Người lao động phải thêm nhiều kỹ năng để có việc làm trong bối cảnh dịch Covid-19

15/07/2021 17:00 GMT+7

Đại dịch Covid-19 làm thay đổi xu hướng tuyển dụng, phương thức làm việc cũng như cơ cấu các ngành nghề trên thị trường lao động, nên đòi hỏi người lao động cũng phải thay đổi để không bị thất nghiệp.

Đó là nội dung được các chuyên gia trong nước và quốc tế thảo luận tại Diễn đàn quốc tế về Tương lai việc làm trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và Cách mạng công nghiệp 4.0, với chủ đề “Phát triển những kỹ năng thiết yếu cho thanh niên Việt Nam”, do BLĐ-TB-XH và Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức trực tuyến chiều qua 14.7.

Thị trường việc làm trải qua sự thay đổi lớn

Tại diễn đàn, ông Till Alexander Leopold, Giám đốc Trung tâm Tầm nhìn tiên phong, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), cho biết dịch Covid-19 đã khiến 83% doanh nghiệp phải chuyển sang hình thức làm việc từ xa, 84% doanh nghiệp phải đẩy mạnh chuyển đổi số và 50% phải đẩy mạnh tự động hóa.
Về mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với người lao động Việt Nam, tiến sĩ Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề - Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, dẫn số liệu: "Tính đến quý 2 năm nay, cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập… tăng 3,7 triệu người so với quý. Trong đó, nhóm lao động chịu ảnh hưởng nhiều nhất là ở độ tuổi từ 25-54, chiếm 75%. Số người thất nghiệp ở độ tuổi lao động trong quý 2 là gần 1,2 triệu người, tăng 87.100 người so với quý trước.
Chính vì thế, trong bối cảnh suy giảm việc làm nghiêm trọng do đại dịch Covid-19, ông Srinivas B Reddy, Giám đốc toàn cầu về kỹ năng và việc làm thuộc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), cho rằng thúc đẩy việc làm cho thanh niên là ưu tiên hàng đầu trên toàn cầu và ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam.
Đồng thời, giới chuyên gia dự đoán các nghề sẽ tăng nhu cầu việc làm gồm có phân tích dữ liệu và khoa học, trí tuệ nhân tạo và chuyên gia máy móc, chuyên gia dữ liệu lớn, chuyên gia marketing và kỹ thuật số, chuyên gia chuyển đổi số, phân tích bảo mật thông tin, phát triển phần mềm ứng dụng, chuyên gia kết nối vạn vật..., theo ông Till Alexander Leopold.

Các kỹ năng thiết yếu

Để có thể cạnh tranh việc làm trong thời đại nhiều biến chuyển do dịch bệnh và công nghệ lên ngôi, các chuyên gia tại diễn đàn cho rằng người lao động nhất định phải thay đổi rất nhiều, trong đó kỹ năng đóng vai trò quan trọng.
Tiến sĩ Nguyễn Chí Trường cho biết tiêu chuẩn kỹ năng nghề Việt Nam yêu cầu người lao động phải có năng lực cơ bản (gồm những năng lực áp dụng để làm việc nói chung không dành riêng cho một ngành nghề), như kỹ năng ứng xử, thích nghi, công nghệ thông tin, an toàn lao động...; năng lực chung gồm những năng lực bắt buộc phải có khi làm việc trong một ngành công nghiệp cụ thể nhưng có tính đa ngành, xuyên ngành và năng lực chuyên môn gồm những năng lực cần thiết của nghề mà một cá nhân cần có để được thừa nhận là có năng lực tại một cấp độ cụ thể.
Tuy nhiên, để có thể tồn tại, người lao động bắt buộc phải luôn không ngừng học hỏi và bổ sung những kỹ năng mới. Ông Srinivas B Reddy nhìn nhận: "Khả năng thích ứng với sự thay đổi được xác định là một trong những kỹ năng được yêu cầu nhiều nhất. Để làm được điều này, kỹ năng cốt lõi hoặc kỹ năng chuyển đổi đóng một vai trò rất quan trọng. Những kỹ năng này bao gồm kỹ năng phân tích để thu thập thông tin và hiểu được thông tin khổng lồ, kỹ năng giải quyết vấn đề để phân tích tình huống, đưa ra và đánh giá các phương án khác nhau để có một hành động tối ưu, tư duy logic để rút ra quan hệ nhân quả và khả năng làm việc với những người khác để đạt được mục tiêu chung".
Ngoài ra, theo ông Srinivas B Reddy, làm việc nhóm, cộng tác, giao tiếp, sáng tạo và học hỏi là những kỹ năng ngày càng trở nên quan trọng để phát triển khả năng phục hồi và khả năng thích ứng của thanh niên đối với sự thay đổi của thị trường lao động.
Ông Till Alexander Leopold bổ sung thêm nhóm kỹ năng thiết yếu, như tư duy phân tích và đổi mới, chiến lược học tập và học tập tích cực, giải quyết vấn đề phức tạp, tư duy phản biện và phân tích, sáng tạo độc đáo và chủ động, sử dụng - giám sát và kiểm soát công nghệ, thiết kế và lập trình công nghệ; khả năng phục hồi, chịu đựng căng thẳng...
Chia sẻ tại diễn đàn, ông Nguyễn Chí Trường đã đưa ra các giải pháp nhằm phát triển kỹ năng cho người lao động Việt Nam. Trong đó, cần định vị mục tiêu giáo dục nghề nghiệp trên cơ sở “kỹ năng và năng lực hành nghề của người học vừa là động lực, vừa là mục tiêu của quá trình đào tạo”, đáp ứng nhu cầu việc làm chuẩn mực, bền vững. Bên cạnh đó, xây dựng mô hình kết nối giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp đảm bảo đáp ứng cung - cầu về lao động, giảm thiểu chênh lệch và thiếu hụt kỹ năng...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.