Người lao động nghỉ việc, có bắt buộc phải bàn giao công việc?

18/03/2023 19:19 GMT+7

Theo luật, khi chấm dứt hợp đồng lao động, người lao động không phải bàn giao công việc, trừ khi đây là thỏa thuận được quy định trong hợp đồng lao động.

Một người lao động gửi thắc mắc tới Thanh Niên: "Tôi ký hợp đồng lao động 12 tháng. Làm việc được 8 tháng, tôi có chuyện cá nhân nên nộp đơn nghỉ việc và nghỉ luôn vào ngày hôm sau. Tôi cũng chấp nhận các nghĩa vụ liên quan do vi phạm thời gian báo trước chấm dứt hợp đồng.

Tuy nhiên, đến nay đã 3 tháng trôi qua, công ty chưa ra quyết định nghỉ việc cho tôi. Lý do công ty đề cập là vì tôi chưa bàn giao công việc. Tôi có bàn giao qua online vì ở xa không vào trực tiếp được. Vậy khi nghỉ việc, tôi có phải bắt buộc bàn giao công việc hay không?".

Đây cũng là một tình huống mà nhiều người lao động thường gặp phải, nhưng lại lúng túng không biết xử lý như thế nào.

Người lao động nghỉ việc, có bắt buộc phải bàn giao công việc không? - Ảnh 1.

Người lao động nghỉ việc không cần bàn giao công việc trước trừ khi đây là quy định được đề cập trong hợp đồng lao động

NGỌC DƯƠNG

Luật sư tư vấn

Luật sư Trương Văn Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM, Văn phòng luật sư Trạng Sài Gòn) cho biết, theo điều 48 bộ luật Lao động năm 2019 quy định về trách nhiệm khi chấm dứt hợp đồng lao động, không bắt buộc người lao động phải thực hiện việc bàn giao công việc.

Tuy nhiên, theo Khoản 2, điều 5 Bộ luật Lao động 2019, người lao động có nghĩa vụ thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể cũng như các thỏa thuận hợp pháp khác.

Thế nên, người lao động cần xem xét quy định "phải bàn giao công việc trước khi nghỉ việc" có được đề cập trong hợp đồng lao động hoặc thỏa ước lao động tập thể hay các thỏa thuận hợp pháp giữa doanh nghiệp và người lao động không.

Nếu có, người lao động có trách nhiệm bàn giao công việc theo quy định trên.

Nếu trong hợp đồng lao động hay các văn bản thỏa thuận không đề cập đến quy định này thì trường hợp 3 tháng qua công ty chưa ra quyết định nghỉ việc cho người lao động sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động, đặc biệt là không hưởng được trợ cấp thất nghiệp.

Vì vậy, đối chiếu theo quy định tại Nghị định 24/2018 của Chính phủ, nếu có căn cứ cho rằng hành vi của người sử dụng lao động là trái luật, xâm phạm trực tiếp quyền và lợi ích hợp pháp của mình, người lao động có thể khiếu nại (hoặc ủy quyền cho người khác khiếu nại), khởi kiện đến tòa án.

Cũng theo quy định, người lao động phải gửi đơn khiếu nại cho người sử dụng lao động để giải quyết khiếu nại lần đầu.

Nếu không đồng ý quyết định giải quyết khiếu nại của công ty, người lao động gửi đơn khiếu nại lần hai cho Chánh thanh tra Sở LĐ-TB-XH nơi công ty đặt trụ sở chính hoặc gửi đơn kiện ra tòa án.

Luật sư Trương Văn Tuấn cũng thông tin rằng thông thường trong hợp đồng lao động hay thỏa ước lao động tập thể ít đề cập đến việc chấm dứt hợp đồng, nghỉ việc và bàn giao công việc. Đa số chỉ thỏa thuận về mức lương, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi, mức lương và các chế độ đãi ngộ khác.

Tuy nhiên, luật sư Tuấn cũng nhấn mạnh trách nhiệm của người lao động vẫn nên bàn giao công việc của mình để không ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp nơi mình từng gắn bó cũng như đến việc giải quyết các chế độ phúc lợi, trợ cấp thất nghiệp, tuyển dụng mới...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.