làm tại nhà. Cuối tháng 2 vừa qua, trong thời gian Dung đang làm việc tại nhà thì quản lý trực tiếp gọi điện và bảo kết thúc hợp đồng lao động vì công ty thay đổi định hướng phát triển. Mỗi nhân viên bị cho thôi việc sẽ được hỗ trợ 1 triệu đồng để tìm công việc mới.

“Nghe nghẹn luôn. Mới lên lại Sài Gòn dự định ổn định việc làm lâu dài…”, Dung buồn bã bỏ lửng câu nói và cho biết, thất nghiệp đúng giai đoạn vật giá leo thang chóng mặt, dịch bệnh tăng cao trở lại nên cuộc sống vốn khó khăn lại càng khó gấp bội đối với cô gái 25 tuổi này. Dung nói thêm: Thu nhập trước đây lương 8 - 9 triệu đồng/tháng, đóng tiền thuê nhà cộng điện nước hết khoảng 3 triệu đồng; thêm xăng xe đi lại, tiền điện thoại 500.000 đồng/tháng, chi phí cho ăn uống hết 4 triệu đồng… Tính ra, không dư dả được bao nhiêu. Thu nhập thấp, tiền phòng cao nên “phải cố gắng cân đối thu chi, tính toán cẩn thận vì tháng nào có đám cưới, tiệc tùng hay xe cộ hư hỏng là coi như xong, không còn đồng nào”, Dung nói.

Cùng tuổi, cùng quê và trọ cùng nơi với Dung, Mai Hương cũng đang trong những tháng ngày chật vật vì gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền. Đầu năm 2021, Hương quyết định xuống TP.HCM làm việc sau 3 năm công tác tại Bình Phước. Vừa ổn định được chỗ ở và xin được công việc khá tốt thì dịch ập tới. Chưa kịp đi làm được ngày nào, Hương đã nhận thông tin “tạm thời ở nhà chờ, khi nào bớt dịch công ty sẽ liên hệ tới làm việc”.

Gần 5 tháng thất nghiệp, dịch bệnh căng thẳng nên gia đình không thể tiếp tế đồ ăn, toàn bộ các chi phí thuê nhà, ăn uống, sinh hoạt phí (khoảng 6 - 7 triệu đồng/tháng) đã ngốn hết số tiền tiết kiệm mà Hương dành dụm suốt 3 năm đi làm trước đây. Chạm tới ngưỡng cạn kiệt, Mai Hương nản chí tính về quê tìm việc thì lại may mắn được 1 công ty xuất khẩu nhận với mức lương 10 triệu đồng/tháng.

Người lao động và doanh nghiệp cùng gồng mình trước bão giá

Thu nhập bấp bênh, vật giá leo thang, tiền nhà trọ, tiền ăn uống đều tăng mạnh khiến không ít người có mức lương dưới 7 triệu đồng/tháng quá chật vật trước những đợt bão giá. Thậm chí, không ít người quyết định nghỉ việc quay trở về quê nhà. Lê Thị Thu Ngân, nhân viên văn phòng luật sư tại Q.1 (TP.HCM), cho biết cô quyết định về quê Phú Yên trong cuối tháng 2 năm nay vì lương chỉ 5,5 triệu đồng/tháng, không đủ trang trải nhà trọ và đi lại, ăn uống. “Về nhà chờ kiếm việc lương cao hơn xíu, học 4 năm ra, bằng loại giỏi mà lương vậy không sống nổi tại TP.HCM”, Ngân nói.

Rất nhiều người chọn phương án giống Ngân. Và vì thế, nhiều doanh nghiệp đang rất khó khăn trong việc tuyển lao động.

Tìm được việc mừng quá, nhưng đợt này đi làm chi phí tăng cao kinh khủng. Tiền xăng xe đi lại, ăn uống đã cao, lại phải gánh thêm chi phí xét nghiệm khốn khổ luôn. Ngày nào về nhà cũng nghe tin cơ quan có F0, lại phải mua kit test. Giá kit test giờ tăng lên 140.000 đồng/bộ, một tuần test 3 lần là đi toi gần 500.000 đồng rồi. Nếu tình hình cứ mãi thế này, lại phải tính chuyện về quê thật thôi.

Chị Mai Hương

Bà Nguyễn Bính, Tổng giám đốc Công ty CP sản xuất thương mại dịch vụ Nguyễn Bính, cho hay từ sau tết đến nay, bà đăng tuyển công nhân liên tục, từ tuyển tài xế giao hàng đến công nhân làm việc trong xưởng nhưng rất khó, vì đa số không có kinh nghiệm nhưng lại chịu khổ không quen hoặc bảo lương không đủ sống.

“Lương công nhân làm từ chiều đến tối từ 7 - 8 triệu đồng/tháng, nhưng làm chưa được 1 tháng lại xin nghỉ bảo tiền trọ tăng quá, tiền đi lại tăng nhiều quá. Lại tuyển, hứa hẹn cho ở lại xưởng, nhiều em không thích, thích thuê nhà ở ngoài, lại khó, lại nghỉ về quê. Ngay tài xế giao hàng, làm việc từ 8 giờ tối đến 6 giờ sáng hôm sau, mỗi tháng từ 9 - 11 triệu đồng, nhưng tìm đỏ mắt cũng không có. Cứ vào làm dăm ba bữa lại nghỉ vì không quen... Nhưng nếu mình trả lương tăng nữa thì mình thành đi làm thuê cho công nhân luôn. Thực tế, vật giá leo thang quá chừng khiến người lao động và những doanh nghiệp nhỏ cực kỳ khó khăn, áp lực tiền bạc, giá cả mỗi ngày căng vô cùng”, bà chia sẻ.

Nhiều doanh nghiệp lớn chọn con đường tăng đãi ngộ nhưng giảm điều kiện để giữ tuyển lao động. Đại diện Công ty TNHH Furukawa Automotive Parts Vietnam (Khu chế xuất Tân Thuận, Q.7, TP.HCM) cho biết từ sau tết, công ty đăng tuyển hơn 500 công nhân không yêu cầu kinh nghiệm, thu nhập từ 8,5 - 11 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, chi tiết quan trọng mà theo lãnh đạo công đoàn của công ty này chia sẻ là những phúc lợi xã hội kèm theo cho người lao động. Đó là đào tạo nghề, hỗ trợ khu lưu trú, xe đưa rước đi làm, thưởng tháng 13, tham quan nghỉ mát trong năm…

Ông Hoàng Xuân Thái, Chủ tịch Công đoàn Furukawa Automotive Parts Vietnam, cho rằng phải có nhiều chính sách đãi ngộ mới thu hút lao động mới. Những đãi ngộ thực tế như hình thức ngầm cho người lao động hiểu, công ty luôn đồng hành, chia sẻ lâu dài với họ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.